Với 5G, cuộc phẫu thuật tim từ xa đầu tiên trên thế giới đã thành công

Tại Ấn Độ, một robot đã giúp bác sĩ thực hiện thành công một cuộc phẫu tim từ xa đầu tiên trên thế giới. Đánh dấu một mốc phát triển mới của công nghệ và y học trên thế giới.

Cuộc phẫu thuật tim từ xa đầu tiên trên thế giới đã thành công với cả 5 bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

Cuộc phẫu thuật tim từ xa đầu tiên trên thế giới đã thành công với cả 5 bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

Phẫu thuật từ khoảng cách 30 km

Cuộc phẫu thuật trên được công bố trên tạp chí y khoa The Lancetftime EClinicalMedicine. Với khoảng cách 32 km (20 dặm), các bác sĩ phẫu thuật đã kiểm soát một cánh tay robot để thực hiện phẫu thuật tim cho 5 bệnh nhân với sự hợp tác của bệnh viện Apex Heart Institute và Tiến sĩ Tejas Patel vào tháng 12. Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu tiềm năng phát triển hơn nữa về khả năng điều trị từ xa với công nghệ 5G.

Theo báo cáo, cả năm bệnh nhân đều bị bệnh động mạch vành, đây là bệnh tim do mạch máu vành tim bị nghẽn đưa đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Các bác sĩ đã đặt một Stent trong mỗi mạch máu bệnh nhân để mở nó ra, cho phép máu lưu thông trở lại.

Các tác giả lưu ý rằng ca phẫu thuật này đã thành công trên tất cả các khía cạnh, đối với năm bệnh nhân và không ai trong số họ gặp phải các biến chứng.

Việc sử dụng robot trong phẫu thuật không phải là mới, nó đã được tiến hành từ năm 2001, tuy nhiên sự thành công của cuộc phẫu thuật từ xa này có thể là bước tiến đột phá để điều trị bệnh tim.

Trao đổi tại một tọa đàm về tim mạch năm 2018, PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết bệnh tim mạch đã và đang là gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số một trên toàn cầu. Có đến 17,5 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh liên qua đến tim mạch và con số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều. Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về con số, tuy nhiên thống kê nguyên nhân tử vong hàng đầu tại các bệnh viện là do bệnh lý tim mạch.

Tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế

Các cuộc phẫu thuật từ xa sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân ở các quốc gia kém phát triển hoặc khu vực nông thôn hiện đang yếu kém về các dịch vụ y tế về bệnh tim. Các tác giả lưu ý rằng công nghệ này có thể được triển khai, như một dịch vụ tiền tuyến ở những khu vực không có chuyên môn như vậy, nếu được kết hợp với các cải tiến về kết nối mạng.

Đặc biệt, với công nghệ mạng 5G đã cho phép tiến hành các quốc phẫu thuật từ xa với cánh tay robot. Mạng 5G là thế hệ kết nối internet di động tiếp theo, cung cấp tốc độ nhanh hơn và kết nối đáng tin cậy hơn bao giờ hết. Khả năng kết hợp công nghệ này với robot có khả năng thay đổi mô hình điều trị trong chăm sóc sức khỏe, giúp bệnh nhân tiếp cận nhanh chóng với các chuyên gia lành nghề trên toàn cầu.

Trước đó, tại Đại hội Di động thế giới 2019 ở Barcelona (Tây Ban Nha), bác sĩ Antonio de Lacy, Trưởng khoa Tiêu hóa thuộc Bệnh viện Clinic Barcelona, đứng trước một màn hình lớn kết nối mạng 5G và trực tiếp hướng dẫn một ca phẫu thuật được thực hiện cách đó khoảng 5 km.

Mạng 5G có thể nhanh gấp 100 lần so với 4G và có khả năng cung cấp năng lượng cho xe tự lái, thực tế ảo, thành phố thông minh và robot kết nối mạng. Chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực khác có tiềm năng lớn.

5G có độ trễ gần như bằng 0 giữa các thiết bị và máy chủ, giúp bác sĩ Antonio có thể chỉ dấu trên màn hình gần như tức thời.

Hiện nay trên thế giới, mỗi năm có đến tầm 143 triệu cuộc phẫu thuật không thể thực hiện được vì thiếu nhân lực. Bác sĩ Antonio khẳng định với mạng 5G, con số này sẽ được giảm thiểu.

Tuy nhiên, theo Brian Gahsman - Giám đốc đầu tư của công ty tài chính Contego Capital Group lưu ý rằng ở các nước đang phát triển, do không có hệ thống chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ, chi phí thực hiện các cuộc phẫu thuật từ xa sẽ rất tốn kém.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thuc-hien-thanh-cong-cuoc-phau-thuat-tim-tu-xa-dau-tien-tren-the-gioi-158802.html