Vòng luẩn quẩn

Sau 2 ngày Bộ GDĐT gửi công văn tới các sở GDĐT yêu cầu gấp rút chấn chỉnh đạo đức nhà giáo toàn ngành, thì cuối tuần qua, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) lại tiếp tục có công văn khẩn gửi tới Sở GDĐT Long An đề nghị xác minh, báo cáo sự việc học sinh Trường Tiểu học Bình Hữu, huyện Đức Hòa, Long An bị cô giáo đánh.

Trong công văn này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục yêu cầu Sở GDĐT Long An chỉ đạo kiểm tra, xác minh và phối hợp với các ban, ngành liên quan xử lý nghiêm minh vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo (nếu có). Đồng thời, chỉ đạo quán triệt trong toàn ngành việc tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo, về phòng chống bạo lực học đường và các quy định khác của Bộ GDĐT đã ban hành. Kết quả xác minh và tình hình sự việc báo cáo về Bộ ngay trong ngày 10/12.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, trong thời gian vừa qua, ở một số địa phương để xảy ra các vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội. Do đó, Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục quán triệt đội ngũ cần phải nhận thức về những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức vừa qua là bài học sâu sắc đối với ngành để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Nhưng việc rút kinh nghiệm xem ra không phải là vấn đề giản đơn. Trở lại với những dự thảo quy định xử phạt bằng tiền trong môi trường giáo dục gây chú ý dư luận thời gian qua, mức phạt cao nhất lên tới 30 triệu đồng với việc xâm phạm thân thể người học, người dạy, khiến ngay cả phụ huynh cũng nhận thấy thật khó hiệu quả. Vấn nạn bạo lực học đường thời gian qua cần phải lên án và bị xử lý nghiêm, nhưng nếu chỉ phạt tiền, thậm chí rất nhiều tiền mà kỳ vọng không còn bạo lực học đường, thì vừa không có cơ sở, vừa không ổn.

Ngay cả giáo viên cũng thấy áp lực với những quy định này, nhiều thày cô đã chia sẻ: Dù không cổ xúy cho việc dạy dỗ học sinh bằng đòn roi, bạo lực, nhưng họ cho rằng việc phạt giáo viên với một số tiền lớn hơn rất nhiều tiền lương họ nhận được hằng tháng, sẽ khiến thầy cô lo sợ, áp lực khi lên lớp.

Cảm thông với những áp lực từ giáo viên hôm nay, nhưng rõ ràng bất cứ một chủ trương nào trong giáo dục ở nhà trường dùng hình thức xử phạt bằng tài chính đều không nên. Do đó, nếu không có một giải pháp căn cơ hơn, chúng ta sẽ khó tránh khỏi vòng luẩn quẩn: Vi phạm- phạt tiền- rút kinh nghiệm- gửi công văn chỉ đạo…

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/vong-luan-quan-tintuc424856