Vốn hóa TTCK tăng nhanh và mạnh

Chỉ số VN-Index liên tiếp tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay đã giúp cho vốn hóa của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng theo tương ứng. Mặc dù vậy, mức độ phân hóa cũng rất lớn khi việc này chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của các cổ phiếu lớn đầu ngành.

Không những vốn hóa tăng cao mà TTCK Việt Nam còn đang hấp dẫn dòng tiền nhờ hoạt động giao dịch sôi động. Ảnh: THÀNH HOA

Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 60% GDP

Chỉ số VN-Index liên tiếp tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay (hơn 24%) đã giúp cho vốn hóa của TTCK Việt Nam tăng theo tương ứng. Bên cạnh đó, việc một loạt các doanh nghiệp lớn lên sàn gần đây cũng góp phần khiến cho vốn hóa của thị trường tăng theo. Mới nhất là trường hợp cổ phiếu Vincom Retail lên sàn và có giao dịch đột biến trong phiên ngày 7-11-2017, giúp vốn hóa toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX cán mốc 2,26 triệu tỉ đồng, tương đương 100 tỉ đô la Mỹ - con số cao nhất trong 17 năm hoạt động của sàn này. Nếu tính thêm vốn hóa của sàn HNX và UpCom thì quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu Việt Nam ước tính lên tới 3 triệu tỉ đồng, tương đương 132 tỉ đô la Mỹ và bằng khoảng 60% GDP.

Ở một góc nhìn khác, báo cáo Tài sản toàn cầu (Global Wealth Report) vừa được Credit Suisse công bố cho biết: giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2017 với tỷ lệ 61%. Theo tính toán của tổ chức này, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối tháng 6-2017 đạt trên 110 tỉ đô la Mỹ. Vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng thuộc về Áo với tỷ lệ 51%. Trong khi đó, mức tăng trưởng giá trị vốn hóa thị trường phổ biến ở hầu hết các quốc gia khác là 20%, chỉ một số ít nước tăng trưởng âm như Qatar (-10%), Ai Cập, Ukraine (-25%). Những nền kinh tế lớn trên thế giới như Nga, Anh, Mỹ, Nhật Bản... có mức tăng trưởng dao động từ 10-15%.

Mặc dù mức tăng trưởng vốn hóa của thị trường cổ phiếu Việt Nam là rất ấn tượng nhưng mức độ phân hóa cũng rất lớn khi chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của các cổ phiếu lớn đầu ngành. Hiện 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam có tổng vốn hóa là 1.394.644 tỉ đồng, tương đương 45,7% quy mô toàn thị trường. Trong đó dẫn đầu là VNM với 252.000 tỉ đồng; tiếp theo là các cổ phiếu SAB với 177.000 tỉ đồng; VIC với 174.000 tỉ đồng; ACV với 167.000 tỉ đồng... Trong chín tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng khá tích cực. Cụ thể, tổng doanh thu của 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất đạt 232.700 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016 trong khi tổng lợi nhuận đạt 39.300 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016.

Quy mô vốn hóa sẽ tiếp tục tăng

Việc một loạt DNNN sau
cổ phần hóa tiến hành niêm yết trên sàn là cần thiết, nhưng song hành với đó,
lộ trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này cũng cần được đẩy mạnh.

Không những vốn hóa tăng cao mà TTCK Việt Nam còn đang hấp dẫn dòng tiền nhờ hoạt động giao dịch sôi động. Giá trị giao dịch mỗi phiên liên tục xác lập những mốc kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Đỉnh điểm là các phiên giao dịch đầu tháng 11 với tổng giá trị giao dịch bình quân trên hai sàn chứng khoán niêm yết đạt khoảng 8.600 tỉ đồng/phiên. So với cuối năm 2016, chỉ số VN-Index hiện đã tăng 24,5% trong khi thanh khoản trung bình của thị trường tăng 50%, từ mức 3.000 tỉ đồng/phiên lên mức 4.500 tỉ đồng/phiên. Ngoài thị trường cổ phiếu thì thị trường trái phiếu của Việt Nam cũng đang phát triển nhanh và mạnh. Dư nợ thị trường trái phiếu đã đạt mức gần 40% GDP trong năm 2017, trong đó thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chiếm gần 30% GDP và thị trường trái phiếu doanh nghiệp xấp xỉ 6% GDP. Thanh khoản của thị trường TPCP cũng tăng ngoạn mục (27 lần), từ mức 324 tỉ đồng/phiên (năm 2009) lên mức 9.000 tỉ đồng/phiên (năm 2017).

Trong thời gian tới, vốn hóa TTCK Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ lộ trình IPO và niêm yết của một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn như BSR, PV Power, Vinafood... Ngoài ra, lộ trình thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại các DNNN cũng rất đang chú ý, nhất là sau thương vụ thoái vốn thành công tại Vinamilk gần đây. Theo kế hoạch, SCIC sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh cổ phần tại bốn doanh nghiệp ngay trong tháng 12-2017. Đó là Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) với tỷ lệ 37,1%; Nhựa Bình Minh (BMP) với 29,51%; Domeso (DMC) với 34,71% và FPT với 5,96%. Đây đều là những doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, có vị thế hàng đầu trong ngành. Trên cơ sở đó, thị trường dự kiến sẽ đón dòng vốn lớn đầu tư vào các doanh nghiệp này, đến từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Tuy vậy, khách quan mà nói, mức độ thành công của các đợt thoái vốn sắp tới không hẳn sẽ rực rỡ như trường hợp của Vinamilk vừa qua vì trên thực tế có rất ít doanh nghiệp hiện nay có thể sánh được với Vinamilk về mức độ hiệu quả và vị thế trong ngành.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/265277/von-hoa-ttck-tang-nhanh-va-manh.html