Với 40.000 lượt xe qua lại, mỗi ngày BOT An Sương thu bao nhiêu tiền?

Với 40.000 lượt xe qua lại mỗi ngày, BOT An Sương thu được ít nhất 600 triệu đồng/ngày, như vậy sau 28 năm, số tiền mà IDICO thu về có thể lớn hơn gấp nhiều lần so với vốn đầu tư.

Liên quan đến sự việc Trạm thu phí An Sương – An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) bị phản ứng vì thu phí quá thời hạn, trả lời VTC News, ông Lê Quốc Đạt - Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho biết, mỗi ngày trạm thu phí An Sương - An Lạc có khoảng 40.000 lượt phương tiện qua lại (tính cả trạm phụ).

Cụ thể, ngoài 1 trạm thu phí chính đặt trên Quốc lộ 1, BOT An Sương – An Lạc còn có nhiều trạm thu phí phụ khác đặt tại các nút giao ở Tỉnh lộ 10, Hương lộ 2, nút giao Gò Mây,… Đây cũng là những địa điểm chủ đầu tư BOT An Sương xây dựng bổ sung các hạng mục cầu vượt, kéo dài thời gian thu phí đến tháng 2/2033.

Như vậy, tính từ thời điểm bắt đầu thu phí vào ngày 2/1/2005, BOT An Sương có tổng thời gian thu phí lên đến 28 năm cho 14km đường. Với mức vé thấp nhất là là 15.000 đồng dành cho ô tô 4 chỗ, giá cao nhất là 80.000 đồng dành cho container, mỗi ngày BOT An Sương thu ít nhất 600.000 triệu đồng (mỗi năm thu ít nhất 216 tỷ đồng).

Theo tổng mức đầu tư cho đến thời điểm 2018 là gần 2.500 tỷ đồng, thực tế số tiền mà BOT An Sương có thể thu về qua hoạt động thu phí lớn hơn gấp nhiều lần.

Các tài xế vây quanh trạm thu phí An Sương - An Lạc để phản đối thời gian thu phí.

Các tài xế vây quanh trạm thu phí An Sương - An Lạc để phản đối thời gian thu phí.

Trước đó, trong kết luận sai phạm của các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hợp đồng BT, BOT tại TP.HCM vào năm 2017, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng: Dự án bổ sung 2 nút giao Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10 và Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10B, lắp đặt dải phân cách giữa làn xe cơ giới trên Quốc lộ 1, đoạn An Sương – An Lạc (hợp đồng BOT), TP.HCM đã sai phạm trong việc chỉ định Công ty IDICO làm chủ đầu tư mà không đăng tải phổ biến thông tin dự án để các nhà đầu tư khác tham gia.

Phản hồi lại kết luận thanh tra, UBND TP.HCM cho rằng việc giao Công ty IDICO thực hiện 2 dự án bổ sung dựa trên chủ trương của Thủ tướng.

Thực tế, trong 3 văn bản chứng nhận đầu tư của TP.HCM (do ông Nguyễn Hữu Tín và Lê Văn Khoa ký) đều thể hiện rõ khả năng tài chính yếu kém của IDICO trong việc thực hiện các hạng mục đầu tư bổ sung này.

Cụ thể, tại dự án đầu tư bổ sung lần 1 công trình cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10/Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 704,5 tỷ đồng, chủ đầu tư chỉ có gần 112 tỷ đồng, số còn lại (634 tỷ đồng, chiếm 85%), IDICO phải đi vay.

Một trạm thu phí mini của BOT An Sương.

Tương tự, tại 2 dự án đầu tư bổ sung ở nút giao Hương lộ 2/Tây Lân/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng; công trình cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn/Nguyễn Thị Tú/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 511,5 tỷ đồng, IDICO đều chỉ có 15% vốn và phải vay đến 85% tổng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, UBND TP.HCM cho rằng, các hạng mục bổ sung sau này không phải là một dự án độc lập mà thuộc phạm vi tuyến đường An Sương - An Lạc nên không thể đầu tư độc lập theo hình thức BOT mà phải gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương - An Lạc. Vì vậy, việc giao lại cho IDICO là hoàn toàn hợp lý.

“Các bản hợp đồng, phụ lục hợp đồng BOT về các công trình bổ sung, thực hiện thời gian thu phí mới đến 2033 mà IDICO ký với các cơ quan có thẩm quyền và được UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư mới là đúng với quy định pháp luật.

Việc các tài xế phản ứng là do chủ đầu tư chưa thông tin đầy đủ, kịp thời nên bị hiểu nhầm thu phí quá thời gian. Hiện tại nếu tài xế nào có thắc mắc chúng tôi đều có người giải thích”, ông Lê Quốc Đạt, Phó Giám đốc IDICO cho biết.

Tân Nguyên

Nguồn VTC: https://vtc.vn/voi-40000-luot-xe-qua-lai-moi-ngay-bot-an-suong-thu-bao-nhieu-tien-d443695.html