Vốn FDI tại Việt Nam giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và khu vực

Tính đến 20/8/2020, tổng vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD giảm 13% so với cùng kỳ, song đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực. Trong đó, riêng vốn thực hiện đạt 11,3 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với cùng kỳ.

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng, điều này chứng tỏ mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối tốt, không bị suy giảm quá nhiều.

Việt Nam ký rất nhiều hiệp định thương mại

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" mới đây, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong của nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài.

Cụ thể, các yếu tố bên trong, các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư Việt Nam, gồm: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi.

Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà ĐTNN hoạt động thành công tại Việt Nam. Sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cũng tạo sự tin tưởng cho nhà ĐTNN, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Về các yếu tố bên ngoài, phải kể đến là xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch Covid-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.

Một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ 3 nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian vừa qua.

Nói về sự nổi trội của Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương(CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng có thể nhiều nhìn nhận khác nhau nhưng đó là Việt Nam ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác, các đối tác đó đều là những thị trường chủ yếu trên thế giới. “Tôi cho rằng đây là điểm nổi trội khác biệt nhất của Việt Nam so với các nước khác để có thể cạnh tranh trong thu hút đầu tư”- ông Cung chia sẻ.

Dù vậy, nguyên Viện trưởng CIEM cũng phân tích, phải nhìn một cách rất thực tế, cho đến nay ĐTNN vào Việt Nam đến từ “các thiên đường thuế” rất nhiều. Phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu. Xu hướng này thực tế chưa có cải thiện.

Trong khi đó, chúng ta rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và từ châu Âu với kỳ vọng những đầu tư này là đầu tư chất lượng cao. Những đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, loại đầu tư này rất phù hợp với chúng ta khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn gì?

Vậy các nhà đầu tư mong muốn gì? TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, các nhà ĐTNN muốn chính sách, luật pháp ổn định. “Trong văn bản phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được. Không có tiền gầm bàn, không có chi phí không chính thức. Điều này đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu là cực kỳ quan trọng bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp, nếu họ không tuân thủ, rủi ro pháp lý xảy ra với họ là rất lớn. Nếu như họ vấp phải rủi ro pháp lý này, họ sẽ tránh. Đây là điều đầu tiên tôi cho rằng chúng ta phải khắc phục trước mắt”- ông Cung nhấn mạnh.

Đối với cách tiếp cận chính sách, mặt bằng chung là như vậy, nhưng đối với từng nhà đầu tư phải khác nhau. Chúng ta phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”, lúc đó chúng ta mới đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng, đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị về thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức thu hút và có lựa chọn để nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Tôi cho rằng chúng ta phải hành động hết sức cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các nhà đầu tư yêu cầu.

Ngoài ra, theo ông Cung, phải thu hút được doanh nghiệp bên trong của chúng ta, hỗ trợ họ tham gia chuỗi dịch chuyển này. Nếu không thì chỉ có nhà ĐTNN tận dụng được lợi thế này.

Từng quản lý doanh nghiệp có vốn ĐTNN 10 năm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn thấy rằng, “cái mà nguồn nhân lực Việt Nam yếu là tính kỷ luật và làm việc theo khuôn mẫu nhưng ngược lại, nhân lực Việt Nam làm việc rất linh hoạt. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, tất cả mọi thứ đều rất nhanh, tôi cho rằng đó là một điểm mạnh tiềm năng của nhân lực Việt Nam”.

Lấy dẫn chứng từ Samsung, ông Toàn cho biết, vừa rồi, Samsung có đánh giá, sau khi được đào tạo cơ bản, những công nhân kĩ thuật Việt Nam sau một thời gian 3 tháng, 6 tháng đã bắt kịp tương đối sát với các công nhân từ Hàn Quốc. Trong khi đó, lương của công nhân Hàn Quốc cao gấp từ 2-3 lần. Bằng chứng nữa là đã có 2 kỹ sư của Việt Nam tham gia vào chế tạo camera cho Samsung. Đấy là điển hình về công nghệ. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta định hướng đúng thì nguồn nhân lực Việt Nam sẽ khởi sắc và phát triển”- ông Toàn nói.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho hay, định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư FDI vào các dự án như công nghệ cao, sản xuất thiết bị, vật liệu và linh kiện đầu vào cho hoạt động lắp ráp, vận tải quốc tế, nhưng để làm được điều này thì cần bước đi và lộ trình cụ thể.

Một số giải pháp mới Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ đang triển khai là: Chuẩn bị sẵn sáng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính… Xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị hoặc đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Bộ KH&ĐT đã dự thảo các gói ưu đãi đặc biệt này và đang xin ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, đã tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, online để cập nhật thông tin về các chính sách mới, trả lời những mối băn khoăn của nhà đầu tư.

Thời gian vừa qua, Bộ KH&ĐT đã có nhiều cuộc tọa đàm trực tuyến với lãnh đạo cấp cao các tập đoàn lớn trên thế giới và khi cần thiết thì có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp để trao đổi, hỗ trợ kế hoạch đầu tư của các tập đoàn tại Việt Nam. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang có quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật vào Việt Nam làm việc. Hiện Bộ KH&ĐT đã hỗ trợ cho hơn 10.000 chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam làm việc để duy trì sản xuất kinh doanh.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/von-fdi-tai-viet-nam-giam-thap-hon-nhieu-so-voi-the-gioi-va-khu-vuc-395311.html