Với FIFA, VAR hỗ trợ trọng tài, giáo dục cầu thủ

Vào thời điểm FIFA đưa ra bản tổng kết sơ bộ về hệ thống video hỗ trợ trọng tài (VAR) tại World Cup 2018, trận chung kết và tranh hạng 3 chưa diễn ra. Tuy nhiên, thống kê cho thấy VAR đã được sử dụng trong hơn 440 tình huống ở 62 trận đấu, trong đó có 19 tình huống được xem lại.

Thử nghiệm thành công?

Gần như mọi World Cup đều có những sự kiện mang tính đột phá. Chẳng hạn như… trận chung kết đầu tiên được quyết định bằng thi đá 11m là năm 1994; Laurent Blanc ghi bàn thắng vàng đầu tiên năm 1998; hai nước cùng đăng cai năm 2002; World Cup 2006 là giải đấu đầu tiên không có hat-trick; Nam Phi trở thành đội chủ nhà đầu tiên bị loại ở vòng 1 năm 2010; công nghệ goal-line và bọt làm hàng rào sút phạt được giới thiệu vào năm 2014. Và giờ, năm 2018, là VAR, một phát kiến công nghệ giúp trọng tài đưa ra những quyết định chính xác về bàn thắng, các tình huống thổi phạt 11m, thẻ đỏ, xác định lỗi.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết, VAR đã được sử dụng trong hơn 440 tình huống với 19 lần xem lại ở 62 trận đấu. Với VAR, những bàn thắng được ghi ở các tình huống việt vị đã kết thúc. “VAR không thay đổi bóng đá, VAR đang làm bóng đá sạch hơn, trung thực và rõ ràng hơn, giúp các trọng tài đưa ra những quyết định chính xác” - ông Infantino cho biết.

Thống kê của FIFA cho thấy, tỉ lệ chính xác trong các quyết định của trọng tài đã tăng từ 95% lên 99,2%. Theo chủ tịch FIFA, VAR đã có tác dụng “giáo dục” các cầu thủ bởi với 33 camera truyền hình, mọi diễn biến trên sân được theo sát và họ sẽ không dám có những hành vi đánh nguội, ăn vạ, đẩy người, kéo người. Bằng chứng là trong 62 trận đấu mà FIFA thống kê không có bất cứ thẻ đỏ nào cho lỗi nguy hiểm, cho dù ở trận Bồ Đào Nha - Iran, có vẻ như trọng tài đã bỏ qua tình huống Cristiano Ronaldo vung tay vào mặt cầu thủ Morteza Pouraliganji của Iran.

Những tranh cãi chưa dứt

Tuy vậy, bản tổng kết sơ bộ của FIFA cũng không xóa bỏ được một thực tế rằng, chính VAR là cụm từ gây tranh cãi nhiều nhất trong giai đoạn vòng bảng World Cup 2018. Hãng tin AP đã thống kê có ít nhất 5 trận đấu bị tác động bởi VAR, trong khi tờ Marca của Tây Ban Nha thống kê có 6 trận đấu.

Đồng thời, Marca cho rằng, vì có VAR, cục diện các bảng B, C và F đã có sự thay đổi. Nghĩa là các nhánh đấu dễ và khó sẽ không như những gì đã diễn ra. Chẳng hạn như tại bảng B, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ đảo vị trí cho nhau, và Tây Ban Nha sẽ phải gặp Uruguay thay vì là Bồ Đào Nha ở vòng 1/8. Trong khi đó ở bảng C, Pháp và Đan Mạch cũng đảo vị trí. Lúc đấy, Đan Mạch sẽ gặp Argentina và Pháp gặp Croatia.

Tương tự như vậy là ở bảng F giữa Thụy Điển và Mexico, theo đó thì Mexico sẽ gặp Thụy Sĩ, còn Thụy Điển gặp Brazil.

Đó là chưa kể rất nhiều tình huống khác có liên quan đến bàn thắng hoặc các pha bóng nên thổi phạt hay không thổi phạt 11m ở các trận Brazil - Thụy Sĩ, Anh - Tunisia, Argentina - Nigeria…

Sau cùng thì một mặt VAR đã nâng chất lượng cầm còi của các trọng tài, một mặt VAR vẫn bị chỉ trích vì dù đã có công nghệ hỗ trợ, mọi tình huống vẫn do con người quyết định; thời gian để trọng tài đưa ra quyết định luôn làm gián đoạn trận đấu; niềm vui, cảm xúc sẽ bị hụt hẫng nếu một pha bóng cần được xem lại và các trọng tài World Cup còn thiếu kinh nghiệm về công nghệ.

Và VAR không được sử dụng từ vòng knockout

Như đã nói ở trên, trong giai đoạn vòng bảng, VAR được sử dụng thường xuyên nhưng thật ngạc nhiên là từ vòng knockout, cụm từ VAR đã không còn được nhắc đến.

Không rõ có phải vì FIFA không muốn VAR bị chỉ trích thêm nữa sau vòng bảng hay không, thực tế thì ở vòng knockout cũng đã xuất hiện một số tình huống gây tranh cãi nhưng VAR lại không được sử dụng đến. Chẳng hạn như ở trận đấu giữa Tây Ban Nha và Nga tại vòng 1/8, trong pha bóng trung vệ Gerard Pique để tay chạm bóng và bị thổi phạt 11m. Điều đáng nói là trọng tài Bjorn Kuipers không tham khảo VAR nhưng đã thổi phạt Pique. Trên chấm 11m, Artem Dzyuba gỡ hòa 1-1 cho Nga.

Thế nhưng, ở hiệp phụ, trong tình huống mà Sergio Ramos và Pique đã bị các hậu vệ Nga phạm lỗi trong vòng cấm, Kuipers không phát hiện ra nhưng khi xem lại VAR, ông lại không cho Tây Ban Nha được hưởng 11m.

Rồi tiếp đó là trận Brazil - Bỉ ở vòng tứ kết, khi cầu thủ Brazil yêu cầu trọng tài xem VAR sau các tình huống Neymar và Gabriel Jesus bị phạm lỗi trong vòng cấm, họ đã bị từ chối.

Ít nhất thì so với vòng bảng, việc VAR ít được nhắc đến cũng có nghĩa VAR ít bị chỉ trích hơn.

MẠNH HÀO

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/voi-fifa-var-ho-tro-trong-tai-giao-duc-cau-thu-618836.ldo