Với Iran, Mỹ sẽ không có chiến thắng

Một số chuyên gia về Iran cho rằng, việc tái khởi động các đòn trừng phạt sẽ không thể đem lại những gì mà Mỹ mong muốn.

Tờ Reuters bình luận, đây là “trò chơi vương quyền” của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm buộc Tehran đàm phán lại về việc dỡ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa. Nhà Trắng cũng hy vọng, khi kinh tế khó khăn, dư luận trong nước bất an, sẽ làm suy giảm tầm ảnh hưởng và vai trò của đất nước Hồi giáo này ở khu vực Trung Đông.

Chẳng có gì mới

Các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran trong các lĩnh vực chính yếu như năng lượng, đóng tàu, vận tải biển và ngân hàng đã bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 5/11. Cũng từ ngày này, Washington đã chính thức liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bộ Tài Chính Mỹ cũng đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran trong "danh sách đen" của Washington.

Tuy nhiên, dù tuyên bố muốn cắt đứt hoàn toàn mọi giao thương dầu mỏ của Iran nhưng Mỹ vẫn trao quyền miễn trừ cho 8 quốc gia để những nước này có thể tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran một cách tạm thời, trong đó có những đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đây là gói thứ 2 trong số các biện pháp trừng phạt được áp dụng kể từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5. Trước đó, hồi tháng 8, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động mua nguyên liệu thô, kim loại quý và ngành công nghiệp ô tô của Iran.

PressTV dẫn lời giới chuyên gia bình luận rằng, thay vì mục tiêu mà Mỹ mong đạt được thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Iran, thì các biện pháp này chỉ có thể gây ra tác động hạn chế tới nền kinh tế này, trong khi không thể gây ảnh hưởng tới sự can dự vào cả khu vực của quốc gia Trung Đông này. Bởi, Iran đã chịu án phạt hơn 40 năm qua và lần này chẳng có gì mới cả. Thậm chí, có chuyên gia chỉ ra, mục tiêu quan trọng trong chính sách an ninh chính trị của Iran là một nền kinh tế không phụ thuộc vào dầu mỏ. Bởi vậy, có thể Iran sẽ trải qua một thời điểm khó khăn về kinh tế, nhưng không có mối liên hệ nào giữa trừng phạt và hiệu suất kinh tế lâu dài của Iran, cũng như các hoạt động trong khu vực của nước này.

Phản ứng trước quyết định trên, truyền thông phương Tây dẫn lời lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho rằng, Trump đã "phá hỏng" uy tín của Mỹ. Đại giáo chủ chỉ trích mục đích của việc Washington tái áp đặt các biện pháp trừng phạt này là nhằm gây tê liệt và kéo lùi nền kinh tế của Iran, nhưng ông cũng nêu rõ, trong 40 năm qua, Washington đã đối đầu với Iran bằng cách áp đặt nhiều biện pháp chống lại Tehran, trong đó có việc sử dụng quân đội, kinh tế nhằm thách thức sự độc lập của Iran, song rốt cuộc, Mỹ đã thất bại.

Đứng trên phương diện quốc tế, âm mưu "gây bất ổn" của Mỹ nhằm vào Iran thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế được cho là đang bị cô lập và sẽ tiếp tục nhận thất bại. Chuyên gia Kenneth Faro thuộc Đại học Coventry (Anh) phân tích, Mỹ khó có thể nhận được sự ủng hộ của các nước đồng minh EU, trong khi, Nga và Trung Quốc lại không dễ cắt bỏ mối quan hệ lợi ích với Tehran.

Những biện pháp trừng phạt chỉ gây khó cho Tehran, chứ không tạo ra một chiến thắng thực sự cho Washington. (Nguồn: Sakshi)

Mỹ chẳng được lợi lộc gì

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được coi là đợt tổng tấn công nhằm triệt tiêu kinh tế Iran, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC với sản lượng 2,5 triệu thùng dầu/ngày. Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), kinh tế Iran có thể suy giảm 3% trong năm 2018 và 4% năm 2019.

Xét về tiềm lực kinh tế, Iran chỉ mới đang trên đà phục hồi và hội nhập trở lại sau hàng thập kỷ chịu các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc. Trước ngày Mỹ chính thức tuyên bố tái áp đặt lệnh trừng phạt, đồng nội tệ của Iran đã giảm giá mạnh, mất gần 2/3 giá trị kể từ đầu năm. Lo ngại đến khả năng nền kinh tế đình trệ do các lệnh trừng phạt, nhiều người dân Iran đã tích trữ USD nhằm tránh khủng hoảng, trong khi một số khác lại tìm cách rời khỏi đất nước. Không ít công ty đa quốc gia từng tới Iran để tìm kiếm cơ hội đầu tư cách đây 3 năm bắt đầu rục rịch từ bỏ mục tiêu, như Peugeot, Renault hay Total...

Tuy nhiên, Iran hiện nay không còn giống như Iran của 3 năm về trước, khi niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với việc tôn trọng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang dần được lấy lại. Dù Iran nhìn thấy rõ lượng dầu xuất khẩu của mình sụt giảm khoảng 2/3 trong thời gian từ nay đến cuối năm và dù nhiều công ty lọc dầu đang tìm cách rút khỏi Iran, song các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định, họ đã quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Iran, để có thể khuất phục trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Và trên thực tế, Iran vẫn có đủ nội lực và sự trợ giúp cần thiết để đối phó với các đòn trừng phạt của Mỹ. Từ gói trừng phạt thứ nhất, dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng Iran đã có những bước đi mang tính chủ động để ứng phó với đợt trừng phạt thứ hai này. Iran còn chủ động, tích cực hợp tác với nhiều đối tác, trong đó có EU, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…

Chính điều này đã cho thấy, Mỹ đã bị cô lập khi tiến hành trừng phạt Iran, Mỹ không thể cùng một lúc gây căng thẳng với nhiều đối thủ, bởi điều này gây bất lợi cho chính nước Mỹ. Thực trạng này khiến trong chừng mực nào đó, Chính quyền Mỹ đã phải “linh hoạt” với các nước nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ...

Ở một khía cạnh khác, trên thị trường dầu mỏ, những biến động hiện nay rất có thể sẽ đẩy giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào đầu năm sau. Khi ấy Iran vẫn có khả năng được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao, dù lượng dầu xuất khẩu có giảm sút.

Như vậy, những biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ gây khó cho Tehran, chứ không tạo ra một chiến thắng thực sự cho chính quyền Tổng thống Trump và Mỹ chẳng được lợi lộc gì từ việc làm này, mà trái lại chỉ khiến Mỹ thêm “bị ghét” ở Trung Đông.

An Sinh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/voi-iran-my-se-khong-co-chien-thang-81157.html