Vốn FDI có khả năng suy giảm trong 6 tháng cuối năm

Đó là dự báo được các chuyên gia đưa ra tại diễn đàn khoa học về Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2018: Chuẩn bị trước các cú sốc – Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô do Trường Đại học NH TPHCM tổ chức vào ngày 9-7.

Tại diễn đàn, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học NH TPHCM, đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày Báo cáo “Toàn cảnh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2018 và các kịch bản cho tương lai”. Trong đó, vấn đề về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nội dung được nhấn mạnh.

Điều này xuất phát từ thực tế khu vực FDI xuất siêu nhiều năm, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế các năm qua. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2018 đã chứng kiến những suy giảm nhất định và đặc biệt khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân ngày càng lớn.

Cụ thể các chuyên gia phân tích, các dự án FDI đã không chỉ tạo ra kim ngạch xuất khẩu lớn giúp Việt Nam xuất siêu trong 3 năm trở lại đây mà còn giúp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu (trường hợp tăng tỷ lệ nội địa hóa của Samsung từ 31,9% lên 51,2% là ví dụ điển hình cho sự thành công của chính sách thu hút FDI của Việt Nam). Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, sự chững lại của khu vực FDI có thể coi như là nguyên nhân chính gây ra sự giảm tốc của khu vực công nghiệp.

Chỉ số sử dụng lao động khu vực công nghiệp tính đến 1-6 tăng 3,7%, giảm dần từ mức 5,1% vào cuối năm 2017. Đặc biệt, mức tăng chỉ số sử dụng lao động của ngành sản xuất sản phẩm điện tử (ngành liên quan mật thiết với các dự án FDI của Samsung, LG) trong quý II-2018 thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm 2017. Sự thiếu vắng các dự án FDI quy mô lớn là nguyên nhân chính đằng sau sự suy giảm này. Trong quý II-2018, dự án FDI lớn nhất là LG Innitek Hải Phòng chỉ đạt 501 triệu USD trong khi cùng kỳ năm 2017, dự án lớn nhất là Samsung Display Bắc Ninh lên tới 2,5 tỷ USD.

Trong nhiều quý trước, dòng vốn FDI ròng luôn là yếu tố tích cực hỗ trợ tạo nên thặng dư mạnh mẽ của cán cân tài chính. Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia nhận định dòng vốn này có khả năng suy giảm trong 6 tháng cuối năm 2018.

Cơ sở đưa ra dự báo này là tổng số vốn FDI đăng ký mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 16,23 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi không xuất hiện một dự án giá trị tỷ USD nào. Dòng vốn FDI ròng được kỳ vọng thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2017, khoảng dưới 6 tỷ USD.

Yên Lam

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/von-fdi-co-kha-nang-suy-giam-trong-6-thang-cuoi-nam-59543.html