Vốn ngoại chảy mạnh vào ngân hàng

Trong mắt nhà đầu tư (NĐT) ngoại, lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Minh chứng rõ nhất là thời gian gần đây, ngành ngân hàng tiếp tục thu hút sự chú ý với một loạt thương vụ bán vốn thành công.

 Hoạt động nghiệp vụ tại VIB, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Hoạt động nghiệp vụ tại VIB, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Những thương vụ triệu USD

Tâm điểm chú ý của thị trường tài chính ngân hàng tuần này là thương vụ bán vốn của BIDV cho đối tác KEB Hana (Hàn Quốc). Theo đó, BIDV bán 15% cổ phần, tương đương 603,3 triệu cổ phiếu, với giá bình quân 33.640 đồng/cổ phiếu, trị giá tổng cộng 20.285 tỷ đồng, tức xấp xỉ 900 triệu USD cho KEB Hana Bank. Đây là giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Với nguồn tiền khủng này, vốn điều lệ của BIDV tăng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Thương vụ đầu tư vào BIDV của KEB Hana Bank không chỉ mang lại hiệu quả trong hoạt động ngân hàng thương mại mà sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trên nhiều lĩnh vực khác như thẻ, chứng khoán, vốn, bảo hiểm và fintech.

Tổng Giám đốc KEB Hana Bank Ji Sung Kyu

Vietcombank đầu năm 2019 cũng bán thành công hơn 16,6 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược Mizuho và hơn 94,4 triệu cổ phần, tương đương 2,55% cổ phần của Vietcombank cho GIC Private Limited (quỹ đầu tư quốc gia của Singapore). Với kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được thông qua và chỉ mới bán được 2,5% cho GIC, Vietcombank sẽ phát hành tiếp 6,5% vốn cổ phần trong những tháng còn lại của năm nay cho NĐT nước ngoài. Với Agribank, Tập đoàn Tài chính NongHyup (Hàn Quốc) mới đây cũng đã đề xuất được hỗ trợ Agribank trong quá trình cổ phần hóa. MBBank cũng có kế hoạch bán 7,5% vốn cổ phần trong thời gian còn lại của năm nay, mà theo lãnh đạo của ngân hàng này, dự kiến sẽ chào bán cho một hoặc nhiều NĐT nước ngoài.

Không chỉ các ngân hàng lớn, những ngân hàng nhỏ như NCB, OCB, Nam A Bank, Vietbank, KienLongBank... cũng được NĐT nước ngoài để mắt. Mới đây nhất, ngày 26/10/2019, Ngân hàng Quốc dân Việt Nam (NCB) đã có buổi làm việc với NĐT Singapore. Tại buổi làm việc này, NĐT ngoại mong muốn tham gia mua cổ phần của NCB trong đợt phát hành cổ phiếu mới nhằm tăng vốn điều lệ của NCB.

Hoạt động mua bán vốn, cổ phần tại các ngân hàng Việt diễn ra khá sôi động. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2019, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục nhận được nguồn vốn dồi dào từ NĐT ngoại, trong đó chủ yếu là các NĐT đến từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Có thể kể ra một số NĐT châu Á đã mua bán vốn, cổ phần của các ngân hàng Việt, như: Sumitomo Mitsui Banking (Nhật Bản); Maybank (Malaysia); Ngân hàng Mistubishi UFJ Financial Group (Nhật Bản); Công ty Quản lý Quỹ Asian Smaller (Hong Kong); Quỹ Đầu tư GIC (Singapore); Mizuho (Nhật Bản)...

Ngân hàng Việt hứa hẹn tiềm năng phát triển

Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán phục hồi, nhu cầu tăng vốn mạnh mẽ để đáp ứng chuẩn Basel II của các ngân hàng Việt sẽ khiến các thương vụ M&A ngân hàng sôi động hơn. Các ngân hàng còn "room" (tỷ lệ sở hữu) cho NĐT ngoại, cụ thể là những ngân hàng có kế hoạch niêm yết trong năm 2019 - 2020 đang tranh thủ gọi vốn nước ngoài để gia tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động.

Trong mắt NĐT nước ngoài, lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Theo ông Michael Dc Choi - Phó Tổng Giám đốc KOTRA Hà Nội - Trung tâm M&A toàn cầu KOTRA (Hàn Quốc), sau thương vụ KEB Hana Bank đầu tư gần 900 triệu USD vào BIDV, hiện có 4 ngân hàng khác ở Hàn Quốc quan tâm việc mua cổ phần các ngân hàng nước ngoài, trong đó thị trường Việt Nam được đặc biệt quan tâm.

Ông Nirukt Sapru - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam, nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á nhận định, với xu hướng đã được định hình, M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng giữa các tập đoàn nước ngoài với ngân hàng trong nước sẽ sôi động trong thời gian tới. Trong khi đó, đại diện Woori Bank cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam nỗ lực tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II, áp dụng Basel II mở ra nhiều cơ hội cho các NĐT nước ngoài.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đối với nền kinh tế, các thương vụ M&A trong ngành này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tài chính ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, tận dụng nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm và quản trị điều hành của các tổ chức tài chính nước ngoài. Các thương vụ M&A cũng sẽ đóng góp thêm một lượng vốn ngoại tệ lớn cho nền kinh tế, góp phẩn ổn định tỷ giá trong nước trước tình hình thị trường ngoại hối và tiền tệ toàn cầu đang rất nhạy cảm trong thời gian qua.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/von-ngoai-chay-manh-vao-ngan-hang-357392.html