Vốn FDI từ thiên đường thuế: Kiểm soát rửa tiền, chuyển giá

Điều quan trọng là phải xem xét nguồn tiền đầu tư từ 'thiên đường thuế' có phải tiền sạch không, tính pháp lý của nhà đầu tư thế nào...

Ngày càng nhiều "thiên đường thuế" góp tên vào danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.

Mới đây nhất, theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 7, lần đầu tiên nhà đầu tư đến từ "thiên đường thuế" Malta đã rót vốn vào Việt Nam, dù số vốn đăng ký chỉ đạt 600.000 USD.

Ngoài cái tên Malta, còn có nhiều nhà đầu tư đến từ các "thiên đường thuế" khác như các vùng lãnh thổ, đảo: Cayman, Bermuda và quần đảo British Virgin; Luxembourg; Ireland; Mauritius....

Các "thiên đường thuế" này gần như xóa bỏ mọi loại thuế với người kinh doanh, nếu có thì cũng rất thấp. Thủ tục thành lập công ty những nơi này cũng cực kỳ nhanh gọn, trở thành điểm đến lý tưởng của các tập đoàn, công ty toàn cầu.

Trao đổi với Đất Việt, một số ý kiến đều khẳng định, việc đầu tư của các nhà đầu tư đến từ "thiên đường thuế" vào Việt Nam là bình thường và trong một thị trường mở, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do, chúng ta không thể phân biệt đối xử dòng vốn đầu tư đến từ các "thiên đường thuế".

Điều quan trọng là Việt Nam phải có các hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan để ngăn chặn rủi ro.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), theo thông lệ quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường có hai dạng đầu tư: đầu tư trực tiếp (góp vốn, thành lập pháp nhân ở Việt Nam) và đầu tư gián tiếp. Với hình thức đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập pháp nhân ở thiên đường thuế và các pháp nhân đó đầu tư vào Việt Nam.

Lần đầu tiên nhà đầu tư đến từ Malta có dự án đầu tư mới vào Việt Nam

Lần đầu tiên nhà đầu tư đến từ Malta có dự án đầu tư mới vào Việt Nam

Hiện rất nhiều quỹ đầu tư quen thuộc hay nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều đặt trụ sở, mở công ty con hay chi nhánh ở các "thiên đường thuế" nhằm hưởng lợi về thuế suất.

Tuy nhiên, ông Hải lưu ý, tại các "thiên đường thuế" vẫn đòi hỏi phải minh bạch quản trị doanh nghiệp, tuân thủ pháp luật, chứ không phải cứ thành lập doanh nghiệp ở "thiên đường thuế" hay làm ăn tại đó là có vấn đề.

Hơn nữa, "dù doanh nghiệp đăng ký trụ sở ở đâu đi chăng nữa thì khi đầu tư vào Việt Nam, họ cũng phải tuân thủ đầy đủ quy định nghĩa vụ nộp thuế của Việt Nam. Lợi nhuận sau đầu tư như thế nào là chuyện của doanh nghiệp, không liên quan tới chính sách áp dụng thuế với dự án đầu tư của nước sở tại.

Còn nguy cơ chuyển giá thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể làm. Vấn đề là họ chuyển giá được hay không chính là do chúng ta, do chính sách của ta chưa chặt", ông Nguyễn Hoàng Hải nhận xét.

Chung quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, không riêng gì doanh nghiệp nước ngoài, ngay doanh nghiệp trong nước cũng chuyển giá khi họ lợi dụng sự khác biệt về thuế giữa các vùng miền, giữa địa phương này với địa phương khác.

Riêng với các doanh nghiệp đến từ "thiên đường thuế", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, lợi nhuận từ các khoản đầu tư của họ chỉ phải đóng một khoản thuế rất nhỏ, hoặc không phải mất khoản thuế nào tại "thiên đường thuế", trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể không thu được đồng nào.

Ông dẫn ví dụ, nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam, đưa lợi nhuận về Mỹ thì vẫn phải chịu thuế. Cách đây vài năm, mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ khoảng 40% (nay đã giảm). Việt Nam và Mỹ đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần, nếu Việt Nam đánh thuế 20% thì doanh nghiệp về Mỹ chỉ phải đóng thêm 20% thuế.

Nhưng nếu doanh nghiệp có công ty con ở "thiên đường thuế" thì họ có khi không phải đóng đồng thuế nào. Trong khi đó, Việt Nam lại thường ưu đãi thuế cho nhà đầu tư nước ngoài (miễn hoặc giảm thuế xuống mức rất thấp) do đó, phía Việt Nam không thu được đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào, có chăng thì rất ít, còn nhà đầu tư nước ngoài thì lợi rất nhiều.

"Vì lẽ đó, các công ty đa quốc gia thường mở công ty con hay chi nhánh ở "thiên đường thuế" để không phải đóng thuế cho các khoản lợi nhuận của họ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Bên cạnh đó, nguy cơ rửa tiền từ các nhà đầu tư đến từ các "thiên đường thuế", theo ông Thịnh, là phải tính đến.

"Quan trọng là Việt Nam phải xem xét nguồn tiền xem đó có phải nguồn tiền sạch không, nó có liên quan đến hoạt động rửa tiền, chuyển tiền quốc tế hay không... Dĩ nhiên chuyện này không đơn giản vì họ có đủ mánh khóe để che đậy.

Cho nên, chúng ta phải kiểm tra pháp nhân, tính pháp lý của công ty đầu tư vào Việt Nam, xem đó là công ty nào, có phải là công ty thực hay không, nguồn tài chính của họ thế nào, có liên quan đến hoạt động buôn lậu hay rửa tiền không... Việc này, về mặt tài chính, an ninh kinh tế, có thể làm được.

Đó là những việc Việt Nam cần lưu ý, còn nhà đầu tư ở đâu đầu tư vào Việt Nam cũng đều được đối xử bình đẳng.

Nếu Việt Nam quản lý tốt thì các nhà đầu tư phải chấp hành luật pháp của Việt Nam, kinh doanh và đóng thuế theo luật pháp Việt Nam.

Khi lợi nhuận của họ đã ra khỏi Việt Nam rồi thì Việt Nam không có trách nhiệm gì, họ phải đóng thuế bao nhiêu % hay không phải đóng thêm thuế gì nữa thì đó là việc của họ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/von-fdi-tu-thien-duong-thue-kiem-soat-rua-tien-chuyen-gia-3417498/