Vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào ngành thực phẩm

Với mức tăng trưởng trên 7% trong năm 2018 và đã duy trì xuyên suốt nhiều năm trước đó, ngành chế biến lương thực - thực phẩm đang được đánh giá là ngành hấp dẫn nhất Việt Nam.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) ngoại, những yếu tố như quy mô thị trường ngày càng lớn, xu hướng tăng chi tiêu/đầu người có thể đạt mức 70% GDP… sẽ tiếp tục tạo động lực kích thích các DN ngoại mạnh tay đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Thị trường trong nước hấp dẫn

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết chỉ tính riêng năm 2018, trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, thì doanh thu bán lẻ các mặt hàng thực phẩm và đồ uống chiếm 12,3%. Riêng với TPHCM, trong tổng doanh thu dịch vụ bán lẻ đạt gần 700.000 tỷ đồng thì các mặt hàng thực phẩm và đồ uống chiếm 17%. Thực phẩm, đồ uống hiện đang là mặt hàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt, ước khoảng 35% mức chi tiêu.

Với thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến lương thực - thực phẩm, nông sản nước ta cũng đạt mức hơn 40 tỷ USD trong năm 2018. Hàng Việt đã xây dựng thương hiệu và vượt qua các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của những thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh 28 nước châu Âu… Hiện sản phẩm thương hiệu Việt đã có mặt tại 200 quốc gia trên thế giới, có 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có sản phẩm thực phẩm chế biến của thủy hải sản, nông sản.

Sản phẩm thực phẩm chế biến tại CJ Cầu Tre. Ảnh: Cao Thăng

Sản phẩm thực phẩm chế biến tại CJ Cầu Tre. Ảnh: Cao Thăng

Ở góc độ DN có vốn đầu nước ngoài, ngành chế biến lương thực - thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn bởi có nguồn nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm phong phú. Việt Nam đang được xem là một trong 5 giỏ thực phẩm của thế giới. Sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến và ưa chuộng sau khi nhiều DN nỗ lực xây dựng thương hiệu hàng Việt xuất khẩu.

Ngoài ra, những yếu tố thuận lợi như quy mô thị trường tập trung, dân số đông và trẻ, cộng với tâm lý ưa chuộng và nhanh chóng thích ứng với thực phẩm chế biến, là yếu tố hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia vào sân chơi này.

DN ngoại mạnh tay đổ vốn đầu tư

Thống kê sơ bộ trong 5 năm qua, hàng loạt những DN sản xuất, chế biến thực phẩm nổi tiếng của thế giới đã đặt nhà máy tại Việt Nam và họ không ngừng tăng quy mô đầu tư, mua bán - sáp nhập các hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn CJ đã lần lượt tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn của Việt Nam như Công ty cổ phần Xuất khẩu Cầu Tre, Công ty Minh Đạt… Ngoài ra, trong thời gian tới, cùng với chủ trương thoái vốn nhà nước tại các DN thực phẩm và đồ uống hàng đầu ngành như Habeco, Vinamilk…, các nhà đầu tư ngoại càng mạnh tay hơn trong cuộc đua đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Cùng với chiến lược đổ bộ đầu tư sản xuất thì chiến lược chiếm lĩnh thị trường của sản phẩm thực phẩm chế biến ngoại cũng triển khai thông qua việc gia tăng mạnh số lượng siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi. Tính cho đến nay, các “ông lớn” có thương hiệu lâu đời trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ như Circle K, 7-Eleven, B’s mart, Family Mart, Ministop, BigC, Aeon, Auchan, Lotte… đã có mặt tại Việt Nam, với ước tính khoảng 3.000 cửa hàng tiện lợi và 300 trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước.

Tập trung dày đặc nhất là tại TPHCM - một trong những thị trường có sức tiêu thụ mạnh nhất cả nước, với 203 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.279 cửa hàng tiện lợi, tăng 3 trung tâm thương mại và 507 cửa hàng tiện lợi so với thời điểm cuối năm 2017.

Trước xu hướng mạnh tay đầu tư của DN ngoại, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, lo lắng điều này sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên DN nội. Nhất là trong bối cảnh DN nội có quy mô sản xuất vừa và nhỏ chiếm 98%, với nội lực yếu, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế.

Không những thế, giữa DN phân phối và sản xuất ngoại còn hợp tác triển khai chiến lược chiếm lĩnh thị trường nội địa bằng các hệ thống phân phối giảm chi phí chiết khấu, chi phí thuê quầy kệ cho DN sản xuất, còn DN sản xuất thì giảm giá thành sản phẩm hoặc tăng chính sách khuyến mại. Song song đó, các hệ thống phân phối ngoại còn thiết lập hàng loạt rào cản như tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, khối lượng tịnh sản phẩm, nâng tỷ lệ chiết khấu lên cao… để từ chối tiếp nhận hàng Việt trong hệ thống phân phối của họ.

Do vậy, việc tái lập lợi thế cạnh tranh của DN Việt trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng. TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng để làm được việc này, DN nội cần chủ động cải thiện năng lực sản xuất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Về lâu dài, DN phải tính đến khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Riêng các cơ quan chức năng, cần áp dụng chính sách ưu đãi một cách công bằng giữa DN nội và ngoại. Tránh tình trạng như hiện nay là DN ngoại đầu tư thì được ưu tiên chi phí thuê đất, thuế, nhập khẩu công nghệ, còn DN nội thì phải “tự bơi”. Một yếu tố cấp bách khác, các cơ quan chức năng phải kiểm soát và ngăn chặn kịp thời tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, do các DN ngoại nói chung bắt tay phá giá thị trường nhằm đánh bật DN nội ngay tại thị trường nội địa.

Theo ông Phạm Thành Kiên, ngành lương thực - thực phẩm hiện có 5.515 cơ sở sản xuất, tập trung chủ yếu tại TPHCM với gần 2.000 DN đang hoạt động. Về dư địa thị trường, ngành chế biến lương thực - thực phẩm Việt Nam không chỉ hấp dẫn bởi sức tiêu thụ trong nước, mà còn có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thực phẩm, nông sản thuộc tốp 15 nước hàng đầu thế giới.

ÁI VÂN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/von-ngoai-se-do-manh-vao-nganh-thuc-pham-65100.html