Với tội rửa tiền, tham nhũng sẽ bị xử triệt để

Chỉ cần người nào biết nguồn tiền do phạm tội mà có nhưng vẫn sử dụng là có thể phạm tội rửa tiền và bị xử rất nặng.

Ngày 31-5, TAND Tối cao và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức công bố Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS 2015 về tội rửa tiền. Đây là nghị quyết đem đến khả năng có thể xử lý triệt để các vụ án tham nhũng, cũng như các vụ án hình sự khác khi rửa tiền được xử lý đồng thời với tội phạm nguồn.

Tội phạm nguồn đều dính đến rửa tiền

Tại buổi công bố nghị quyết, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết rửa tiền là vấn đề không mới trên thế giới. Thế giới đã có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử về tội này và khoa học pháp lý về rửa tiền cũng đã hoàn chỉnh. “Nhưng với chúng ta đây là vấn đề mới nên cần có nghị quyết hướng dẫn” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tội rửa tiền liên quan hầu hết đến tội phạm nguồn ở các lĩnh vực khác nhau, nhất là ma túy, lừa đảo, tham nhũng… Phần lớn các loại tội phạm xét cho đến cùng đều hướng đến mục đích lợi nhuận. Một người phạm tội nếu muốn dùng được đồng tiền, tài sản sau khi phạm tội thì phải xóa dấu vết, làm cho tiền xa dần với tội phạm nguồn, dùng các biện pháp khác để hợp pháp hóa nguồn tiền, tài sản. Đó chính là hành vi rửa tiền.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay nghị quyết này quy định rõ hơn tội phạm nguồn liên quan đến tội rửa tiền; mở rộng địa hạt của loại tội phạm này ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. “Nghị quyết này cho phép các cơ quan tố tụng sau khi truy tố tội phạm nguồn thì còn truy tố tiếp hành vi rửa tiền để xử lý triệt để tội phạm” - ông Bình nói.

Trong tương quan với quốc tế, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc ban hành nghị quyết này là thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc thực thi các công ước quốc tế, trong đó có công ước về chống tội phạm có tổ chức, ma túy, tham nhũng và rửa tiền.

“Thế giới đang quan sát chúng ta nội luật hóa các cam kết quốc tế như thế nào. Nghị quyết này thể hiện việc chúng ta tuân thủ các cam kết ấy” - ông Bình nói. Đồng thời, ông cho hay trong quá trình thực thi nghị quyết, các chế định tài chính quốc tế sẽ căn cứ vào việc chống rửa tiền để xếp hạng tín nhiệm tài chính quốc gia. “Vì vậy, nghị quyết này còn có ý nghĩa đối với việc nâng chỉ số xếp hạng tín nhiệm tài chính Việt Nam” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Trong vụ đánh bạc ngàn tỉ, TAND tỉnh Phú Thọ từng xử Phan Sào Nam (trái, cựu tổng giám đốc Công ty VTC Online) ba năm tù về tội rửa tiền; Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch HĐQT Công ty CNC) năm năm tù về tội này. Ảnh: Đ.MINH

Trong vụ đánh bạc ngàn tỉ, TAND tỉnh Phú Thọ từng xử Phan Sào Nam (trái, cựu tổng giám đốc Công ty VTC Online) ba năm tù về tội rửa tiền; Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch HĐQT Công ty CNC) năm năm tù về tội này. Ảnh: Đ.MINH

Vụ đánh bạc ngàn tỉ đã xử lý tội rửa tiền

Trả lời báo chí, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho rằng việc ban hành nghị quyết này là rất kịp thời. Bởi tội rửa tiền trong BLHS 2015 có nhiều từ ngữ chưa được rõ, định tính, dẫn đến các cơ quan tố tụng có cách hiểu khác nhau.

Tuy vậy, gần đây việc xử lý tội rửa tiền đã được các cơ quan tố tụng quan tâm. “Chẳng hạn vụ án đánh bạc ngàn tỉ ở Phú Thọ đã xử lý được tội rửa tiền. Nhưng nhận thức chung là phải gắn tội rửa tiền với tội phạm nguồn” - ông Tuệ nói.

Ông Tuệ cũng cho hay việc xử lý tội rửa tiền gắn với tội phạm nguồn bảo đảm nguyên tắc “một hành vi không bị xử lý hai lần”. Bởi đối với hình sự, cứ đủ yếu tố cấu thành tội danh thì sẽ điều tra, truy tố và xét xử. Tội phạm nguồn như tham nhũng, giết người, ma túy, cướp… và tội rửa tiền là hai tội khác nhau. “Việc ban hành nghị quyết sẽ giúp cho các cơ quan tố tụng nhận thức đúng đắn, thống nhất, giúp cho nhân dân, các tổ chức kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm rửa tiền này” - ông Tuệ cho hay.

Các loại tội phạm, chẳng hạn như tham nhũng, ông Tuệ đồng tình với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình rằng mục đích là để lấy tiền. Báo chí đặt câu hỏi về việc nghị quyết này có ngăn chặn được việc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài hay không. Ông Tuệ nói: “Chắc chắn sẽ hạn chế và xử lý được. Nếu một cá nhân chuyển tiền tham nhũng ra nước ngoài, chuyển hóa thành tiền sạch hay các loại tài sản khác thì sẽ bị xét xử tội rửa tiền”.

Ông Tuệ cũng hy vọng trong tương lai gần, Bộ Công an và VKSND Tối cao sẽ phát hiện nhiều vụ rửa tiền gắn với những tội phạm nguồn. “Khi đó, TAND sẽ nhanh chóng đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án này” - ông Tuệ khẳng định.

Tính hiệu quả của cơ chế phòng, chống rửa tiền

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cũng cho hay dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và đơn vị liên quan tích cực chuẩn bị cho đợt đánh giá đa phương của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền sẽ vào Việt Nam vào tháng 11-2019.

“Khuôn khổ pháp lý để điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền đóng một vai trò quan trọng trong chứng minh tính hiệu quả của cơ chế phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam” - ông Kim Anh nói.

Ông Kim Anh cho rằng nghị quyết này là cơ sở để chứng minh được tính tuân thủ kỹ thuật của pháp luật Việt Nam trong quá trình xử lý loại hình tội phạm này.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/voi-toi-rua-tien-tham-nhung-se-bi-xu-triet-de-837312.html