Vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam: Tránh núp bóng thế nào?

Cơ quan quản lý phải có phương án chuẩn bị đón sóng đầu tư, tránh những hệ lụy không đáng có có thể xảy ra sau này.

Lo Việt Nam thành nơi xuất khẩu hộ

Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra chưa có hồi kết, dự báo nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc, chuyển sang thị trường khác đang trở thành hiện thực. Nhiều công ty lớn đã rút khỏi thị trường Trung Quốc để sang Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam...

Tại Việt Nam, trong mấy năm vừa qua, nhiều khu công nghiệp đã được xây dựng, cơ sở hạ tầng có sự cải thiện đáng kể về đường sá, điện, nước... Công nghiệp phụ trợ đã có bước phát triển, song so với yêu cầu thì còn lâu mới đạt được. Điều đó làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo Ths Nguyễn Bình Minh, giảng viên Đại học Thương mại, doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra yếu thế trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc bởi Trung Quốc có quy mô sản xuất lớn hơn, sản phẩm rẻ hơn.

Tuy nhiên, khi thương chiến xảy ra, Mỹ không mong muốn các sản phẩm từ Trung Quốc trá hình vào Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn đưa sản phẩm vào Mỹ thì bắt buộc phải minh bạch nguồn gốc, xuất xứ.

"Đây là điều nước Mỹ đã cảnh báo từ lâu. Việt Nam muốn cạnh tranh được, muốn xuất hàng vào Mỹ thì phải tìm cách để nội địa hóa sản phẩm của mình, phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, không trở thành con đường quá cảnh cho sản phẩm Trung Quốc đi qua Việt Nam sang Mỹ.

Bản thân các doanh nghiệp phải tự tính toán điều đó bởi cơ quan quản lý Việt Nam nếu không cẩn thận, không kiểm soát chặt chẽ thì Mỹ sẽ ra đòn trừng phạt, ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp khác và kinh tế Việt Nam", Ths Nguyễn Bình Minh lưu ý.

Nhiều công ty lớn chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh minh họa

Nhiều công ty lớn chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Tất Thắng thừa nhận, dù công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã có bước tiến nhưng để đẩy mạnh ngành này hơn nữa thì không phải ngày một ngày hai.

"Dĩ nhiên các doanh nghiệp khi chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam đã phải tính toán, lên kế hoạch về nhân lực, nguyên liệu... sẽ lấy ở đâu. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta được chủ quan mà quên đi thực tế rằng công nghiệp phụ trợ, nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại", PGS.TS Phạm Tất Thắng nói.

Ông dẫn sự thay đổi của ngành dệt may làm ví dụ. Trong những năm gần đây, ngành dệt may đã có sự thay đổi đáng kể trong việc tự thiết kế, tự sản xuất hàng hóa của riêng mình và đầu tư sản xuất các yếu tố đầu vào để tự túc một phần.

Từ chỗ phụ thuộc 80% vào thị trường Trung Quốc và thị trường nước ngoài, đến nay con số này chỉ còn hơn 60%. Đó cũng là thành tích đáng kể, thậm chí ở một số doanh nghiệp, tỷ lệ này còn cao hơn nữa.

Việc cần làm hiện nay của ngành dệt may là phải căn cứ vào từng thị trường để quyết định cơ cấu, tổ chức sản xuất sao cho có lợi nhất, hưởng được các ưu đãi mà các FTA mang lại.

Chẳng hạn, CPTPP tính xuất xứ hàng hóa từ sợi, Việt Nam đầu tư vào sợi để có lượng sợi cung cấp cho ngành dệt may. Hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU tính quy tắc xuất xứ từ vải, Việt Nam đầu tư vào vải và đến nay không những chúng ta có thể cung cấp được đủ lượng vải theo nhu cầu mà còn có thể xuất khẩu.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng chỉ ra điều đáng ngại nhất và cần phải tránh đối với dệt may Việt Nam, đó là không để cho sản phẩm của Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để trốn thuế.

"Chuyện sản phẩm Trung Quốc núp bóng hàng Việt là hiện hữu và đã xuất hiện ở nhiều mặt hàng. Vừa qua, các cơ quan chức năng thông báo có những lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về, trên đó đã dán mác sẵn hàng Made in Vietnam. Vì vậy, Việt Nam cần phải quyết tâm và chặt chẽ hơn trong kiểm soát việc này", PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Sự chuẩn bị của Việt Nam

Đồng quan điểm, Ths Nguyễn Bình Minh chia sẻ nỗi lo khi công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu kém, các nhà đầu tư lớn nước ngoài tại Việt Nam sẽ quay sang thu hút FDI ngành công nghiệp phụ trợ. Với xu hướng li ti hóa, nhiều doanh nghiệp FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh - nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn.

Khi ấy áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp Việt là rất lớn và nguy cơ Việt Nam chỉ là nơi nhà đầu tư ngoại mượn xuất xứ để bán hàng phải được tính tới.

Điều quan trọng với Việt Nam, theo Ths Nguyễn Bình Minh, là phải chọn chỗ đứng sao cho phù hợp.

"Đối với các đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam không thể áp dụng riêng chính sách cho từng quốc gia vì đã mở cửa. Do đó, nếu Trung Quốc đầu tư và thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì ta phải chấp nhận.

Đương nhiên cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng tạo ra bất lợi cho doanh nghiệp Việt nhưng ở Việt Nam, họ là người mới, nguồn lực của họ bị hạn chế đi nhiều và họ phải trả mức chi phí tương đối lớn khi vào Việt Nam. Chính vì thế, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này không lớn như khi ở Trung Quốc.

Nói như thế không có nghĩa là ta không có sự chuẩn bị. Cơ quan quản lý Việt Nam phải có phương án chuẩn bị cho làn sóng đầu tư có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc dài để tránh những hệ lụy có thể xảy ra sau này.

Đối với vốn đầu tư Trung Quốc, kinh nghiệm xưa nay cho thấy cách thức làm việc của người Trung Quốc không hoàn toàn giống như các quốc gia khác. Do đó, Việt Nam phải tính toán để quản lý lao động từ Trung Quốc sang; dây chuyền công nghệ của họ có đạt tiêu chuẩn, có ảnh hưởng đến môi trường hay không...

Nếu ở trong giai đoạn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhiều mà khâu quản lý, kiểm tra, giám sát để sót những dây chuyền, công nghệ lạc hậu, phá hoại môi trường thì sau này chính Việt Nam phải gánh những hậu quả môi trường đó", Ths Nguyễn Bình Minh cảnh báo.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/von-tu-trung-quoc-sang-viet-nam-tranh-nup-bong-the-nao-3385128/