Vốn rẻ có đến được doanh nghiệp?

Việc NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Lãi suất giảm DN rất mừng, song làm sao tiếp cận vốn lại là câu chuyện khác. ĐTTC đã trao đổi với ông PHẠM VIỆT ANH, chuyên gia tư vấn tăng trưởng DN, xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG

Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG

PHÓNG VIÊN: - Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc NHNN lần thứ 3 hạ lãi suất điều hành liệu có tác động nhiều đến DN, thưa ông?

Ông PHẠM VIỆT ANH: - Về chính sách chung, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN là tín hiệu tích cực với DN, nhất là với DN có nhu cầu vay vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc vay vốn cần được nhìn nhận ở 2 góc độ.

Thứ nhất, hạ lãi suất chỉ là một vấn đề, điều quan trọng nhất là DN có thể đáp ứng được các yêu cầu vay vốn của NHTM hay không. Thực tế, cũng khó trách các NHTM vì họ cũng là tổ chức DN nên phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn.

Những khoản vay lãi suất thấp, rủi ro cao sẽ là công thức thảm họa. Vì lẽ đó, DN muốn vay được vốn phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả, sổ sách minh bạch, quản trị chuyên nghiệp…

Đó là những điều kiện cần để NH cấp vốn. Nhu cầu vốn của DN là có thật nhưng không có gì để đảm bảo sẽ rất khó cho các NH. Đó cũng là lý do ý tưởng thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cũng chỉ có thể thực hiện với DN có tài sản đảm bảo, còn với DNNVV vẫn khó.

Thứ hai, đúng là lãi suất có tác động đến kế hoạch kinh doanh của DN, nhưng quyết định DN có vay vốn NH cho mục tiêu tăng trưởng hay không phải thấy được khả năng phục hồi của thị trường, khả năng sinh lời các kế hoạch kinh doanh của mình.

Nếu thị trường suy giảm, nhu cầu chậm phục hồi vì nhiều lý do như phải giãn cách xã hội do dịch bệnh (đây là cách thức chống dịch nhưng mặt trái lại hạn chế cả tổng cung lẫn tổng cầu), thì dù vốn có rẻ nhưng với DN cũng là gánh nặng kinh doanh. Do vậy DN sẽ hạn chế vay vốn.

- Thực tế các NHTM vẫn chủ yếu tập trung cho vay các DN lớn, khách hàng truyền thống, khách hàng là DNNVV rất khó đến với NH. Theo ông có cách thức nào để DNNVV tiếp cận vốn NH tốt hơn?

- Trong số hơn 95% DN tư nhân Việt Nam hiện nay có khoảng 2/3 là DN siêu nhỏ, trong đó đa phần chưa đủ khả năng huy động vốn xã hội như phát hành trái phiếu và chứng khoán hóa.

Lẽ ra hệ thống NH phải được thiết kế thêm NH nhỏ (dạng như các NH địa phương) để phục vụ DNNVV. Do là NH nhỏ nên tính thấu hiểu DN địa phương sẽ cao, có nghĩa sản phẩm sẽ linh hoạt hiệu quả hơn, thay vì gom lại thành lớn, các NH lớn sẽ ưu tiên phục vụ DN lớn hơn.

DN cần hỗ trợ vốn trước hết để giảm bớt khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, qua đó duy trì được công việc cho người lao động. Nhưng trong giai đoạn kinh tế phục hồi mới là lúc DN cần vốn nhất để thúc đẩy tăng trưởng trở lại, qua đó thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Như vậy chính sách cần tính đến vấn đề cung tiền - lạm phát và nhu cầu vốn của DNNVV ở giai đoạn hậu dịch, do nguồn vốn tín dụng luôn hữu hạn và các DN lớn, DNNN hiện đang hút phần lớn nguồn vốn của nền kinh tế.

Cũng cần nói thêm, khi vốn rẻ là cơ hội đầu tư cho đổi mới công nghệ của những DN còn có tiềm lực. Song nâng cấp công nghệ cho giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa là cơ hội nhưng cũng là cái bẫy đầu tư cho DN.

Một khi chính sách tiền tệ trong dài hạn không ổn định, DN đi vay để nâng cấp công nghệ có thể sụp đổ vì lãi vay và chết trên đống tài sản. Đừng quên bài học khủng hoảng tài chính năm 2007 khiến nhiều DN thua lỗ nặng nề mà nguyên nhân do đầu tư mở rộng quá tay trước đó.

- Có ý kiến nói khi lãi suất giảm có thể xuất hiện tình trạng người đi vay vay tiền mới với lãi suất thấp hơn khoản vay cũ và dùng số tiền này trả các khoản vay trước đó. Ông đánh giá sao về điều này?

DN phải nhận thấy được khả năng phục hồi của thị trường, khả năng sinh lời của các kế hoạch kinh doanh, từ đó mới quyết định có vay vốn NH cho mục tiêu tăng trưởng.

- Không loại trừ khả năng này, sẽ có việc vay đảo nợ, vay không đúng mục đích phục vụ cho sản xuất kinh doanh mà chuyển vào nhiều khoản đầu tư khác… Để giải quyết phải quay lại câu chuyện quản lý nhà nước, nhất là điều tiết của các NH.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc hay Nhật Bản từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, là họ không để khối tư nhân vốn luôn bị điều khiển bởi các mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận (đặc quyền, đặc lợi sinh ra suy thoái) dẫn dắt, quyết định phân bổ tín dụng NH.

Thay vào đó họ chủ động hướng tín dụng vào những gì họ đánh giá là các khoản đầu tư sinh lời, với tiềm năng lớn nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tín dụng được dành cho ngành công nghiệp sản xuất, không dành cho bất động sản.

Tín dụng phục vụ cho công nghiệp xuất khẩu không hướng tới các nhà nhập khẩu và nhằm hỗ trợ các ưu tiên chiến lược, như phát triển công nghiệp nặng ở Hàn Quốc trong giai đoạn đầu, phát triển công nghiệp chế tạo (điện tử, ô tô…) ở Nhật Bản.

- NHNN khẳng định hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, nhưng chỉ giải pháp này đã đủ chưa? Theo ông lúc này DN cần điều gì để phục hồi sản xuất kinh doanh?

- Để hỗ trợ DN cũng như nền kinh tế phục hồi, vĩ mô sẽ có chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Giảm lãi suất thuộc chính sách tiền tệ, còn ở góc độ tài khóa các chính sách miễn, giảm thuế, các gói hỗ trợ… cần được Chính phủ thực hiện đồng bộ, kịp thời mới có thể phát huy hết hiệu quả của các chính sách.

Thực tế hiện nay điều nhiều DN cần vẫn là thị trường đầu ra cho sản phẩm. Chúng ta đang khống chế tốt dịch bệnh, nhưng thế giới nhất là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản dịch vẫn chưa thể kiểm soát, nên nhiều ngành hàng, nhiều DN vẫn còn chịu tác động rất lớn.

Chỉ khi dịch được khống chế trên diện rộng, thị trường phục hồi DN cũng theo đó hồi sinh. Còn trong bối cảnh dịch bệnh, DN nào trụ được lâu hơn khả năng hồi phục sau dịch cũng mạnh mẽ hơn.

- Xin cảm ơn ông.

Thanh Lâm (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/von-re-co-den-duoc-doanh-nghiep-84667.html