Vốn FDI: Tăng mạnh nhưng thiếu bền vững

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tăng khá nhanh, nhưng lại thiếu sự bền vững. Đây là khẳng định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với phóng viên báo Công Thương.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam thu hút được 1.408 dự án FDI mới, tổng vốn đăng ký 8,695 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 660 dự án FDI đăng ký tăng vốn, với tổng vốn đăng ký 4,245 tỷ USD, tăng 125,7% so với cùng kỳ 2015. Tính chung, từ đầu năm đến nay, Việt Nam thu hút thêm được 12,94 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ tăng mạnh về vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm, 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đã giải ngân được 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2015.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, kết quả thu hút và giải ngân vốn FDI những tháng đầu năm khá ấn tượng, đặc biệt là kết quả vốn giải ngân. “Trung bình các năm trước, mỗi năm Việt Nam chỉ giải ngân được khoảng 9-10 tỷ USD, vì vậy, kết quả năm nay cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang rất tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam”- ông Lâm nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, thu hút vốn FDI những tháng đầu năm vào Việt Nam có sự tăng vọt một phần bởi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định kinh tế song và đa phương với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Điển hình như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Với các hiệp định này, nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, nhãn mác Việt Nam, khi xuất khẩu sang nhiều thị trường trong khu vực và thế giới sẽ có thuế suất bằng 0. Tận dụng lợi thế này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm, hoặc đầu tư vào các sản phẩm nhằm tận dụng được lao động giá rẻ và cơ hội xuất hàng với thuế suất bằng 0.

Tuy vậy, theo ông Doanh, sự tăng vọt của dòng vốn FDI thời gian qua vẫn thiếu yếu tố bền vững. Nguyên nhân do môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam hiện nay so với trước đây đã có sự cải thiện đáng kể, song nếu so với các quốc gia trong khu vực vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Điển hình như lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp vay tại Việt Nam hiện nay vẫn khá cao, khoảng 8-9%/ năm, trong khi đó tại Thái Lan chỉ 3%/ năm. Ngoài ra, chi phí ngoài pháp luật tại Việt Nam cũng khá cao.

“Theo cam kết của Việt Nam khi tham gia TPP, năm 2018, thời gian thông quan là 2 ngày, nhưng hiện tại, thời gian thông quan tại cảng vẫn là 10 ngày. Vậy đến năm 2018, thời gian thông quan có giảm xuống được 2 ngày như cam kết đặt ra?” - ông Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.

Có thể nói, với lợi thế từ các FTA song và đa phương đã ký kết, Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn FDI bền vững, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư…

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế hội nhập.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/von-fdi-tang-manh-nhung-thieu-ben-vung-73762.html