Vốn ngoại quay lại bán ròng

Sau tuần cuối tháng 7, dòng vốn ngoại đứt mạch bán ròng hàng chục ngàn tỷ đồng trên TTCK Việt Nam, đến tháng 8 lại chứng kiến hiện tượng rút vốn trên quy mô khá lớn. Bất chấp chính sách bơm tiền ồ ạt trên khắp thế giới khiến đồng USD giảm giá sâu, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) đã không tăng như mong đợi.

FPI thực chất vẫn rút ra

Bức tranh của dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam 7 tháng qua chủ đạo là màu xám, khi NĐTNN rút vốn cực mạnh. Riêng trong tháng 6, số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), ghi nhận mức mua ròng với cổ phiếu khoảng 14.170 tỷ đồng là điểm sáng duy nhất. Tuy nhiên đây là hiện tượng đột biến nhờ giao dịch góp vốn mang tính cá biệt. Trong đó chủ đạo là thương vụ Quỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) mua 201 triệu cổ phiếu Vinhome (VHM) trị giá 15.099 tỷ đồng ngày 15-6.

Thống kê dòng vốn vào các quỹ ETF trên thị trường Việt Nam trong 3 tháng gần nhất. Nguồn SSI, tỷ đồng.

Thống kê dòng vốn vào các quỹ ETF trên thị trường Việt Nam trong 3 tháng gần nhất. Nguồn SSI, tỷ đồng.

Trước đó, cũng phải kể tới thương vụ Quỹ Ardolis Investment Pte Ltd của Singapore mua gần 39 triệu cổ phiếu Masan (MSN) ngày 14-5 trị giá hơn 2.355 tỷ đồng. Ngay cả khi tính chung với 2 thương vụ mua cổ phần lớn nói trên, tổng hợp 6 tháng đầu năm 2020, dòng vốn ngoại vẫn bán ròng gần 1.783 tỷ đồng đối với cổ phiếu trên sàn HoSE.

Trong tháng 7, quy mô rút vốn của NĐTNN có dấu hiệu hạ nhiệt, khi tổng giá trị bán ròng cổ phiếu ở HoSE chỉ còn 786,3 tỷ đồng. Đặc biệt tín hiệu tích cực là tuần cuối tháng 7, dòng vốn ngoại đã quay lại mua ròng gần 568 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm TTCK phản ứng rất tiêu cực với nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19, khi VN Index tạo đáy sau 2 phiên lao dốc gần 8,4%. Tuần đảo chiều này của dòng vốn ngoại làm nổi lên hy vọng về khả năng chấm dứt hoạt động rút vốn liên miên.

Tuy nhiên, 3 tuần đầu tháng 8 thị trường lại phát đi các tín hiệu tiêu cực. NĐTNN quay trở lại bán ròng khá lớn. Tính đến ngày 19-8, giá trị bán ròng cổ phiếu HoSE đã trên 1.356 tỷ đồng. 3 tuần này cũng là thời điểm TTCK phục hồi khá tốt với mức tăng gần 9%. Như vậy, khối ngoại bán ra lớn với cổ phiếu Việt Nam không mang tính quy luật rõ rệt, bán ra cả khi thị trường suy giảm lẫn phục hồi. Tính chung từ đầu năm tới ngày 19-8, mức bán ròng trên sàn HoSE đạt khoảng 3.926 tỷ đồng.

Đây không phải là con số quá lớn, nhưng nếu không tính các thương vụ thỏa thuận cá biệt, mức bán ròng lên tới con số khổng lồ. Chỉ riêng VHM và MSN đã thu hút vốn vào trên 17.400 tỷ đồng. Nói cách khác, NĐTNN - ngoài 2 quỹ mua VHM và MSN - đã bán ròng trên 20.000 tỷ đồng. Mặc dù vốn FPI tổng thể trong 8 tháng bao gồm cả các giao dịch góp vốn nói trên, nhưng sự khác biệt ở chỗ các thương vụ góp vốn mang tính dài hạn, trong khi thị trường lại đang chịu tác động của các giao dịch gián tiếp ngắn hạn, hoặc mang tính đầu tư tài chính thuần túy.

Ít cơ hội xoay chuyển tình thế

Việc các ngân hàng trung ương, trong đó có Việt Nam, thực hiện nới lỏng tiền tệ, bơm tiền ồ ạt để giúp nền kinh tế chống chọi đại dịch Covid-19, được trông đợi sẽ tạo làn sóng mới đổ tiền vào các TTCK. Đặc biệt là hy vọng thị trường Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn ngoại vì thành tích tốt trong kiểm soát dịch bệnh, cũng như kinh tế vẫn tăng trưởng dương.

Đúng là đã có làn sóng đổ tiền vào TTCK, nhưng thực tế không có sự dịch chuyển dòng vốn rõ rệt từ bên ngoài. Thị trường Việt Nam chỉ đón nhận làn sóng NĐT mới trong nước, trong khi các TTCK quốc tế cũng đón nhận lượng NĐT mới tại chỗ. Chưa có dấu hiệu nào về việc dòng vốn FPI mới vào thị trường Việt Nam ở quy mô đáng kể. Thậm chí như thống kê ở trên, đợt bán ròng vẫn đang diễn ra khá mạnh mẽ trong tháng 7 và 8.

Đầu tháng 8 quỹ Tundra Vietnam Fund đến từ Thụy Điển, chuyên đầu tư ở các thị trường có tiềm năng nâng hạng, cho biết sẽ sáp nhập với các quỹ khác cùng hệ thống vì bị rút tiền quá nhiều làm giảm quy mô của quỹ. Từ mức vốn quản lý cao nhất 225 triệu USD hồi giữa năm 2018, đến tháng 4-2020 quỹ còn chưa tới 22 triệu USD. Một quỹ ETF nổi tiếng khác là VFMVN30 cũng chứng kiến tình trạng rút vốn mạnh từ NĐT Thái Lan.

Cuối năm 2018 một CTCK tại Thái Lan phát hành chứng chỉ lưu ký và niêm yết trên TTCK nước này để NĐT Thái Lan có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam, thông qua quỹ VFMVN30. Khoảng 3.000 tỷ đồng đã được NĐT Thái Lan rót vào quỹ này và số lượng chứng chỉ lưu ký được niêm yết tại Thái Lan lên tới trên 74,5 triệu tính tới cuối 2019. Đến cuối tháng 7 vừa qua số chứng chỉ đã sụt giảm mạnh còn hơn 40 triệu.

Theo thống kê của CTCK SSI, tháng 7 là tháng “sáng” nhất, khi lượng vốn mới đổ vào các quỹ ETF trên thị trường Việt Nam đạt gần 700 tỷ đồng. Cả 2 quỹ ETF ngoại là V.N.M và FTSE đều có thêm vốn mới (trên 400 tỷ đồng). Tháng 7 cũng là tháng NĐTNN ghi nhận bán ròng ít nhất trong 8 tháng đầu năm nay. Tuy vậy trong 3 tuần đầu tháng 8 (đến ngày 20-8) dòng vốn vào có thể đã chững lại, chẳng hạn quỹ V.N.M chỉ thu hút thêm được 0,73 triệu USD, so với tháng 7 đạt 11,31 triệu USD.

TTCK Việt Nam vẫn có cơ hội đón nhận các khoản đầu tư mang tính dài hạn, như mua cổ phần, hoặc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào mạnh. Tuy nhiên lợi thế để thu hút dòng vốn FPI ngắn hạn không nhiều vì hiệu suất kém xa các thị trường khác. Các thị trường cận biên, mới nổi vốn được cho có biên độ dao động lớn, nhưng 4 tháng qua chính các thị trường phát triển mới dẫn đầu về mức tăng trưởng.

Chỉ số MSCI Asean Index (bao gồm 164 cổ phiếu tại Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) từ đầu năm đến nay giảm 19%, được Bloomberg xếp hạng tồi tệ nhất so với các thị trường khác, dù cùng chịu tác động của đại dịch. Thị trường Việt Nam cũng không có các cổ phiếu hợp khẩu vị trong thời buổi Covid-19, như công nghệ thông tin hay công nghệ sinh học.

Khối ngoại đang bán ra lớn cổ phiếu không mang tính quy luật rõ rệt, bán ra cả khi thị trường suy giảm lẫn phục hồi.

NGUYÊN HÀ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/von-ngoai-quay-lai-ban-rong-83376.html