Vốn ngoại xoay trục, chuyển từ ASEAN và Ấn Độ lên Bắc Á

Dòng vốn ngoại có xu hướng chuyển hướng từ các nước ASEAN và Ấn Độ lên thị trường chứng khoán ở Bắc Á bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc để đón đầu một đợt tăng giá tiềm năng.

Các nhà chiến lược của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo vai trò dẫn dắt chứng khoán châu Á sẽ chuyển từ ASEAN và Ấn Độ sang các nền kinh tế Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc trong năm 2023. Ảnh: AFP

Các nhà chiến lược của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo vai trò dẫn dắt chứng khoán châu Á sẽ chuyển từ ASEAN và Ấn Độ sang các nền kinh tế Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc trong năm 2023. Ảnh: AFP

Đà phục hồi mới chớm của thị trường chứng khoán Bắc Á đang được các nhà chiến lược khuyến nghị như là một điểm mua để đón đầu một đợt tăng giá tiềm năng khi giới đầu tư tăng cường đặt cược vào việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại nền kinh tế cũng như triển vọng chạm đáy của ngành công nghiệp chip.

Các nhà chiến lược tại Ngân hàng Goldman Sachs kỳ vọng, vai trò dẫn dắt chứng khoán châu Á sẽ chuyển từ Đông Nam Á và Ấn Độ sang các thị trường như Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm tới. Trong khi đó, Ngân hàng Societe Generale nhận định, thị trường chứng khoán thiên về cổ phiếu công nghệ của Đài Loan cũng đang tạo điểm uốn để bật lên. Ngân hàng Jefferies cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Thị trường cổ phiếu Hồng Kông cũng như Hàn Quốc và Đài Loan đã giảm giá trong phần lớn thời gian của năm nay do sự phụ thuộc nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn bị kìm hãm bởi các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt và cuộc khủng hoảng bất động sản. Trong khi đó, nhu cầu nội địa mạnh mẽ đã thúc đẩy các thị trường phía nam châu Á bao gồm Indonesia và Ấn Độ, giúp thị trường chứng khoán của những nước này bật dậy mạnh mẽ.

Tình thế đã thay đổi trong tháng này sau một loạt động thái chính sách tích cực của Bắc Kinh.

“Mối quan tâm của chúng tôi là thị trường chứng khoán Đông Nam Á đang bắt đầu hoạt động kém hiệu quả trong vài tuần qua, khi các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường Bắc Á”, Alexander Redman, Giám đốc chiến lược cổ phần tại Công ty môi giới và đầu tư CLSA (Hồng Kông) nói.

Ông đánh giá, Indonesia với vị thế là một nhà xuất khẩu hàng hóa hướng nội, có tính phòng thủ, là nơi trú ẩn hợp lý để vượt qua cơn bão chứng khoán trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán của nước đông dân nhất Đông Nam Á này sẽ ít được ưa chuộng hơn khi giới đầu tư trở lại với các cổ phiếu giá trị có tính chu kỳ cao ở Bắc Á.

Các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở Hồng Kông đã tăng khoảng 20% trong tháng 11, dễ dàng vượt qua đánh bại phần còn lại của châu Á và các chỉ số lớn trên toàn cầu khi giới chức trách Trung Quốc theo đuổi các hạn chế Covid-19 có mục tiêu hơn đồng thời tăng cường hỗ trợ chính sách cho lĩnh vực bất động sản.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 5,8 tỉ đô la Mỹ vào chứng khoán Đài Loan trong tháng này. Nếu con số này được giữ vững hoặc cải thiện, tháng 11 sẽ là tháng đầu tiên chứng kiến vốn ngoại chảy ròng vào chứng khoán Đài Loan và cũng là tháng thu hút vốn ngoại lớn nhất trong 15 năm.

Tại Hàn Quốc, giá trị mua ròng cổ phiếu của vốn ngoại hướng đến mức hơn 2 tỉ đô la Mỹ trong tháng thứ hai liên tiếp. Ngược lại, thị trường Indonesia, từng được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn như một nơi phòng thủ lạm phát, không thay đổi nhiều trong tháng 11 và có thể chứng kiến vốn ngoại hàng tháng chuyển sang âm lần đầu tiên kể từ tháng 7.

Giới đầu tư cũng cảnh giác hơn về mức định giá cổ phiếu ở Ấn Độ, nơi các chỉ số chuẩn gần đây đạt mức cao kỷ lục. Các nhà chiến lược của Goldman Sachs dự đoán, thị trường chứng khoán Ấn Độ sẽ hoạt động tương đối kém hiệu quả trong năm 2023.

“Bất kỳ chất xúc tác tích cực nào như khả năng Trung Quốc mở cửa trở lại và hỗ trợ chính sách, các căng thẳng địa chính trị dịu lại hoặc chu kỳ suy giảm của công nghệ chạm đáy đều có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ các thị trường Bắc Á”, các nhà chiến lược của Ngân hàng Jefferies viết trong một báo cáo.

Họ khuyến nghị tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ở Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, giữ quan điểm trung lập với cổ phiếu ở Indonesia và đề xuất giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ở Ấn Độ.

Kịch bản về triển vọng tăng giá đối cổ phiếu Hàn Quốc và Đài Loan cũng được xây dựng dựa trên sự thống trị của họ về ngành công nghiệp chip vì hai thị trường này là quê hương của các đối thủ nặng ký trong ngành như Samsung Electronics và Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC). Hàn Quốc và Đài Loan cũng có Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.

“Giá cổ phiếu thường chạm đáy 2-3 quý trước khi chu kỳ bán dẫn chạm đáy. Chúng ta có thể đang ở thời điểm này”, các nhà chiến lược của Ngân hàng Societe Generale nhận định.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hồng Kông đang sắp chốt lại tháng tăng giá tốt nhất kể từ năm 2006, khi các công ty quản lý tài sản từ M&G Investments, Eastspring Investments đến Franklin Templeton Investments đều đang mua vào trong thời gian qua.

Ở Trung Quốc đại lục, các quỹ nước ngoài đã mua được khoảng 49 tỉ nhân dân tệ, cỡ 6,8 tỉ đô la Mỹ giá trị cổ phiếu thông qua các liên kết giao dịch với Hồng Kông.

Điều đó không có nghĩa là con đường phục hồi của chứng khoán khu vực Bắc Á sẽ bằng phẳng.

Với sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu, các thị trường này dễ bị tổn thương trước nguy cơ suy thoái toàn cầu và cũng thường là tâm điểm của căng thẳng địa chính trị liên quan đến Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày ở Trung Quốc liên tiếp phá kỷ lục cũng đang làm kìm hãm xung lực tích cực của thị trường.

“Có những lo ngại liên tục từ khía cạnh địa chính trị”, Vivian Lin Thurston, Giám đốc danh mục đầu tư tại William Blair Investment Management nói.

Thurston lưu ý thêm, dù chu kỳ của ngành công nghệ dường như sắp đảo chiều nhưng nếu nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, nhà đầu tư cần phải đánh giá lại chu kỳ và luận điểm của họ.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Bắc Á đã phản ánh các dự báo thu nhập doanh nghiệp giảm sâu nên có thể có nhiều tiềm năng tăng giá hơn. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn giảm hơn 15% từ đầu năm đến nay trong khi các chỉ số ở Indonesia và Ấn Độ vẫn tăng khoảng 7%.

Đối với những nhà đầu tư và phân tích đang theo dõi Trung Quốc, các sự kiện quan trọng bao gồm cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào đầu tháng 12, ngay sau đó là Hội nghị Công tác kinh tế trung ương hàng năm có thể cung cấp những tín hiệu hữu ích.

“Nếu chúng ta ví von chứng khoán Bắc Á như một đoàn tàu đang rời ga thì đầu máy chính là Hàn Quốc và nó đã rời khỏi ga. Bây giờ, đầu máy Đài Loan đã xuất phát. Và sau đó, đoạn giữa đoàn tàu là Trung Quốc cũng sẽ rời bến”, Jonathan Garner, Giám đốc chiến lược cổ phần châu Á và các thị trường mới nổi tại Ngân hàng Morgan Stanley nói trong một cuộc phỏng vấn.

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/von-ngoai-xoay-truc-chuyen-tu-asean-va-an-do-len-bac-a/