Vốn FDI tập trung mạnh cho giáo dục

Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào giáo dục từ tháng 8/2018 - thời điểm Nghị định 86/2018/NĐ- CP có hiệu lực - đến tháng 10/2019 đạt 97 triệu USD, trong đó các hoạt động mua bán sát nhập (M&A) cụ thể là mua cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục chiếm 37%.

Cụ thể, đầu năm 2019 hệ thống trường song ngữ quốc tế EMASI liên cấp từ mầm non đến trung học chính thức ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh với 2 cơ sở đầu tiên và dự kiến mở thêm 3 cơ sở mới trong niên học tiếp theo. Tháng 8/2019, theo công bố của Kipinä, thương hiệu mầm non quốc tế có Chương trình giảng dạy Phần Lan nâng cao cũng tuyên bố hợp tác với ILA Việt Nam để khai trương 10 trường mầm non Kipinä tại Việt Nam trong 3 năm tới. Công ty Quản lý quỹ đầu tư giáo dục Kaizen Private Equity có trụ sở ở Singapore, Ấn Độ cũng đã hoàn tất thương vụ đầu tiên tại Việt Nam với khoản đầu tư 10 triệu USD vào Yola.

 Ông Bùi Vu Thanh - Nhà sáng lập Trường mầm non Thế giới Mặt trời, ông Dante Brandi Tổng lãnh sự Italia và Tiến sĩ Claudia Giudici - Chủ tịch của Reggio Children tại lễ công bố Thế giới Mặt trời – Little Em’s trường nầm non Reggio Emilia Approach đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục mầm non Việt Nam

Ông Bùi Vu Thanh - Nhà sáng lập Trường mầm non Thế giới Mặt trời, ông Dante Brandi Tổng lãnh sự Italia và Tiến sĩ Claudia Giudici - Chủ tịch của Reggio Children tại lễ công bố Thế giới Mặt trời – Little Em’s trường nầm non Reggio Emilia Approach đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục mầm non Việt Nam

Mới đây nhất Tổ chức Embassy Education cùng Reggio Children (Italia) cũng đã chính thức giới thiệu Trường Mầm non Thế giới Mặt trời – Little Em’s tại TP. Hồ Chí Minh, sẽ vận dụng một cách sáng tạo mô hình giáo dục mầm non độc đáo phù hợp với bối cảnh xã hội Việt, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho trẻ em Việt Nam...

Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths đánh giá hiện giáo dục chỉ chiếm chưa đến 2% tổng lượng FDI vào Việt Nam. Chi phí thuế cao, yêu cầu về nhân sự, số vốn yêu cầu tối thiếu đối với đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó là quy trình phê duyệt phức tạp là một số rào cản đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trước thời điểm Nghị định 86 có hiệu lực, nhà đầu tư nước ngoài vướng nhiều rào cản khi đầu tư vào giáo dục, ví dụ như giới hạn tỷ lệ học sinh Việt Nam: 10% đối với cấp tiểu học và 20% đối với cấp trung học. Các trường quốc tế tại Việt Nam vì vậy phụ thuộc nhiều vào tuyển sinh học sinh nước ngoài.

Tuy nhiên, FDI vào giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, với xu hướng hợp tác là chiến lược then chốt. Cơ sở thúc đẩy vốn FDI đầu tư mạnh vào giáo dục là năm 2018, ngành giáo dục đã có 2 nghị định quan trọng: Nghị định 135 và Nghị định 86 của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Nghị định 135 đã đơn giản hóa yêu cầu về mặt pháp lý, vận hành và rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, còn Nghị định 86 đã giảm yêu cầu về nhân sự và tăng hạn mức tuyển sinh học sinh Việt Nam. Việc thông thoáng hơn trong các chính sách thu hút đầu tư vào giáo dục đã nhanh chóng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào thị trường giáo dục Việt Nam tăng lên đáng kể - ông Troy Griffiths nhận định.

Bên cạnh đó, theo khảo sát học phí trường quốc tế mới nhất của ExpatFinder cho thấy học phí trung bình hàng năm của các trường quốc tế tại Việt Nam là 17.940 USD/năm, xếp thứ 13 trên toàn thế giới và xếp thứ 5 tại châu Á. Các nước có học phí cao hơn có thể kể đến là Trung Quốc, Singapore, Hong Kong và Australia. Số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ tăng, mang theo gia đình của họ, từ đó tạo ra một lượng cầu đáng kể cho giáo dục quốc tế, đặc biệt là tại các tỉnh thành phố thu hút nhiều FDI. Khảo sát trên các lao động nước ngoài năm 2019 của HSBC đã cho thấy Việt Nam tăng hạng từ vị trí 19 lên vị trí 10 trên bảng xếp hạng các nước có "môi trường làm việc và sống hấp dẫn" bởi chi phí sinh hoạt thấp và thu nhập đang tăng lên... Tất cả những nhân tố này cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh vốn FDI vào lĩnh vực giáo dục trong thời gian tới.

Nhà sáng lập Tổ chức Embassy Education - ông Bùi Vu Thanh chia sẻ- các nhà đầu tư ngoại gia tăng nguồn vốn vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam cho thấy thị trường giáo dục sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thì việc kỳ vọng về một nền giáo dục chất lượng đảm bảo mục tiêu du học tại chỗ, chất lượng quốc tế, nâng tầm cạnh tranh so với các nước trong khu vực sẽ thực hiện được.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/von-fdi-tap-trung-manh-cho-giao-duc-129107.html