Với giá dầu hiện nay, sự sụp đổ của ngành đá phiến Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian

Sự sụt giảm giá năng lượng trong thời gian đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự phá sản của nhiều công ty dầu khí Mỹ.

Số lượng các công ty phá sản tiếp tục tăng ngay cả khi giá dầu WTI vượt mốc 40 USD/thùng. Các tập đoàn dầu khí lớn từ chối mua tài sản đá phiến mất giá. Nếu giá dầu không tăng đáng kể trong những tháng tới, ngành công nghiệp đá phiến Mỹ nhiều khả năng sẽ sụp đổ.

Nợ nần chồng chất

Theo công ty luật Haynes and Boone tại Mỹ, trong 7 tháng đầu năm 2020 đã có 32 công ty dầu khí ở Mỹ tuyên bố phá sản với tổng số nợ là 49,7 tỷ USD, trong đó có 29 tỷ USD nợ không có tài sản bảo đảm. Năm nay ghi nhận 2 nhà sản xuất dầu đá phiến hàng đầu nước Mỹ là Whiting Petroleum và Chesapeake Energy nằm trong số các công ty xin phá sản.

Tổng cộng từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 7/2020, đã có 240 công ty dầu khí tuyên bố phá sản tại Bắc Mỹ với tổng số nợ đạt 171,38 tỷ USD, trong đó có 97,4 tỷ USD nợ không có tài sản đảm bảo. Các công ty phá sản chủ yếu là các doanh nghiệp đá phiến vừa và nhỏ. Tuy nhiên hai công ty được thị trường đánh giá tốt và chủ yếu hoạt động sản xuất dầu khí là California Resources và Denbury Resources đã trở thành cái tên tuyên bố phá sản tiếp theo trong tháng 7 vừa qua.

Trong năm 2020 cũng ghi nhận 25 công ty dịch vụ dầu khí phá sản với khoản nợ 29,3 tỷ USD. Các công ty dịch vụ dầu khí thực hiện các hoạt động khoan, khai thác nứt vỡ vỉa thủy lực, cải tạo giếng và xử lý sự cố, đóng vai trò then chốt trong hoạt động sản xuất dầu đá phiến. Tính từ đầu năm 2015 đến hết tháng 7 vừa qua, đã có 221 công ty dịch vụ dầu khí phá sản tại Bắc Mỹ với tổng số nợ trên 93 tỷ USD. Các công ty dịch vụ dầu khí đang phải chịu thiệt hại nhiều tỷ USD do các công ty dầu mỏ cắt giảm chi tiêu vốn, nhất là cắt giảm hoạt động khoan và nứt vỡ vỉa thủy lực.

Theo khảo sát mới nhất của Haynes và Boone, hầu hết các nhà đầu tư tin rằng giá năng lượng thấp sẽ kéo dài trong một thời gian dài. Do đó, các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí đá phiến không có hiệu quả kinh tế. Các công ty dầu mỏ Mỹ đã giảm đáng kể cổ tức hoặc ngừng trả cổ tức, không mua lại cổ phần. Hơn nữa, với giá dầu hiện tại, phần lớn các công ty đá phiến ghi nhận lỗ ròng.

Nếu không có dòng tín dụng ổn định từ các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, các công ty đá phiến không thể tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, các khoản vay là cần thiết để tái cấp vốn cho khoản nợ khổng lồ phát sinh trong thời kỳ "bùng nổ đá phiến". Tuy nhiên, các ngân hàng ngày càng từ chối cung cấp cho các công ty dầu mỏ Mỹ các khoản tín dụng mới. Bằng chứng rõ nét là ngày càng có nhiều công ty đá phiến phá sản.

Rystad dự báo gia tăng số công ty phá sản

Sự sụt giảm nhu cầu năng lượng do đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ. Các chuyên gia của Rystad Energy cho rằng hầu hết các công ty dầu mỏ Mỹ không thể tồn tại ở mức 40 USD/thùng. Cùng lúc đó thì đánh giá mới nhất của Rystad Energy cho rằng số vụ phá sản trong ngành công nghiệp đá phiến sẽ tăng lên trong hai năm tới, theo đó, 190 công ty đá phiến sẽ phá sản trong giai đoạn 2020 - 2022 so với 207 công ty phá sản trong giai đoạn 2015 - 2019. Đồng thời, tổng số nợ của các công ty trong giai đoạn 2020 - 2022 sẽ lên tới 168 tỷ USD, cao hơn 36% so với giai đoạn 2015 - 2019.

Khoản nợ trung bình mà một công ty đá phiến phải trả trong năm 2020 vượt quá 1,55 tỷ USD, cao hơn gần 4 lần so với mức 460 triệu USD trong giai đoạn 2015-2019. Theo dự báo của Rystad Energy, tổng số nợ của các công ty đá phiến phá sản dự kiến sẽ vượt qua mức kỷ lục của năm 2016 là 56,7 tỷ USD. Các chuyên gia của Rystad cũng phân tích hiệu quả tài chính đối với khoảng 10.000 công ty dầu khí độc lập tại Bắc Mỹ. Kết quả cho thấy, với giá dầu WTI ở mức 40 USD/thùng thì hầu hết các công ty này bị phá sản.

Việc giá dầu WTI tăng lên 40 USD/thùng đã giúp nhiều công ty dầu độc lập tránh được cảnh phá sản trong tháng 6 và tháng 7. Nhưng mức giá này sẽ đe dọa đến các công ty này trong trung hạn. Nhiều công ty đã mua bảo hiểm sản lượng trong năm nay với giá WTI là 50 USD/thùng. Nhưng trong nửa cuối năm 2020, thời kỳ bảo hiểm rủi ro sẽ kết thúc. Vì vậy, nếu giá dầu không tiếp tục tăng, các vấn đề tài chính đối với lĩnh vực đá phiến sẽ tăng lên.

Những chuyên gia hàng đầu của Rystad Energy thừa nhận rằng, sự sụp đổ ngành đá phiến chỉ còn là vấn đề thời gian nếu giá dầu WTI không thể tăng trên 50 USD/thùng. Chính quyền của Tổng thống Trump đã thực hiện mọi cách để hỗ trợ các công ty đá phiến: giảm đáng kể thuế doanh nghiệp, dỡ bỏ hạn chế về môi trường, cho phép tiếp cận các khoản vay ưu đãi, buộc FED hạ lãi suất cơ bản xuống 0-0,25%. Tuy nhiên, các biện pháp này đều không mang lại tác dụng. Những tác động nặng nề của đại dịch đẩy Mỹ rơi vào khủng hoảng và ngành công nghiệp đá phiến trở thành gánh nặng cho nền kinh tế số 1 thế giới.

Các tập đoàn dầu khí hàng đầu từ chối sở hữu dầu đá phiến

Trong thời gian gần đây, ý kiến phổ biến của các chuyên gia dầu khí cho rằng, sự phá sản của các công ty đá phiến sẽ không dẫn tới sụt giảm sản lượng khai thác của Mỹ. Những nhà sản xuất hàng đầu như ExxonMobil và Chevron sẽ thay thế các vụ phá sản. Họ sẽ mua lại các tài sản mất giá, tổ chức lại các công ty phá sản, tái cấu trúc các khoản nợ và ngăn chặn sự sụt giảm sản lượng. Tuy nhiên, các tập đoàn hàng đầu đã từ chối mua tài sản đá phiến đã mất giá. Thỏa thuận duy nhất trong năm 2020 đến nay là việc Chevron sở hữu công ty dầu khí độc lập Noble Energy. Theo kết quả kinh doanh quý II/2020, Noble Energy ghi nhận khoản lỗ ròng 408 triệu USD.

Từng là tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, song ExxonMobil hiện tại không có ý định sở hữu các công ty dầu độc lập trong tương lai gần do hãng gặp khó khăn về tài chính. Giá trị vốn hóa thị trường giảm khiến cổ phiếu của hãng bị loại khoảng Chỉ số Công nghiệp Dow Jones, ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ của giới đầu tư đối với cổ phiếu của hãng. Báo cáo của ExxonMobil trong năm này cũng chỉ ra, hoạt động khai thác dầu tại Mỹ không mang lại hiệu quả kinh tế, giống như thời điểm Tổng thống Trump tiến hành cải cách thuế.

Không giống như các công ty dầu khí độc lập, cả Chevron và ExxonMobil vẫn tiếp cận được các nguồn tài chính ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng vì lý do kinh tế khó khăn nên không vội vàng "giải cứu" ngành đá phiến mà ưu tiên đầu tư vào các tài sản khác bên ngoài nước Mỹ như Iraq, Guyana hoặc Tây Phi.

Các công ty dầu khí châu Âu cũng dần rút khỏi hoạt động sản xuất dầu đá phiến. Vào đầu tháng 5/2020, Shell đã bán toàn bộ tài sản của mình tại Appalachia, lưu vực sản xuất hơn 1/3 lượng khí thiên nhiên của nước Mỹ. Ngày 27/8/2020, tập đoàn dầu khí Na Uy Equinor cũng thông báo cắt giảm toàn bộ hoạt động khoan đá phiến tại Bắc Mỹ.

Tổng kết lại có thể thấy, sự phá sản của các công ty dầu khí độc lập tại Mỹ và sự từ chối mua lại tài sản đá phiến mất giá của các tập đoàn dầu khí hàng đầu sẽ dẫn đến sự sụt giảm sản lượng dầu thô và khí đốt tại nước này.

Phạm TT

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/voi-gia-dau-hien-nay-su-sup-do-cua-nganh-da-phien-my-chi-con-la-van-de-thoi-gian-577493.html