Với trẻ em, sách điện tử chưa chắc thay thế được sách tranh

Hội đồng sách thiếu nhi quốc tế (IBBY) là tổ chức gồm đại diện của 75 quốc gia, những người gắn bó cuộc đời mình với sách thiếu nhi. Một trong những mục tiêu của Hội đồng là quảng bá những cuốn sách thiếu nhi hay như một phương tiện thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau trên phạm vi toàn thế giới.

Nhân dịp Hội đồng sắp tổ chức Đại hội lần thứ 37 vào tháng 9 năm 2020 tại Moskva, chúng tôi xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của bà Lisa Paige, Chủ tịch điều hành của Hội đồng về vấn đề văn học thiếu nhi ở các nước khác nhau.

- Xin bà cho biết những quá trình nào đang diễn ra trong nền văn học thiếu nhi ở các nước khác nhau. Liệu có thể xác định các xu hướng xuất bản sách thiếu nhi hiện nay?

+ Rất khó xác định, khi bạn nhìn thấy một bức tranh văn học thiếu nhi đa dạng như vậy trên thế giới. Hoạt động của chúng tôi liên quan tới 75 quốc gia hoàn toàn khác nhau. Đời sống văn học và hoạt động xuất bản của tất cả các quốc gia này cũng đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau...

Vì vậy nói về xu hướng chung thì mỗi nơi mỗi khác, nhiều đặc điểm địa phương ảnh hưởng đến điều này. Tôi không nghĩ rằng hiện nay đang tồn tại những xu hướng toàn cầu nào đấy. Tất nhiên, khi xuất hiện "Harry Potter", thì ai cũng muốn viết và xuất bản sách về phép thuật. Có lẽ, cho đến nay có một sự định hướng nhất định về phía phép thuật và truyện cổ tích. Vẫn như xưa, người ta quan tâm tới việc dịch các cuốn sách cũ. Và, tôi e rằng thế giới Anh ngữ vẫn đang xuất bản quá nhiều.

- Phải chăng điều đó không tốt?

+ Tôi muốn nhìn thấy "sự xuất bản riêng". Ví dụ, tôi muốn xem nhiều hơn các bản dịch sách tiếng Nga sang các ngôn ngữ khác. Khi đến Bangkok, tôi có vào xem một hiệu sách lớn, và rất khó tìm thấy những cuốn sách Thái ở đây. Toàn sách nhập khẩu. Tất cả bằng tiếng tiếng Anh hoặc sách dịch. Quầy văn học thiếu nhi rất lớn, nhưng chỉ có một kệ nhỏ là sách Thái. Đây là vấn đề toàn cầu.

Bà Lisa Paige.

Bà Lisa Paige.

- Xin bà cho biết, nếu như xuất hiện những xu hướng nào đấy, thì chúng được hình thành bởi những yếu tố nào? Giải thưởng? Hội chợ? Top-10 "Amazon"?

+ Thật khó nói. Năm ngoái, Giải thưởng Andersen đã được trao cho nhà văn Trung Quốc Cao Wenxuan. Tôi nghĩ, điều này bằng cách nào đó thay đổi bức tranh chung. Mặc dù chỉ có hai cuốn sách của Cao được xuất bản bằng tiếng Anh, nhưng ban giám khảo cuộc thi chú ý đến ông ta. Nói chung, những người đoạt giải Andersen thực sự được công chúng rộng rãi chú ý. Các hội chợ sách cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng thực chất đây là bộ phận trên của thị trường.

Tôi nghĩ rằng sự lựa chọn của các nhân viên thư viện thực sự có ảnh hưởng.Ý kiến của họ rất có uy tín. Ví dụ, ở Mỹ, sự lựa chọn của Hiệp hội Thư viện Mỹ rất quan trọng. Các nhà xuất bản cần xuất bản và tiêu thụ sách. Họ tiến hành các cuộc khảo sát, và nếu họ nói "chúng tôi muốn xuất bản cuốn sách này" thì các thư viện có thể cho biết họ có mua hay không. Thư viện là những người mua sách nghiêm túc. Đặc biệt là ở những nước không có nhiều hiệu sách. Chẳng hạn như ở Mexico.

- Xuất bản sách đã thay đổi như thế nào trong thời đại "hậu Gutenberg"? Liệu có thể nói rằng sách giấy hiện đang chiến đấu vì sự tồn tại của mình?

+ Tôi không nghĩ như vậy. Sách giấy sẽ luôn luôn tồn tại, luôn luôn có vị trí của mình, bất chấp tất cả. Rốt cuộc, bạn có thể mang theo cuốn sách đi bất cứ đâu, đọc mọi nơi mọi lúc, trong mọi điều kiện.

- Nhưng sách điện tử tiện lợi hơn?

+ Nhiều cuốn sách giấy được xuất bản bằng bìa mềm, khổ nhỏ, dễ dàng bỏ túi. Còn nếu nói về sách thiếu nhi thì chưa chắc sách điện tử có thể thay thế được sách tranh. Trẻ em rất thích quay lại một vài trang, giở xem phía trước, xoay cuốn sách trong tay. Vì vậy sách giấy sẽ không biến mất. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn học phi hư cấu, tình hình có thể thay đổi, vì hiện nay bạn đọc tìm hiểu các sự kiện theo những cách khác. Trên Internet, dễ tiếp cận thông tin hơn, có nhiều tương tác, nhiều phần mềm về giáo dục và tìm hiểu kiến thức, v.v...

Nhưng Internet không chỉ là Wikipedia, may mắn thay, vì nó không phải là một nguồn thông tin lý tưởng. Còn nhiều nữa. Nhiều chi nhánh của IBBY đang xây dựng các cơ sở dữ liệu, cẩm nang giúp bạn đọc định hướng vào các nguồn thông tin đáng tin cậy và chất lượng cao.

- Ở Nga, tồn tại một khoảng cách lớn giữa bạn đọc văn học thiếu nhi cao cấp và đại chúng. Vấn đề này đặc trưng đến mức nào?

+ Có thể nói rằng điều này đang diễn ra khắp nơi. Nhưng tôi không thấy đây là vấn đề nghiêm trọng. Theo tôi, việc đứa trẻ thích đọc sách đã là điều rất tuyệt vời. Hãy để trẻ em đọc những gì chúng thích, nhưng giáo viên và phụ huynh có thể hướng dẫn các em, khuyên bảo một điều gì đó, dần dần giới thiệu cho các em loại sách khác. Hiện nay, bạn có thể tìm thấy nhiều danh mục sách cho mọi lứa tuổi, điều này rất bổ ích đối với những bậc phụ huynh không am hiểu lắm về văn học.

Nếu trong quá trình trưởng thành, đứa trẻ đọc những cuốn sách không chất lượng lắm, mà chủ yếu là đọc và thử những loại sách khác nhau, thì một ngày nào đó, nó sẽ bắt gặp những cuốn sách hay. Bạn không nên cấm trẻ em đọc những cuốn sách mà bạn không thích. Tất nhiên, ở đây chúng tôi không nói về những trường hợp rất đặc biệt, khi các em bạ gì đọc nấy. Không ai muốn đứa con 7 tuổi của mình đọc "Người tình của phu nhân Chatterley". Trong những trường hợp còn lại, vấn đề thuộc về thị hiếu. Không nên áp đặt hay cấm đoán bất cứ điều gì, nếu không, sách nói chung có thể không trở thành một phần cuộc sống của đứa trẻ.

Giúp trẻ em và bố mẹ các em có cái gì đó để lựa chọn là nhiệm vụ của chúng tôi, nhiệm vụ của các tổ chức quảng bá sách thiếu nhi. Chúng tôi làm tất cả để thế giới biết đến tên tuổi các họa sĩ minh họa và tác giả mới, tuyệt vời, để các nhà xuất bản quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm của mình.

- Theo bà, những vấn đề nào liên quan tới văn học thiếu nhi hiện tại vẫn chưa được quan tâm đúng mức?

+ Tôi muốn nói rằng cần tập trung nhiều hơn vào việc đọc sách vì hứng thú. Ví dụ, ở Nhật Bản, miền Đông Trung Quốc và Hàn Quốc, nhiệm vụ chính là dạy trẻ em đọc sách và sử dụng các kỹ năng đọc như một phương pháp dạy học. Và ở nhiều nước khác cũng vậy. Trẻ em luôn bận bịu với việc học tập, làm bài kiểm tra, không còn thời gian dành cho việc đọc sách vì hứng thú. Vấn đề thứ hai là các bản dịch. Tỷ lệ sách văn học được dịch từ các ngôn ngữ khác trên thế giới sang tiếng Anh hiện nay rất ít, đây là một thiếu sót lớn.

Vì vậy thật tuyệt vời khi có các hội chợ sách và giải thưởng sách, chẳng hạn như giải thưởng "Danh sách danh dự" của IBBY, tại đây cứ hai năm một lần, các tác giả, họa sĩ minh họa và dịch giả của những nước có chi nhánh IBBY được đề cử. Chúng tôi đã phát hiện cho thế giới nhiều tên tuổi nhà văn nổi tiếng và được yêu thích trên tổ quốc mình.

- Xin bà cho biết những quốc gia nào có chi nhánh IBBY hoạt động tích cực nhất?

+ Một câu hỏi rất thú vị. Có lẽ, chi nhánh của Iran. Họ có rất nhiều dự án và liên tục xuất hiện những dự án mới, chủ yếu là dự án xã hội. Họ làm việc với trẻ em trên đường phố, trẻ em tị nạn và giải quyết vấn đề lao động trẻ em. Tóm lại, hoạt động tích cực nhất là những nước có nhiều vấn đề, những nơi có cái gì đó để giải quyết. Tôi vui mừng vì công việc này đang có kết quả. Còn ở Mỹ, ví dụ, chi nhánh IBBY không lớn lắm, nhưng ở đấy có nhiều tổ chức lớn khác quảng bá việc đọc sách - IFLA, ILA, v.v... Do đó, chi nhánh IBBY Mỹ không tìm thấy chỗ đứng của mình trong lĩnh vực này, họ không thể đưa ra vấn đề nào đó mà các tổ chức khác không giải quyết nổi. Với chi nhánh của Anh tình hình cũng tương tự.

- Xin hỏi bà câu cuối cùng về Đại hội năm 2020 lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô nước Nga. Bà mong đợi gì ở Đại hội sắp tới, và theo bà, ban tổ chức nên đặc biệt chú ý điều gì khi chuẩn bị đại hội?

+ Tôi cho rằng vấn đề tổ chức rất quan trọng. Nhưng dù sao, theo tôi, quan trọng nhất là những bài phát biểu chất lượng cao của các diễn giả.

Ngoài ra, tôi rất muốn nhìn thấy, chẳng hạn, các phòng triển lãm của các họa sĩ minh họa từ các khu vực khác nhau. Thật thú vị nếu có đại diện của các nước cộng hòa của Liên Xô cũ. Ví dụ, trước đây ở Kazakhstan có chi nhánh của IBBY, nhưng hiện nay không, và chúng tôi không biết ở đấy đang xảy ra điều gì. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một sự kiện hết sức quan trọng và tầm cỡ, nó liên kết các khu vực Đông và Tây Âu. Hơn nữa, đây sẽ là một sự kiện văn hóa quan trọng đối với đất nước, là một bước tiến lớn trong mối quan hệ Đông - Tây.

Trần Hậu (tổng hợp)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/voi-tre-em-sach-dien-tu-chua-chac-thay-the-duoc-sach-tranh-596710/