'Vòm rừng' - cây đời mãi xanh tươi

Tiểu thuyết Vòm rừng của Richard Powers được xem như khúc tráng ca mới của con người thời hiện đại

Ấn tượng đầu tiên về tiểu thuyết "Vòm rừng" của Richard Powers (Hà Uy Linh dịch, I Love Books và NXB Thế Giới ấn hành năm 2020) chính là sự đồ sộ về dung lượng, với hơn 600 trang sách khổ lớn, hệ thống nhân vật đa dạng, chằng chịt như rễ của cây đời.

Nhưng bất chấp sự đầy ứ có thể làm nản lòng bất kỳ người đọc nào của thế kỷ vội vã này, "Vòm rừng" vẫn đủ sức hấp dẫn và lay động bởi nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, dẫn dắt tài tình, đa tuyến truyện nhưng không rối rắm. Bởi lẽ dù số lượng nhân vật nhiều đến đâu, thời gian trải dài đến mấy, dường như tất cả vẫn thống nhất với nhau trong cùng một chỉnh thể, thuộc cùng một nguồn cội.

Chín cội rễ của tiểu thuyết này bao gồm dòng họ Hoel đời đời thay nhau chụp ảnh một cây; cựu chiến binh Douglas; gia đình gốc Hồi giáo, di cư từ Trung Quốc sang Mỹ; Ray và Dorothy, cặp đôi đang yêu; thiên tài máy tính gắn kết đời mình với chiếc xe lăn - Neelay; con đường đối mặt với tuổi trưởng thành của Adam; cũng như cô gái Olivia đang tiến bước trên hành trình đi tìm đại ngộ; cuối cùng là tiến trình thực vật học xa lạ với thế giới loài người, Patricia Westerford.

Chín cuộc đời, chín số phận đan xen chồng chéo lên nhau tạo thành một cây sự sống, Powers nối các cuộc đời của những nhân vật mình sáng tạo ra bằng cây cối, một điểm chung gắn kết các số phận, trong một phạm vi rộng khắp từ Bắc Mỹ, trải dài từ New York xa xưa đến thung lũng Silicon của thế kỷ XXI.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Đi trốn” của Bình Ca

Bìa cuốn tiểu thuyết “Đi trốn” của Bình Ca

Dù tự lựa chọn hay bị dẫn dắt như một định mệnh, các nhân vật trong "Vòm rừng" đều gắn bó mật thiết với cây cối, từ thân đại thụ như chứng nhân cho một dòng họ đến cái cây trong một vở kịch trở thành minh chứng cho tình yêu…

Rừng là đại mệnh, cây cối tạo nên rừng, rừng từng bao bọc chở che con người. Trong tiểu thuyết "Vòm rừng" thế giới đi từ thời văn minh cơ khí ở buổi sơ khai đến lúc con người ngạo mạn cho rằng mình đã làm chủ được hành tinh này. Nhân danh văn minh, con người chặt cây, khai thác rừng để cơi nới không gian sinh tồn của bản thân. Nhưng rừng im lặng, chỉ có những sinh mệnh gắn bó với rừng thấy mình cần phải hành động. Có người dành cả cuộc đời để nghiên cứu, ngõ hầu thấu hiểu được cây rừng, cũng có người bản năng, chấp nhận hiểm nguy để ngồi ôm ghì lấy một đại thụ sắp bị người ta đốn hạ.

Tất cả cá nhân ấy đều thất bại, cái kết của họ là tù tội, là tự sát vì nỗi thất vọng, chán chường trước sự dã man của con người. Trong cuộc đương đầu với nền văn minh hãnh tiến, chuộng vật chất, họ trở thành những anh hùng chiến bại nhưng không hẳn là tuyệt vọng.

Cho dù "Vòm rừng" là một bi kịch thì Powers vẫn cố gieo lại ở cuối tác phẩm "Những hạt mầm" với những con người học cách phân loại cây, thứ tha và yêu thương như một minh chứng hùng hồn rằng dù bị áp đảo, bị đe dọa cũng không thể nhấn chìm thứ sắc xanh của cây đời, như câu nói nổi tiếng của Goethe: "Mọi lý thuyết đều màu xám và cây đời vĩnh viễn xanh tươi".

Richard Powers là nhà văn người Mỹ sinh năm 1954, bắt đầu sự nghiệp văn chương vào năm 1985, cho đến nay, ông là tác giả của 12 tiểu thuyết, trong đó nổi tiếng nhất là "Vòm rừng".

Được xuất bản năm 2018, "Vòm rừng" (có tên nguyên tác là "The Overstory") đã giúp Richard Powers giành được giải thưởng văn chương danh giá của Mỹ - Pulitzer năm 2019.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/vom-rung-cay-doi-mai-xanh-tuoi-20201127214023257.htm