'Vòng kim cô' đối với chính sách tiền tệ của Hàn Quốc

Việc trì hoãn cắt giảm lãi suất có thể khiến ngân hàng trung ương Hàn Quốc chậm chân so với một số ngân hàng trung ương lớn khác và sẽ khiến BoK 'tốn kém' hơn khi khắc phục những hậu quả sau này.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK). Nguồn ảnh: asia.nikkei.com

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK). Nguồn ảnh: asia.nikkei.com

Bài viết có tựa đề: “Chính sách tiền tệ bị giới hạn bởi giá căn hộ” đăng tải trên Nhật báo The Korea Herald (Hàn Quốc) số ra mới đây có nội dung như sau:

Theo ước tính chính thức từ Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), nền kinh tế Đông Á đã tăng trưởng thấp một cách đáng ngạc nhiên trong quý III/2024, khi xuất khẩu giảm do nhu cầu từ các thị trường lớn như Trung Quốc giảm, trong khi đầu tư xây dựng giảm mạnh trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước suy giảm liên tục.

Tăng trưởng đáng thất vọng và lạm phát chậm lại thường chỉ ra nhu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết nhà phân tích dự đoán BoK sẽ không hạ lãi suất thêm nữa trong năm nay, chủ yếu là do lo ngại về giá căn hộ và cho vay hộ gia đình.

Theo ước tính trước của BoK, được công bố vào cuối tuần trước, nền kinh tế Hàn Quốc trong quý III/2024 chỉ tăng trưởng 0,1% so với quý trước theo giá trị thực tế. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,5% trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do các nhà phân tích và chính ngân hàng trung ương dự báo vào tháng Tám.

Ngoài ra, điều này xảy ra sau khi GDP giảm 0,2% trong quý trước, cho phép nền kinh tế Hàn Quốc tránh được suy thoái kỹ thuật - được định nghĩa là hai quý suy giảm liên tiếp. Lần cuối cùng nền kinh tế suy thoái là vào đầu năm 2020, trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng 0,1% này có nghĩa là nền kinh tế vẫn chưa phục hồi sau sự suy giảm của quý thứ hai, với sản lượng kinh tế vẫn thấp hơn mức đã thấy trong quý đầu tiên của năm nay. Đáng chú ý, dữ liệu của ngân hàng trung ương cho thấy nếu không có sự tăng trưởng về lượng hàng trữ kho, nền kinh tế sẽ lại suy giảm trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9.

Sự tăng trưởng yếu này là một dấu hiệu cảnh báo nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này không đạt được mục tiêu tăng trưởng 2,4% trong cả năm trong bối cảnh bất ổn toàn cầu xung quanh thị trường bán dẫn, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của quốc gia này. BoK chỉ ra rằng nền kinh tế sẽ cần tăng trưởng 1,2% trong quý IV/2024 để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2,4% trong cả năm nay - một tốc độ được nhiều người cho là gần như không thể đạt được.

Bất chấp tình trạng kinh tế suy thoái kéo dài và lạm phát hạ nhiệt trong những tháng gần đây, hầu hết các nhà phân tích đều kỳ vọng BoK sẽ hoãn đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo tại cuộc họp vào cuối tháng này.

Kỳ vọng này được hỗ trợ bởi các bình luận từ ban chính sách tiền tệ của BoK trong cuộc họp báo ngày 11/10. Thống đốc Rhee Chang-yong lưu ý rằng năm trong số sáu thành viên ban ủng hộ việc duy trì lãi suất chính sách ở mức 3,25% trong ba tháng tới để theo dõi tác động đến giá nhà, nợ hộ gia đình và diễn biến địa chính trị toàn cầu.

Điều này cho thấy chính sách của BoK sẽ vẫn chịu ảnh hưởng của giá nhà và nợ hộ gia đình, khi loại trừ các yếu tố chính trị bên ngoài. Ngoài ra, BoK thận trọng trong việc hạ lãi suất hơn nữa do áp lực giảm tiềm tàng đối với đồng won, nhưng đồng tiền này đã sụt giảm do các yếu tố khác ngoài chính sách tiền tệ.

Đáng ngạc nhiên khi chính sách tiền tệ của một nền kinh tế lớn như Hàn Quốc lại bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các yếu tố như giá căn hộ và nợ hộ gia đình. Sự phụ thuộc vào chính sách tiền tệ này cũng có thể hạn chế hiệu quả quản lý kinh tế, vì chính sách đó là một công cụ rộng lớn ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Ví dụ, giá căn hộ không chỉ được hình thành bởi lãi suất mà còn bởi nhiều yếu tố phức tạp, bao gồm cung và cầu nhà ở, hoàn cảnh chính trị và mô hình phân bổ vốn ở nhiều quốc gia.

Xu hướng giá nhà hiện tại có thể không phải là kết quả trực tiếp của lãi suất hiện tại, nhưng có thể phản ánh xu hướng chi phí vay dài hạn cũng như các điều kiện kinh tế và phi kinh tế khác. Hơn nữa, giá nhà tăng hiện chỉ giới hạn ở một số khu vực nhất định tại Seoul và các thành phố xung quanh, không phải trên toàn quốc.

Dữ liệu từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy giá nhà chung của Hàn Quốc không tăng ở mức đáng báo động so với các nền kinh tế phát triển và mới nổi khác.

Số liệu thống kê từ Hội đồng bất động sản Hàn Quốc (KREB) cũng cho thấy giá căn hộ trên cả nước trong tháng 9/2024 chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ 5 có mức tăng theo năm. Sự tăng trưởng hạn chế này diễn ra sau 19 tháng giá liên tục giảm.

Sự tăng trưởng khiêm tốn này phần lớn chỉ giới hạn ở khu vực thủ đô, với giá căn hộ bên ngoài khu vực đó trong tháng 9/2024 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 22 liên tiếp tại các khu vực này.

Vay hộ gia đình, được BoK theo dõi chặt chẽ như một chỉ số chính về sự ổn định tài chính, không chỉ chịu ảnh hưởng của giá căn hộ. Đạo luật của BoK nhấn mạnh rằng trong khi sự ổn định tài chính là quan trọng, lạm phát vẫn là yếu tố quyết định chính đối với chính sách tiền tệ.

Khi BoK cắt giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản vào tháng 10/2024, lần cắt giảm đầu tiên sau nhiều năm. Động thái này chỉ diễn ra sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm và nhiều nhà phân tích cảm thấy hành động này đã quá chậm do nhu cầu trong nước ngày càng sụt giảm.

Việc trì hoãn cắt giảm lãi suất do các yếu tố thứ cấp có thể khiến BoK chậm chân hơn nữa, và nhiều khả năng BoK sẽ phải "tốn kém" hơn khi khắc phục những hậu quả sau này.

Trần Quang (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vong-kim-co-doi-voi-chinh-sach-tien-te-cua-han-quoc/351916.html