Vốn ủy thác ngân hàng chính sách xã hội: Hiệu quả từ chính sách an sinh

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ gia đình nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thậm chí, không ít hộ sau khi thoát nghèo đã phát triển các mô hình sản xuất, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vay vốn thoát nghèo, doanh thu 100 triệu đồng

Một buổi chiều cuối tháng 9, đoàn cán bộ ngành LĐTB&XH, ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất đã đến kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ gia đình ông Cấn Văn Giáo (thôn Nội Thôn, xã Phú Kim).

Trong căn nhà cấp 4 treo nhiều khung ảnh các thành viên gia đình, ông Giáo phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi đã dùng 12 triệu đồng vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để khoan giếng, xây nhà vệ sinh tự hoại. 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm được gia đình tôi dùng cải tạo vườn, ao và chăn nuôi”.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ cho hộ dân vay vốn tại điểm giao dịch xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thanh Hải

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ cho hộ dân vay vốn tại điểm giao dịch xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thanh Hải

Ông chỉ tay ra khu vườn rộng phủ màu xanh rì trước sân với những cây bưởi chi chít quả khoe: Đến nay, gia đình trồng được gần 100 gốc bưởi Diễn. Năm 2018, nhờ trồng bưởi và nuôi lợn, nuôi vịt đã cho doanh thu khoảng 100 triệu đồng.

Theo thống kê, chính sách cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn đã góp phần giảm gần 100 hộ nghèo và dự kiến đến cuối năm toàn huyện Thạch Thất số hộ nghèo giảm còn 1,97%. Nếu không tính 794 hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Thạch Thất chỉ còn 0,35%.

Từ 30 triệu đồng vốn cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình chị Vương Thị Hoa (thôn Đoài, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn) đã mua 2 con bò. Nhờ chịu khó chăn nuôi, 2 con bò giống đã sinh sản ra nhiều con khác, giúp hộ gia đình chị Hoa từ hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, cận nghèo và thoát nghèo. Mới đây, cùng với nguồn tiền lãi nuôi bò và các khoản dành dụm khác tích cóp được, vợ chồng chị Hoa xây ngôi nhà hai tầng khang trang trị giá 700 triệu đồng.

Những năm gần đây, được vay vốn từ các chương trình tín dụng, người dân xã Phú Minh đã phát triển mạnh nghề phụ chăn nuôi, mộc, hàn. Nhờ có các chương trình tín dụng chính sách xã hội, số hộ nghèo trong xã đã giảm từ 74 (cuối năm 2018) đến nay còn 43, chiếm hơn 1%.

Sử dụng vốn đúng mục đích

Trong những năm qua, với việc tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn vay, các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng CSXH đã luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, thu được những thành quả nổi bật, góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

Theo báo cáo từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội, từ năm 2016 đến ngày 31/7/2019 đã giải ngân 11.045 tỷ đồng cho gần 370.000 lượt khách hàng vay vốn thông qua 17 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ tính dụng đến cuối tháng 7/2019 là 7.923 tỷ đồng với trên 287.000 khách hàng đang vay vốn.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung thông tin: Để có kết quả trên, TP đã quan tâm chỉ đạo tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Về cơ bản, các nguồn lực tài chính, huy động nguồn vốn cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, ưu tiên tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, người mù, người khuyết tật.

Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay có vai trò rất lớn từ các Ngân hàng CSXH cấp dưới cũng như các đoàn thể ở quận, huyện, xã, phường trong việc triển khai cho vay cũng như quá trình giám sát thực hiện.

Ông Quang Mạnh Hà – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Mê Linh cho biết: Để triển khai 300 tỷ đồng cho gần 10.000 khách hàng vay vốn, Ngân hàng CSXH Mê Linh đã phối hơp với 4 hội đoàn thể cấp huyện và 5 hội đoàn thể cấp xã thực hiện theo đúng quy trình cho vay.

Theo đó, khi các khách hàng có nhu cầu vay vốn, Ngân hàng CSXH huyện sẽ cùng cấp ủy, hội đoàn thể, chính quyền địa phương, trưởng thôn cùng rà soát, bình xét lựa đúng những đối tượng đủ điều kiện. Trong quá trình các đối tượng vay vốn, Ngân hàng CSXH huyện và các hội đoàn thể tiếp tục kiểm tra, giám sát, theo dõi sát sao. Chính vì thế, chất lượng tín dụng đã được bảo đảm.

Nhiều năm theo dõi việc cho vay và sử dụng đồng vốn từ Ngân hàng CSXH, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH Thạch Thất Nguyễn Quyết Thắng nhấn mạnh đến việc cho vay vốn đúng đối tượng, đúng quy trình và đảm bảo thu hồi vốn. Bởi vậy, từ nguồn vốn vay đã giúp không ít hộ thoát nghèo, tiếp tục được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất.

Từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2016 – 2020, sau 4 năm thực hiện, TP Hà Nội đã giảm được 41.292 hộ nghèo, 14.784 hộ cận nghèo theo chuẩn T.Ư và giảm được 42.088 hộ nghèo theo chuẩn TP. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn T.Ư giảm từ 2,97% đầu giai đoạn xuống còn 0,59% và theo chuẩn TP giảm từ 3,64% xuống còn 1,16%.

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/von-uy-thac-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-hieu-qua-tu-chinh-sach-an-sinh-355290.html