Vốn FDI đạt kỷ lục

Trong bức tranh kinh tế quý I/2019, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là điểm sáng lớn nhất, với lượng vốn đăng ký mới đạt kỷ lục.

Xu hướng chuyển dịch FDI

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/3/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của DN FDI đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký trong 3 năm gần đây (năm 2016 đạt 4,03 tỷ USD, năm 2017 - 7,71 tỷ USD và năm 2018 - 5,8 tỷ USD).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn vốn FDI

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn vốn FDI

Trong đó, vốn bổ sung 1,3 tỷ USD, bằng 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Có tới 785 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn FDI quý I/2019 đạt mức 4,12 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất, chiếm tới 75,3% tổng vốn đăng ký cấp mới, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) - cho hay, đang có sự quan tâm nhất định của DN nước ngoài đến Việt Nam và đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam rất lớn.

Trung Quốc - nhà đầu tư lớn nhất

Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh, không ít các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, đây chỉ là một phần nguyên nhân. Việc Việt Nam gia nhập CPTPP đã tạo thêm cơ hội cho cộng đồng DN. Cùng với đó, Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, chi phí lao động của Việt Nam cạnh tranh hơn... là những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, quý I/2019, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn 723,2 triệu USD. Ông Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nhận định, Trung Quốc hiện nay không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất mà còn là nhà đầu tư lớn nhất trong quý I. Sự gia tăng đột biết dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam cũng đưa đến những quan ngại về môi trường và quản lý lao động nước ngoài, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng lên, hay lo ngại về vi phạm các cam kết của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa sản phẩm khi tham gia hiệp định thương mại tự do.

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, vấn đề đặt ra cho Việt Nam chính là việc đưa ra các tiêu chuẩn như thế nào đối với DN FDI về môi trường, lao động… Để làm được điều này, bản thân những nhà làm chính sách phải tư duy lại. Cần đặt rõ mục tiêu về mô hình phát triển, trong đó sự tham gia của DN FDI ở mức độ nào? Liệu, chúng ta có còn chỉ cần vốn không hay cần cả công nghệ và cách làm thương hiệu của các DN FDI.

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): Việt Nam cần rà soát lại chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với DN trong nước.

Thanh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/von-fdi-dat-ky-luc-118724.html