Vòng 3 căng tròn nhưng lại đau từ hông đến cẳng chân, người phụ nữ đến bệnh viện khám được chẩn đoán đang mắc bệnh

Vài ngày trước, cô Từ đột nhiên cảm nhận cơn đau lan tỏa từ bờ mông phải kéo dài đến cẳng chân.

Cô Từ (33 tuổi) sống tại Đài Loan luôn cảm thấy tự hào về vòng 3 căng tròn khi mặc quần ôm. Vài ngày trước, cô Từ đột nhiên cảm nhận cơn đau lan tỏa từ bờ mông phải kéo dài đến cẳng chân.

Ảnh minh họa

Cô Từ đã đến nhiều phòng khám nhưng không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Cơn đau nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ khiến cô Từ luôn cảm thấy mệt mỏi. Sau khi đến bệnh viện chuyên khoa Asia University Hospital, được kiểm tra vị trí đau nhức và tiến hành chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng, kết quả chẩn đoán cho thấy cô Từ mắc hội chứng cơ hình lê.

Bác sĩ La Đạt Phú, bệnh viện Asia University Hospital, cho biết, đau thắt lưng kèm theo đau nhức chân sẽ được phân loại là đau thần kinh tọa, nguyên nhân có thể là thoát vị đĩa đệm chèn ép dây thần kinh, hoặc quá trình thoái hóa gây ra tình trạng hẹp các ống thần kinh. Vì nguồn gốc của cơn đau là ở thắt lưng, khám lâm sàng bác sĩ sẽ tập trung vào việc xác nhận vị trí của các triệu chứng thần kinh và chụp cộng hưởng từ thắt lưng.

Nếu dây thần kinh thắt lưng bị chèn ép và hẹp không rõ ràng, hoặc không có triệu chứng liên quan thì nguyên nhân của hội chứng cơ hình lê cần được làm rõ.

Bác sĩ La giải thích: "Cơ hình lê là lớp cơ sâu nằm sau và xiên cơ mông lớn, cạnh bờ trên của khớp háng. Khi các cơ bị thương hoặc tư thế không đúng sẽ gây ra viêm hoặc thậm chí sưng tấy, những kích thích và chèn ép gây ra sẽ tương tự như biểu hiện của bệnh đau thần kinh tọa. Do đó, nếu cơn đau thần kinh tọa xảy ra nhưng không có biểu hiện đau thắt lưng rõ ràng thì có thể do hội chứng cơ hình lê".

Ảnh minh họa

Hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng cơ hình lê không bị chấn thương cụ thể. Biểu hiện đau chủ yếu là đau lan tỏa chứ không phải là đau tại một điểm cố định. Phương pháp chẩn đoán có thể sử dụng siêu âm để xác nhận xem có sự tích tụ chất lỏng hoặc các cơ sâu của mông dày lên gây đau đớn.

Bác sĩ La nhấn mạnh, khi bắt đầu điều trị bệnh nhân sẽ được dặn dò nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau, sau khi tình trạng đau đớn được cải thiện bệnh nhân sẽ điều trị phục hồi chức năng để thúc đẩy quá trình tái tạo mô và giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị đau dữ dội hoặc điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân có thể nhận thêm liệu pháp tiêm vào điểm đau và có thể giảm đau ngay lập tức.

Rất khó chẩn đoán hội chứng cơ hình lê, mọi người nên cảnh giác khi bị đau chi dưới hoặc đi khập khiễng.

Mặc dù hội chứng cơ hình lê không phải là hiếm gặp, nhưng rất khó để xác định. Bác sĩ La nhắc nhở, nếu bạn bị đau một bên chi dưới, đi khập khiễng, điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì bạn cần nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa.

Cơ hình lê là một cơ dẹt thuộc nhóm cơ mông, có hình lê hoặc hình tháp nên còn được gọi là cơ tháp.

Sự co thắt, sưng, kích thích của cơ hình lê là do các chuyển động lặp đi lặp lại của chân, chấn thương, chẳng hạn như ngã; chạy bộ quá sức hoặc kéo dài; ngồi nhiều; đột ngột chuyển từ lối sống ít vận động sang tập thể dục thường xuyên, căng cơ và thừa cân do mang thai, hoặc người có các vấn đề ở khớp cùng chậu.

Triệu chứng của hội chứng cơ hình lê

Về lâm sàng, triệu chứng của hội chứng cơ hình lê cũng tương tự như đau thần kinh tọa, bao gồm:

Đau ngứa ran, hoặc tê ở vùng mông.

Tê và yếu nặng dần, lan xuống phía sau đùi, bắp chân và bàn chân.

Đau thường tăng khi đi leo cầu thang, đứng lên, ngồi xuống, hoặc đi, chạy.

Đau cũng có thể được kích hoạt khi ngồi lâu, như lái xe hơi đường dài hoặc có lực tác động trực tiếp trên cơ hình lê.

Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp đau thần kinh tọa không phải là do hội chứng cơ hình lê. Dó đó cần được chẩn đoán phân biệt để điều trị chính xác.

Tú Uyên

Theo Ettoday

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/vong-3-cang-tron-nhung-lai-dau-tu-hong-den-cang-chan-nguoi-phu-nu-den-benh-vien-kham-duoc-chan-doan-dang-mac-benh-20210517104009106.htm