'Với Internet chưa bao giờ hoạt động đánh bạc dễ dàng như hiện nay'

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về nạn 'tham nhũng vặt', tội phạm vị thành niên và sử dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến, tinh vi.

Trong cả ngày 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao năm 2018; phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Cuộc chiến '3 không'

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phản ánh đến vấn đề tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến. Bà cho biết sau hàng loạt vụ án, vụ việc thì có thể thấy rằng khi công nghệ cao trở thành phương tiện đa năng, hữu ích, không thể thiếu của cuộc sống con người thì tội phạm cũng lợi dụng triệt để vào hoạt động phạm tội.

Loại tội phạm này đang diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm tội mới và xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực. Từ năm 2011 đến nay, đã có 772 vụ trộm tiền tại các máy ATM và gần 2.000 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao.

"Như vụ sửa kết quả về kỳ thi phổ thông trung học quốc gia vừa qua, thao tác lại hành vi phạm tội với các tiện ích của máy tính, đối tượng chỉ mất 6 giây để sửa một bài thi. Còn với mạng Internet, chưa bao giờ tội phạm đánh bạc lại hoạt động một cách dễ dàng và thuận lợi như hiện nay", bà nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Quochoi.vn.

Ngoài ra, theo nữ đại biểu hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, tội phạm đã sử dụng công nghệ để tạo ra số điện thoại gần giống với số điện thoại của cơ quan pháp luật, sau đó gọi điện cho người dân, thông báo số tiền của họ trong tài khoản đang liên quan đến một vụ án hình sự và yêu cầu phải chuyển ngay cho cơ quan pháp luật do chúng chỉ định để kiểm tra.

Bà kể ra các vụ phạm tội lớn như đáng bạc ở Phú Thọ, các vụ tiền ảo, vụ Nguyễn Hữu Tiến và các đồng phạm đã chiếm đoạt tiền của hơn 6.000 người. Trong khi chỉ 23% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách ở ngân hàng bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao… thu hồi được tiền.

"Cuộc đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là 3 không: Không biên giới, không tiếng súng và không có sự đối mặt trực tiếp giữa kẻ phạm tội với các nạn nhân, nhưng khi đã xảy ra thì quy mô rất lớn, hậu quả rất nghiêm trọng và đấu tranh phát hiện hết sức khó khăn", bà nói.

Lo lắng nạn "tham nhũng vặt" và quà biếu

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) báo động tệ "tham nhũng vặt" đang gây ra sự nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua.

"Nếu tham nhũng trục lợi chính sách, tham nhũng lớn làm suy kiệt nền kinh tế. 'Tham nhũng vặt' cũng có sức tàn phá rất lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền", bà nói.

Để xử lý loại tội phạm này, đại biểu Hoa cho rằng không dễ bởi nó diễn ra mọi lúc, mọi nơi đến mức hành vi đưa phong bì, lót tay, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành thói quen và trở thành văn hóa xấu xí của người Việt.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: Quochoi.vn.

Bà Mai Hoa đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá tổng thể nguyên nhân, tác hại và có giải pháp ngăn chặn loại tội phạm này; tuyên truyền vận động làm thay đổi tư duy, thái độ của người Việt đối với "tham nhũng vặt", kiên quyết nói không với việc tiếp tay cho tham nhũng; đồng thời đẩy nhanh cải cách hành chính hạn chế tiếp xúc trực tiếp của người dân với cán bộ cơ quan công quyền. Bên cạnh đó là tăng cường công khai minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong công tác cán bộ.

Trong khi đó đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) lại nhắc đến việc tặng quà và việc nộp lại quà tặng. Ông nhấn mạnh trong báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến việc này, đây là một điểm mới.

Tuy nhiên, đại biểu này băn khoăn trong báo cáo chỉ có 9 địa phương được nêu. Trong 9 địa phương, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng.

"Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không, hay không có ai tặng quà nên không có việc nộp lại quà tặng? Nếu đúng như thế là đáng mừng", ông nói.

Đại biểu Sơn cũng chỉ ra trong báo cáo cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không.

Tội phạm tuổi thanh thiếu niên tăng

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết số liệu tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên tăng, tội hiếp dâm trẻ em tăng khiến người dân rất lo lắng.

"Tội phạm ở độ tuổi này trên 30% là điều rất đáng quan ngại. Có những con số tôi xin nêu ra ở đây để chúng ta suy ngẫm", ông nói.

Vị này đưa ra số liệu hơn 21% trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân, trong đó là những người ông, cha, anh, em trực tiếp xâm hại. Thầy, cô giáo và nhân viên nhà trường là 6,2%. Những người quen, những người hàng xóm là trên 60%.

Theo ông, các cơ quan, tổ chức còn có nhiều người vẫn còn bàng quan, đứng ngoài cuộc, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì thế, trong nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh phòng chống, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, ngăn chặn tội hiếp dâm trẻ em.

Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đề nghị ngành công an đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm xâm hại trẻ em. Đồng thời, ông đề nghị các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện hệ thống văn bản pháp luật và công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/voi-internet-chua-bao-gio-hoat-dong-danh-bac-de-dang-nhu-hien-nay-post892040.html