Voi trong văn hóa Bắc Ninh

Từ thuở ban sơ dày công dựng nước, các vua Hùng sớm chinh phục loài uy mãnh rừng xanh trở thành bầu bạn trong lao động sản xuất và chiến đấu. Khúc đồng dao 'Con vỏi con voi/cái vòi đi trước/hai chân trước đi trước/hai chân sau đi sau/còn cái đuôi đi sau rốt…' và đặc phẩm'Voi chín ngà' là một sính lễ độc đáo để vua Hùng kén chọn phò mã trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.

Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận (Tranh dân gian Đông Hồ).

Báu vật quốc gia

Bắc Ninh thời nào cũng có người biết cách chăm sóc, huấn luyện voi thậm chí còn giỏi chữa bệnh cho voi.
Tiến sĩ Thái Thuận (1441-?) - nhà thơ lớn của Kinh Bắc, được vua Lê Thánh Tông phong Phó Nguyên súy Tao đàn “Nhị thập bát tú”, thời trẻ từng là lính chăn voi.
Dinh cơ của Tạo sĩ Nguyễn Toàn - người xã Tháp Dương được Nhà Lê phong Thượng tướng quân trấn thủ Đông Bắc, tước Hòa Quận Công, có Trị Tượng Tân là bến tắm voi (“Bắc Ninh địa dư chí” - Đỗ Trọng Vĩ)
Thiền sư Nguyễn Phúc Xuyên - quê Đại Vũ (nay là phường Đại Phúc - thành phố Bắc Ninh) nổi tiếng về cứu nhân độ thế ở thời Lê - Trịnh, được vua Lê Kính Tông mời ra Thăng Long chữa cho con voi quý đã chê cỏ 3 ngày. Ngài chỉ lấy thiền trượng(gậy gỗ làm phép) gõ vào đầu voi theo kiểu điểm huyệt là nó bật dậy ăn hết một thúng cơm và 2 cây chuối hột.
Ngược dòng lịch sử, ở thế kỷ XI - XII, các vị vua triều Lý - những người con ưu việt của Châu Cổ Pháp đều chú trọng đến voi.
Điển hình là Lý Thái Tông sùng tín báu vật này đến mức đổi cả niên hiệu khi có sự kiện liên quan đến voi trắng: “Mậu Thân, Long Chương Thiên Tự năm thứ 3 (1068) Châu Chân Đăng dâng 2 voi trắng nhân đó đổi niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng, nghĩa là trời cho con voi trắng”.
Sở dĩ voi trắng được tôn quý bởi nó là “vua của các loài voi”, cực kỳ thông minh, lanh lẹ, rất khó săn bắt và thuần phục.Voi trắng biểu tượng cho sự may mắn, uy quyền của một vương triều hùng mạnh, thái bình.
Để xây dựng lực lượng Tượng binh, một trong nguồn voi chủ yếu lấy từ Châu Lạng, quê hương của phò mã Thân Cảnh Phúc - vị tướng giỏi và trung thành của Nhà Lý trấn giữ biên cương phía Bắc.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Nhâm Thân, Thiên Thành năm thứ 5 - 1032 mùa thu tháng 9 vua (Lý Thái Tông) đi châu Lạng bắt voi”.
“Tân Mùi Quảng Hựu năm thứ 7 (1091), mùa xuân vua (Lý Nhân Tông) ngự đến Lạng Sơn xem bắt voi”.
Các vua Lý đều cho voi là chiến lợi phẩm đáng kể sau mỗi cuộc chinh phạt: “Giáp Thân niên hiệu Minh Đạo năm thứ 3(1044) ngày Quí mão vua thân đi đánh Chiêm Thành… đoạt được 30 voi thuần”.
Ngoài nguồn voi Châu Lạng là nguồn voi Chiêm Thành dâng cống:“Canh Dần Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ 2 (1050), mùa Xuân tháng 3 Chiêm Thành dâng voi trắng”. “Kỷ Mão Đại Định năm thứ 20 (1159) nước Ngưu Hống dâng voi hoa”. Liên tục từ năm 1068 đến năm 1112 cứ đến mùa thu tháng 8, năm nào vương quốc Champa cũng cử người đi sứ tiến cống voi trắng cho Đại Việt.
Sức mạnh “Chiến xa khổng lồ”
Voi chiến xuất hiện trên chiến trường Bắc Ninh vào mùa xuân năm 40 đầu Công nguyên khi Hai Bà Trưng cưỡi voi chỉ huy nghĩa quân tấn công trị sở Giao Chỉ ở Luy Lâu bên bờ sông Dâu (tức Lũng Khê -Thuận Thành) khiến Thái thú Tô Định phải cạo tóc, cạo râu, trà trộn vào đám loạn binh, vứt bỏ cả ấn tín mà tháo chạy. Sau khi thành Luy Lâu bị hạ, các thành khác nhanh chóng tan vỡ. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh dấu một mốc son lịch sử về nghệ thuật quân sự của người Việt.
Đến thế kỷ V, vua Lý Nam Đế thành lập nhà nước Vạn Xuân, xây dựng kinh đô ở Hòa Long thì hùng khí Bắc Ninh “ngựa voi chiêng trống tứ bề” càng tăng lên. Hai anh em đức Thánh Tam giang Trương Hống - Trương Hát đã đắp thành “Mặt Gương” và khai phá được hơn 300 mẫu ruộng tạo hào lũy phòng vệ vững chắc, trang ấp phồn vinh:
“Chùa Quả Cảm thành cao nước thấp
Đứng xa trông thảo mộc xanh rì
Ngựa voi chiêng trống tứ bề
Nước lũ quây úng cánh đồng Mặt Gương”
Việc nuôi nhiều voi tham gia trận mạc đó phải chăng còn tiềm ẩn trong nghi thức cúng tế của dân làng Diềm là không quên làm đặc sản “bánh Khúc tai voi” dâng các đức Thánh trong lễ hội xuân?
Có thể nói, voi đồng hành cùng quân cả nước và Bắc Ninh trong các trận chiến lịch sử.
“Năm 980, Lê Đại Hành đã tự thân về vùng đất Yên Phong chỉ huy việc xây đắp thành Bình Lỗ tức hệ thống đê lớn ở vùng Như Nguyệt để chặn đường tiến quân của Hầu Nhân Bảo và lũ tướng tá của Nhà Tống. Tương truyền nhà vua đã cho tắm voi trên cánh đồng của Văn Môn, chỗ đó nay gọi là Đồng Tắm Voi” (“Yên Phong xưa” - Khổng Đức Thiêm).
Thời Lý Nhân Tông với tài chỉ huy quân sự lỗi lạc của Thái úy Lý Thường Kiệt, dân tộc ta tiếp tục phát huy truyền thống dùng voi chiến khi Nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân tướng hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt.
“Ngày Quí Tỵ (18/1/1077), hôm đó bọn Quách Quì mang quân ra khỏi biên giới, giặc đóng tại ải Quyết Lý, Quì sai Trương Thế Củ đánh, Quì sai bắn bằng nỏ mạnh, dùng đao to chém vào mũi voi, voi chạy đạp vào quân địch, đại quân tiến vào, giặc tan bỏ chạy. Quân ta thừa thắng lấy được Cơ Lang; Biệt tướng Khúc Trân lấy được châu Môn; các khe động đều hàng” ( “Trường Biên” - Quyển 279).
Thời Trần, sau mỗi lần chiến thắng đại quân Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cưỡi voi qua địa phận Bắc Ninh về đóng tại đại bản doanh Kiếp Bạc bên Lục đầu giang được mệnh danh “lục long tranh châu”(sáu Rồng tranh ngọc), người Bắc Ninh đã gửi tình cảm kính trọng, tự hào đối với bậc Anh hùng và voi của ngài qua lời ca Quan họ: “Quân ông í a sang sông rồi voi ông lội i i a à đấy ơi ơi hỡi ới ơi hời rằng a ông lội ơi à sang sau / Dọn đường tình chung cho lịch chứ cũng để hầu a la hầu để hầu quân à vương” (Suông hời).
Voi trong mỹ thuật
Cặp voi cổ nhất ở Bắc Ninh là cặp voi trong dãy 10 linh thú trước cửa chùa Phật Tích. Bảo vật gốc đó có từ thời Lý (thế kỷ XI), được chạm trên đá sa thạch nguyên khối với chiều cao khoảng 1,2m, dài 1,5 - 1,8m. Điêu khắc theo lối tả thực. Voi chùa Phật Tích tượng trưng cho Phật pháp, năng lượng trí tuệ.
Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) hình tượng voi xuất hiện tại một số Đình Đền của Bắc ninh. Nếu Lăng bia của họ Nguyễn Đức ở thôn Quế Ổ (xã Chi Lăng - huyện Quế Võ) tạc cặp voi đá xanh cao 1m, dài 1,55m trong tư thế chầu vào nhau thì dưới chân cửa võng đình Diềm chạm con voi trên sập chân quì dạ cá, dưới bụng voi là một người cởi trần đóng khố, tay phải vin vành nhạc voi.
Chơi chậu cảnh đặt trên đôn gốm sứ hình voi và uống trà, rượu trong ấm hình voi cũng là thú vui văn hóa của người Bắc Ninh.
Không chỉ trong điêu khắc Voi còn trở thành hình tượng “bất diệt’ cùng những nhân vật Anh hùng dân tộc trong tranh Đông Hồ với “nét tươi trong” mang “hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Những bức: “Hai Bà Trưng khởi nghĩa”, “Hai Bà Trưng đánh trận” đều vẽ Trưng Trắc cưỡi voi trắng, Trưng Nhị cưỡi voi đen. Bức “Bà Triệu xuất quân” thì vẽ bà cưỡi voi đen “đầu voi phất ngọn cờ vàng”, khi bà thắng trận thì vẽ bà cưỡi voi trắng ung dung yểu điệu như nàng tiên đang múa dải lụa và voi trắng đáng yêu hòa điệu vui tươi, nhí nhảnh.

Trương Thị Kim Dung

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/voi-trong-van-hoa-bac-ninh-78854