Với lời xin lỗi gửi tới Seoul, Bình Nhưỡng đã đủ chân thành để vun đắp cho đối thoại liên Triều?

Những diễn biến mới đây từ phía Triều Tiên, từ việc làm mới hình ảnh trên truyền thông cho đến lời xin lỗi hiếm hoi của lãnh đạo Kim Jong-un gửi tới Seoul khiến dư luận nhận định rằng Bình Nhưỡng đang thay đổi theo hướng thiện chí và tích cực đối với đối thoại liên Triều.

Bình Nhưỡng gần đây có những hành động thể hiện thiện chí đối với Seoul và hướng tới thúc đẩy đối thoại liên Triều. (Nguồn: The Leader)

Bình Nhưỡng gần đây có những hành động thể hiện thiện chí đối với Seoul và hướng tới thúc đẩy đối thoại liên Triều. (Nguồn: The Leader)

Chủ động gửi thông điệp thiện chí

Trong một động thái hiếm hoi được lãnh đạo Triều Tiên đưa ra ngày 25/9, ông Kim Jong-un đã lên tiếng xin lỗi về sự cố một quan chức ngành ngư nghiệp Hàn Quốc bị quân đội Triều Tiên bắn chết khi được cho là đang cố gắng đào ngũ ở gần đường biên giới tranh chấp trên biển giữa hai miền.

Theo AP, việc một lãnh đạo Triều Tiên lên tiếng xin lỗi Hàn Quốc về bất kỳ một sự việc nào đều là điều cực kỳ bất thường. Động thái của ông Kim Jong-un có thể sẽ giúp giảm bớt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên bởi nó có thể xoa dịu tâm lý chống Triều Tiên tại Hàn Quốc, cũng như thái độ chỉ trích ngày càng gia tăng nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Triều Tiên từng bày tỏ “lấy làm tiếc” trước các sự cố mà phía Seoul chịu nhiều tổn thất, chẳng hạn như vụ nổ mìn khiến hai binh sỹ Hàn Quốc bị thương hồi năm 2015 và vụ bắn chết một du khách Hàn Quốc tại Triều Tiên năm 2008.

Suh Hoon, Cố vấn của ông Moon Jae-in trích dẫn tuyên bố của phía Triều Tiên: “Đồng chí Kim Jong-un, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, cảm thấy rất lấy làm tiếc vì đã gây ra một sự thất vọng lớn đến Tổng thống Moon Jae-in và các công dân Hàn Quốc vì sự cố bất ngờ và đáng tiếc đã xảy ra vào một thời điểm mà Hàn Quốc đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19”.

Theo giải thích của Triều Tiên, binh sỹ trên đầu tiên đã bắn cảnh cáo sau khi người đàn ông bị phát hiện tại vùng biển của Triều Tiên nhiều lần không chịu nói gì ngoài việc ông ta đến từ Hàn Quốc. Tiếp đó, ông tìm cách bỏ trốn, và các binh sỹ đã bắn 10 phát súng. Khi đến gần một vật thể đang nổi, họ chỉ thấy nhiều vết máu nhưng không thấy người đàn ông này đâu.

Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook cho biết phía Triều Tiên tin là quan chức này đang tìm cách đào ngũ vì ông ta đã bỏ lại giày trên tàu, mặc áo phao và leo lên một tấm ván. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không có đủ bằng chứng để kết luận người này đã cố gắng tìm cách vượt biên sang Triều Tiên.

Theo thông điệp của Chủ tịch Kim Jong-un, mặc dù phía Hàn Quốc đưa ra những lời lẽ nặng nề như là "hành vi tàn bạo" để cáo buộc Triều Tiên trước khi yêu cầu giải thích về các chi tiết của sự cố, song Triều Tiên vẫn đưa ra lời xin lỗi vì sự cố đã xảy ra trong lãnh thổ của mình và sẽ thực hiện những bước đi để ngăn ngừa sự sụp đổ lòng tin giữa hai nước.

Theo Leif-Eric Easley, giảng viên tại trường Đại học Ewha, Seoul cho rằng, những tuyên bố được cho là lời xin lỗi từ phía Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã giảm bớt nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai miền và giúp cho những hy vọng về sự xích lại gần nhau của hai phía vẫn được duy trì. Tuy nhiên, vụ bắn chết người này cũng khiến dư luận Hàn Quốc phản đối việc hỗ trợ hòa bình và nhân đạo cho Bình Nhưỡng.

Seoul cần giữ "cái đầu lạnh"

Tuy nhiên, đi kèm với những tuyên bố xin lỗi của Chủ tịch Kim Jong-un vẫn không thiếu những động thái gay gắt. Theo Reuters, trước những yêu cầu dồn dập từ phía Hàn Quốc rằng Triều Tiên phải điều tra thêm về sự cố bắn chết người, và đó phải là một cuộc điều tra chung của hai nước, phía Triều Tiên cho biết vẫn đang tìm kiếm thi thể của người đàn ông Hàn Quốc bị bắn chết.

Bên cạnh đó, truyền thông Triều Tiên ngày 27/9 vẫn đưa ra lời cảnh báo rằng các cuộc diễn tập hàng hải của Hàn Quốc trong khu vực có nguy cơ gia tăng căng thẳng. Hãng KCNA dẫn tuyên bố của quân đội Triều Tiên cho biết: “Chúng tôi hối thúc phía Nam lập tức chấm dứt việc xâm phạm vào đường phân giới quân sự ở vùng Biển Tây, bởi điều đó có thể làm căng thẳng leo thang”.

Theo L’Express, ngoài nỗ lực giành một chỗ đứng trên chính trường quốc tế nhờ các cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Kim Jong-un đã hiện đại hóa cách tuyên truyền của Triều Tiên. Mục tiêu có lẽ là gửi đi một hình ảnh có tính hiện đại từ đất nước khép kín.

Trước đó, theo nhật báo The Korea Herald (Hàn Quốc) số ra ngày 23/9, trong chuyến thăm tới Đồi Mũi tên (Arrowhead Hill), một trong những mặt trận trọng điểm của cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hôm 19/9, tân Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook đã nói rằng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây giảm bớt là do hai bên thực thi thỏa thuận cấp cao liên Triều được ký cách đây 2 năm.

Trong bài phát biểu nhậm chức một ngày trước đó, Bộ trưởng Suh Wook cũng đã thề sẽ thực hiện đầy đủ hiệp định quân sự mà Seoul ký năm 2018 với Bình Nhưỡng, phù hợp với nỗ lực của Seoul nhằm xây dựng một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Ra đời nhân dịp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018, thỏa thuận quân sự liên Triều kêu gọi thực hiện một loạt biện pháp xây dựng lòng tin và kiểm soát vũ khí như một phần của việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau để ngăn chặn các hành động thù địch chống lại mỗi bên. Trong số các biện pháp đó có hoạt động cùng nhau khai quật hài cốt các binh lính tử nạn trong Chiến tranh Triều Tiên ở Khu phi quân sự (DMZ).

Phát biểu với báo giới tại DMZ, Bộ trưởng Suh Wook cũng cho biết ông hy vọng hai miền Triều Tiên sẽ cùng nhau khai quật khu vực này "càng sớm càng tốt".

Theo bình luận của tờ The Korea Herald, đánh giá và cam kết của tân Bộ trưởng Suh Wook đối với việc thực thi hiệp ước quân sự liên Triều nói trên dường như không tương đồng với quan điểm của nhiều chuyên gia sở tại khi bày tỏ những lo ngại về hậu quả thực tế đối với an ninh của Hàn Quốc.

Họ lưu ý rằng Seoul đã "cố chấp" theo từng câu chữ ghi trong thỏa thuận, giảm các hoạt động giám sát và trinh sát dọc tuyến biên giới giữa hai miền cũng như các hoạt động hải quân và không quân, trong khi Bình Nhưỡng vẫn "thiếu chân thành".

Trong 2 năm qua, chính quyền của ông Kim Jong-un vẫn tiếp tục cải tiến năng lực hạt nhân và tên lửa. Tháng 6 năm nay, Triều Tiên đẩy cao căng thẳng với Hàn Quốc bằng cách cho nổ tung Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thị trấn biên giới Kaesong để bày tỏ sự tức giận về việc những người đào tẩu Triều Tiên và các nhà hoạt động xã hội khác ở Hàn Quốc đã thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng sang lãnh thổ Triều Tiên.

(theo AP, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/voi-loi-xin-loi-gui-toi-seoul-binh-nhuong-da-du-chan-thanh-de-vun-dap-cho-doi-thoai-lien-trieu-124801.html