Với một cụm từ, ông Abe đã khiến Mỹ thay đổi quan điểm về châu Á

Tầm nhìn về một 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở' của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tạo tiền đề cho những thay đổi trong cạnh tranh chiến lược ở châu Á.

Với nhiều người châu Á, ông Shinzo Abe dường như đã sớm nhận ra thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với liên minh chính trị - quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Ông Abe đã thấy được sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ làm đảo lộn cán cân quyền lực trong khu vực, và Nhật Bản cần phải suy nghĩ về việc thay đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến.

Năm 2014, chính quyền ông Abe đã thúc đẩy điều chỉnh Hiến pháp, qua đó cho phép quân đội Nhật Bản có thể tham chiến ở nước ngoài. Tiềm lực quân sự cũng được đẩy mạnh với việc mua các tiêm kích tàng hình và sở hữu tàu sân bay đầu tiên kể từ sau Thế chiến II.

Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất từ di sản ông Abe đến nền quốc phòng Nhật Bản và an ninh khu vực châu Á không nằm ở các khí tài quân sự, mà với một thuật ngữ: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP).

Xoay chuyển trọng tâm

Chỉ với một cụm từ đó, ông Abe đã thay đổi tư duy và hành động của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại tại châu Á, CNN cho hay.

Đến nay, cụm từ này được dùng như một trọng tâm trong chính sách của Mỹ hay các quốc gia châu Âu. Trước ông Abe, không nhiều người nói đến khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Mỹ và đồng minh trước đó vẫn chủ yếu nhắc đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với những chính sách bao trùm các quốc gia chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc hay Australia.

 JS Izumo được cho là tàu sân bay đầu tiên của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II. Tuy vậy, tài liệu chính thức phân loại JS Izumo là tàu khu trục đa dụng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

JS Izumo được cho là tàu sân bay đầu tiên của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II. Tuy vậy, tài liệu chính thức phân loại JS Izumo là tàu khu trục đa dụng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Song, mục tiêu của ông Abe là khiến thế giới nhìn châu Á qua một lăng kính rộng hơn. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ bao trùm cả Ấn Độ và các quốc đảo Thái Bình Dương, một tầm nhìn mà ông Abe lần đầu đề cập tại Quốc hội Ấn Độ vào năm 2007.

Kurt Campbell, điều phối viên các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, nói rằng ông Shinzo Abe là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất của châu Á hiện đại, theo Nikkei.

Ông Campbell ca ngợi những thành tựu của cố Thủ tướng Abe và nói rằng trong tương lai, "đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến an ninh, di sản của cựu Thủ tướng Abe sẽ còn lâu dài".

Việc thay đổi này mang đến hai điều. Thứ nhất, nó chuyển trọng tâm cấu trúc an ninh sang khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia. Thứ hai, nó bao trùm thêm một quốc gia có tiềm lực để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực: Ấn Độ.

Đưa Ấn Độ vào cuộc

Theo John Hemmings, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Đông - Tây (Washington), ông Abe đã nhận ra “tầm quan trọng của Ấn Độ như một nước đối trọng với Trung Quốc trong tương lai.

“Việc đặt Ấn Độ vào trong cấu trúc tương lai châu Á không chỉ có lợi về địa chính trị, mà còn địa kinh tế, khi dân số và hệ thống chính trị của Ấn Độ có thể cân bằng với Bắc Kinh", ông Hemmings nói.

Ông Abe cũng là người thúc đẩy sáng kiến Bộ Tứ, bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Australia. Việc hợp tác 4 nước đã nhen nhóm từ năm 2004 với các nỗ lực cứu trợ nhân đạo sau vụ sóng thần ở Ấn Độ Dương, nhưng đã trở thành một lập trường trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Abe năm 2006.

Thủ tướng Shinzo Abe gặp người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi năm 2015. Ảnh: CNN.

Ý tưởng về nhóm Bộ Tứ hình thành năm 2007 với những cuộc gặp bán thường kỳ, trao đổi thông tin, và quan trọng hơn cả là các cuộc tập trận chung, vốn vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc. Nhiều tháng sau đó, ông Abe vạch ra tầm nhìn “về một châu Á rộng lớn hơn”, bao trùm nhiều quốc gia chia sẻ “giá trị căn bản” như tự do, dân chủ, các lợi ích chiến lược.

Tuy nhiên, sáng kiến Bộ Tứ ban đầu sớm bị đóng băng vào năm 2008 khi Bắc Kinh dọa sẽ trả đũa.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Tầm nhìn về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được ông Abe lần đầu đề cập trong bài phát biểu ở Kenya năm 2016, với 3 trụ cột: Thúc đẩy và thiết lập nhà nước pháp quyền, với tự do hàng hải và thương mại; Thúc đẩy thịnh vượng kinh tế; Duy trì hòa bình và ổn định.

Thuật ngữ này như một “lời đáp trả trước tầm nhìn của Bắc Kinh về tương lai châu Á với việc lấy Trung Quốc làm trung tâm, đồng thời thúc đẩy tính cởi mở và các giá trị để thu hút những quốc gia khác trong khu vực”, ông Hemmings nói.

Một năm sau bài phát biểu ở Kenya, Bộ Tứ đã “hồi sinh”, và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó cũng tung ra một chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trong chính sách của Washington.

Các cuộc họp cấp cao đã diễn ra từ năm 2017, và dần được nâng cấp thành cuộc họp cấp nội các. Dù không phải liên minh quân sự, Bộ Tứ vẫn là diễn đàn tầm cỡ để giải quyết vấn đề thông tin sai lệch, gián đoạn chuỗi cung ứng, đánh bắt bất hợp pháp.

Viết trên Wall Street Journal, nhà báo Matt Pottinger cho hay phương châm của của ông Abe về khu vực đã được các nhà lãnh đạo Bộ Tứ áp dụng trong chính sách của đất nước. Bên cạnh chiến lược của ông Donald Trump, cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vào năm 2017 cũng công bố chính sách hiện thực hóa "một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, rộng mở và thịnh vượng".

Từ lúc nhiệm kỳ ông Abe kết thúc năm 2020 đến khi ông mất, Bộ Tứ đã có những bước mở rộng đáng kể, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong hai năm qua, 4 quốc gia đã tổ chức hai lần tập trận hải quân, cũng các cuộc đối thoại cấp cao. Khái niệm về một khu vực tự do và rộng mở mà ông Abe để lại trở thành kim chỉ nam cho những hoạt động của nhóm.

Ông Shinzo Abe lái xe golf, bên cạnh là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại tỉnh Chiba hồi tháng 5/2019. Ảnh: AFP.

Di sản mang tính bước ngoặt

Trong bài viết của ông Robert Ward, Chủ tịch nhóm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS), cựu Thủ tướng Shinzo Abe như một người đã tái cấu trúc chính sách đối ngoại Nhật Bản. "Không quá khi nói di sản đối ngoại của ông Abe đã mang tính bước ngoặt, cả trong lẫn ngoài Nhật Bản", ông nói.

Trong bài phát biểu ở Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” đã “nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên trường quốc tế”.

Sự ủng hộ đó có thể là di sản để đời của ông Abe. Đôi khi, nó còn là sự tôn vinh với tầm nhìn mà vị cố Thủ tướng Nhật Bản từng nhắc đến trong bài phát biểu tại Shangri-La năm 2014.

Khi đó, ông Abe nói rằng Tokyo sẵn sàng dẫn dắt khu vực trở nên thịnh vượng cho mọi người, đồng thời kêu gọi tất cả quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế để thế hệ tương lai có thể “chia sẻ giá trị này”.

"Nếu các bạn tưởng tượng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng lớn thế nào, thì tiềm năng của chúng ta cũng giống những đại dương", ông nói. "Vô tận, phải không?".

Cựu cố vấn ông Abe: Phu nhân Akie khóc rất nhiều sau biến cố với chồng Cựu cố vấn đặc biệt của ông Shinzo Abe nói phu nhân Akie khó khăn để chấp nhận việc chồng đã qua đời. Ông cũng bày tỏ xúc động trước tình cảm người Việt dành cho vị cố thủ tướng.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/voi-mot-cum-tu-ong-abe-da-khien-my-thay-doi-quan-diem-ve-chau-a-post1337810.html