'Với mô hình này, đồng bào miền núi lại có thể nuôi lợn dưới nhà sàn'

Đó là khẳng định của ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại buổi làm việc với Tập đoàn Quế Lâm.

 Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại buổi làm việc với Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại buổi làm việc với Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Hợp tác với những doanh nghiệp như Quế Lâm, bộ mặt nông thôn miền núi sẽ thay đổi

Ngày 10/3, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc đã làm việc với Tập đoàn Quế Lâm nhằm hướng tới hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt đối với khu vực miền núi. Tham dự còn có ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đoàn công tác đã thăm nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Biotech Quế Lâm với công suất 200.000 tấn/năm, lớn nhất miền Bắc. Thăm mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học Quế Lâm theo tiêu chuẩn 5 không: không chất kháng sinh, không chất tăng trọng, không tồn dư kim loại nặng, không chất tạo nạc, không chất tạo màu.

Đặc biệt, với mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học Quế Lâm, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, với mô hình này bà con đồng bào dân tộc lại có thể nuôi lợn dưới nhà sàn mà không phải lo ngại vấn đề môi trường.

Thực tiễn đã chứng minh, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm thành công là nhờ sự dụng men vi sinh theo công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất.

Việc đưa các chủng men vi sinh vào thức ăn chăn nuôi, nước uống và sử dụng men vi sinh làm đệm lót sinh học đã tạo ra các vi sinh vật trong thức ăn làm tăng sức đề kháng cho lợn, còn đệm lót sinh học giải quyết bài toán môi trường khi không sử dụng nguồn nước đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất lớn cho nông hộ và gia trại.

Nói cách khác, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đã tạo ra lợi ích kép, ngoài ra, chất lượng thịt lợn chăn nuôi hữu cơ được người tiêu dùng đánh giá cao, chi phí đầu tư, nhân công giảm. Mỗi một con lợn chăn nuôi theo quy trình này đang giúp người chăn nuôi lãi ít nhất 1 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Đây là mô hình được khởi phát và trực tiếp chỉ đạo của ông Nguyễn Hồng Lam từ năm 2013. Sau nhiều năm thực hiện, Tập đoàn Quế Lâm đã mở rộng liên kết với các Hợp tác xã, hàng ngàn hộ nông dân đã được Bộ NN-PTNT đánh giá và chứng nhận chuỗi sản xuất chăn nuôi hữu cơ an toàn, giải pháp của chăn nuôi nông hộ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Ủy ban Dân tộc là làm sao để bà con đồng bào có sinh kế, nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Năm 2020 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Trong đó, đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một hợp phần đóng vai trò cấp bách. Phải thay đổi tư duy về sản xuất. Thay đổi từ sản xuất cao sản sang đặc sản, nghiên cứu sản xuất trái vụ thay chính vụ và quan trọng nhất là sản xuất hữu cơ thay vô cơ.

Thống kê cho thấy, vùng đồng bào thiểu số khu vực miền núi Ủy ban Dân tộc phụ trách gồm có 5.266 xã, 458 huyện và 51 tỉnh thành dọc theo biên giới từ Cao Bằng đến tận mũi Cà Mau. Với địa bàn và dân số như vậy thì nhiệm vụ không chỉ là đầu tư phát triển kinh tế xã hội mà còn là vấn đề quốc phòng an ninh và quan hệ đối ngoại.

Chính vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 tập trung giải quyết vấn đề cấp bách nhất là đời sống đồng bào miền núi.

Cộng với dư địa sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn rất lớn, nếu được tổ chức bài bản, nếu phối hợp được với các doanh nghiệp như Tập đoàn Quế Lâm để triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì chắc chắn bộ mặt nông thôn miền núi sẽ thay đổi.

“Đối với đồng bào dân tộc miền núi thì tiên quyết phải là làm thật, phải tận thấy hiệu quả mới tin nên không có cách nào khác ngoài việc triển khai thực hiện xây dựng các mô hình để từ đó nhân rộng, lan tỏa.

Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy tư duy, chiến lược và thực tiễn các mô hình của của Tập đoàn Quế Lâm rất có ý nghĩa với việc thực hiện các mô hình tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc. Theo dự kiến chúng tôi sẽ xây dựng 2.000 – 3.000 mô hình sản xuất theo hình thức dân làm nhà nước hỗ trợ và phải đi theo sản xuất hữu cơ, cả chăn nuôi lẫn trồng trọt.

Để làm được những điều đó, tới đây Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia sẽ ký chương trình hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để triển khai thực hiện. Nhìn lại chặng đường phát triển nông nghiệp hữu cơ, cụ thể là hành trình của Tập đoàn Quế Lâm có thể thấy vô cùng cam go, khó khăn và gian truân.

Tuy nhiên với mô hình của Tập đoàn Quế Lâm đã chứng minh bằng thực tiễn, đặc biệt là với trí tuệ và tâm huyết của Chủ tịch Tập đoàn, ông Nguyễn Hồng Lam thì chúng ta có thể khẳng định chắc chắn sẽ thành công”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, hiện nay Chính phủ cũng đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, trong đó vấn đề hợp tác, phối hợp tổ chức thực hiện giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Cụ thể, đối với Tập đoàn Quế Lâm, bằng các mô hình thực tiễn, bằng công nghệ hiện đại đã chứng minh được qua thực tiễn sẽ trở thành những giáo án để các cơ quan nhà nước chuyển giao đến người nông dân. Không chỉ là chăn nuôi lợn, không chỉ trồng lúa, cây ăn quả mà còn là cây chè, cây dược liệu…

“Chắc chắn Ủy ban Dân tộc sẽ đồng hành với Tập đoàn Quế Lâm. Bằng sự cảm phục, tin tưởng, tôi tin rằng sự hợp tác đó sẽ thành công”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định sẽ hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Là người quyết liệt trong thực hiện hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La chia sẻ: "Vùng đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi có một đặc trưng giống nhau là diện tích tự nhiên rộng nhưng địa hình lại dốc. Đã là đất dốc mà dùng phân vô cơ thì hiệu quả không cao, phải là nông nghiệp hữu cơ.

Đối với đồng bào dân tộc miền núi, nói gì thì nói nhưng phải nhìn thấy hiệu quả mới tin. Khi niềm tin đã có trong bà con rồi sức mạnh sẽ lớn lên rất nhiều. Tôi luôn cho rằng một trong ba yếu tố thành công của Sơn La trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố văn hóa. Bà con tin và làm thật theo các mô hình đã được chứng minh hiệu quả".

Đầu tư vào dân tộc miền núi còn là sự tri ân với họ

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, cuộc hành trình của Quế Lâm là hành trình xây dựng lòng tin với Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và người nông dân. Bằng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiện Tập đoàn Quế Lâm đã hợp tác với hơn 20 tỉnh thành, trong đó có nhiều tỉnh thành thuộc khu vực miền núi.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Chúng tôi luôn tâm niệm làm gì thì làm nhưng phải đảm bảo được đầu vào và đầu ra, đảm bảo được lợi ích kinh tế, môi trường, sức khỏe cho bà con nông dân. Đặc biệt đối với khu vực miền núi, đa phần là những vùng đất cách mạng lại càng phải quyết tâm để xây dựng lòng tin, để nhau cùng phát triển. Chúng tôi xem đó là trách nhiệm, đồng thời là sự tri ân đối với họ.

Cùng một lúc chúng tôi phải làm ba việc. Một là tuyên truyền để người nông dân thay đổi nhận thức, đây là vấn đề hết sức khó khăn do thói quen canh tác của bà con nông dân thích làm những cái nhanh nhất, dễ nhất.

Hai là chúng tôi phải tính toán giúp người nông dân bài toán kinh tế, đầu vào, đầu ra, lợi nhuận của họ được bao nhiêu. Phải có lời giải hiệu quả cho bài toán đưa cho người nông dân thì họ mới theo, phải dạy cho họ làm kinh tế.

Thứ ba là dạy cho người nông dân về khoa học kỹ thuật, trình độ sản xuất. Chúng tôi sống nhờ người nông dân nên trước hết người nông dân phải có hiệu quả.

Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với quyết tâm vào cuộc sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Ủy ban Dân tộc.

Theo ông Nguyễn Hồng Lam, những khó khăn trong lĩnh vực này đã có thể nhìn nhận rõ nên cần phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị mới có thể thành công. “Thực tiễn hợp tác liên kết sản xuất của Tập đoàn Quế Lâm cho thấy, địa phương nào mà những người đứng đầu quyết liệt, như Sơn La, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên – Huế… thì nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ thành công”, ông Nguyễn Hồng Lam nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại buổi làm việc với Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Đầu năm 2021, sự kiện Tập đoàn Quế Lâm đã chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ kinh tế tuần hoàn cho các hộ nông dân huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) không chỉ mang ý nghĩa đối với những xã, những hộ gia đình trực tiếp liên kết mà còn đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của A Lưới, một vùng đất cách mạng, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống và còn rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư huyện ủy A Lưới cho biết: Sự kiện đó đã thay đổi nhận thức không chỉ cho bà con nông dân mà còn thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa vẫn đang còn nhiều khó khăn, yếu thế, nhiều doanh nghiệp cũng muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực này nhưng cứ đến rồi đi mà không ở lại.

Qua hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm chúng tôi thấy rằng chính những điều kiện tưởng chừng như khó khăn của khu vực miền núi lại có những thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ như điều kiện khí hậu, đất đai còn rộng lớn…

Ông Nguyễn Hồng Lam cam kết, với sự vào cuộc của Ủy ban Dân tộc trong thời gian tới, các mô hình chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ như ở A Lưới sẽ ngày càng được nhân rộng. Bằng thực tiễn và khoa học, chắc chắn Quế Lâm sẽ thành công.

Hoàng Anh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/voi-mo-hinh-nay-dong-bao-mien-nui-lai-co-the-nuoi-lon-duoi-nha-san-d285926.html