Võ Vườn xưa

Không biết từ lúc nào mà khi nói đến chuyện học võ người ta lại nghĩ ngay đến hình ảnh của các võ sĩ, nào là phải thực chiến, phải bước lên võ đài để chứng thực trình độ võ công của mình, ngoài ra chỉ là võ múa, rối rắm vô tích sự. Thậm chí vì nôn nóng đào tạo ra các võ sĩ vô địch, có người còn bắt trẻ em phải đội gạch lên đầu mà đập, nâng đá lên bụng mà vổ, bất chấp các em còn non yếu, hậu quả ra sao.

Việc luyện tập võ nghệ làm cho con người hướng thiện.

Việc luyện tập võ nghệ làm cho con người hướng thiện.

Họ không hiểu, hoặc không chịu hiểu việc học võ có nhiều tiêu chí khác nhau, tùy theo giới tính và tuổi tác mà có phương pháp tập luyện khác nhau cùng với mục đích học võ của mình. Có nhiều người khi thấy các môn sinh võ cổ truyền luyện tập binh khí thì chế giễu:” Đi ra đường chắc phải vác theo mấy món này để tự vệ !”. Họ đâu hiểu được tâm tư tình cảm của người học võ cổ truyền. Ngoài lòng ham thích, người học võ còn muốn gìn giữ những đường nét hào hùng của cha ông ta mà nhờ nó đã chiến thắng trong công cuộc giữ nước và dựng nước.

Cũng như văn hóa, nền tảng võ thuật của một nước phải dựa vào yếu tố con người, hoàn cảnh lịch sử, địa lý cùng nề nếp sinh hoạt của dân tộc đó. Người Việt Nam có thể trạng nhỏ bé, nên xưa công cuộc chiến đấu chống kẻ thù không thể dựa hoàn toàn vào sức mạnh mà phải dựa vào sự khéo léo, mưu lược.

Võ Vườn cũng không ngoại lệ. Đấu pháp Võ Vườn cũng theo đó mà hình thành, gói gọn trong sáu chữ: Tràn, Lách, Tránh, Né, Lặn (lòn), Hụp (ngồi, quì, nửa quì nửa ngồi). Ông bà ta xưa dạy võ cho con cháu chỉ nhằm mục đích hộ thân, chứ không nhằm để xiển dương môn phái, nên chỉ dùng từ ngữ nôm na, dễ gần, dễ nhớ; ngay cả những người không biết võ nghệ cũng có thể mường tượng ra được.

Trong đấu pháp, trước tiên phải xét đến tương quan giữa ta và đối thủ: Thể trạng, tâm lý, đông hay ít người. Địa thế, đường đất trơn trợt, bằng phẳng, cao hay thấp, không gian rộng hẹp, hướng gió (để hất bùn, cát), ánh nắng mặt trời (chói mắt). Không thể đứng trong quán cà phê mà bay nhảy hoặc múa roi (gậy) trong đường hẻm. Cuối cùng là tình huống, sự việc diễn tiến như thế nào để tùy nghi ứng biến. Không hiếm những trường hợp “tránh voi không xấu mặt nào”, “tẩu vi thượng sách” hoặc giả “la làng” (sư tử hống), hoặc “vừa ăn cướp vừa la làng".

Người viết đã từng chứng kiến một vụ xô xát ở bến xe lôi. Một thanh niên nhảy qua đầu xe đá vào mặt người đang tranh cãi. Người bị đá ngã bật ra sau, mặt đầy máu nhưng gượng đứng dậy được, còn người đá khi rơi xuống chân vướng vào tay cầm xe lôi ngã đập đầu xuống đất bất tỉnh. Lần khác, một người dùng chân đá bay con dao của kẻ say rượu, nhưng bàn chân anh ta đã bị một vết thương khá sâu, chỉ tại vì anh ta mang "dép Lào" (!).

Cả hai trường hợp trên đều có mắc lỗi về đấu pháp. Một về địa thế, một về tình huống. Trường hợp sau, phải xét xem kẻ say rượu ấy có gây hại cho ai tức thời không?. Hay chỉ quơ múa một hồi rồi lăn ra ngủ. Người say rượu thường không làm chủ được mình, chân cẳng liêu xiêu, ta có thể lừa thế đoạt lấy dao một cách nhẹ nhàng mà không cần phải tung ra một cú đá mạnh bạo như vậy.

Trở lại 6 chữ trong đấu pháp võ xưa, ta thử bàn về chữ: Hụp (ngồi thụp). Người xưa dặn: đi đêm hôm, nếu có người từ trong bóng tối nhảy ra tấn công, ta không nên vội vàng đưa tay ra đỡ khi không biết (thấy) đối phương có dùng dao, búa hay không.

Nhảy tránh chăng? Đứng trên bờ ruộng bờ mương mà nhảy tránh thì chuyện lọt mương té ruộng là điều không tránh khỏi. Lúc này ta hãy ngồi thụp xuống, hai tay che đầu, hành động này khiến cho đối phương bị bất ngờ, mất phương hướng, đòn đánh trượt hoặc quá tầm.

Động tác này nhanh hơn nhảy tránh một nhịp, trong đêm tối người ngồi bao giờ cũng có tầm nhìn rõ hơn người đứng (cũng áp dụng trong quân đội), Hành động tiếp theo tùy theo khả năng của mỗi người, có thể đánh vào hạ bộ, vào chân hoặc hốt ngựa (bắt chân đánh ngã) nhưng tuyệt đối không được ôm vật. Có người đã bỏ mạng vì cách rình bắt ăn trộm kiểu trên!

Người dạy và học võ xưa như người trong một nhà.

Cũng như mọi môn võ khác, các môn học gồm có: Bộ pháp (thế Tấn ), Thủ pháp, Cước pháp, Thân pháp, Thảo bộ (bài quyền), Thế pháp (Công, trừ, phản, biến) và cuối cùng là Đấu pháp. Ngán nhất là phần luyện Tấn (đứng tấn).

Ngày xưa tập võ ban đêm ở sân vườn, thắp đèn dầu tranh tối tranh sáng, lại không có đồng hồ nhiều như bây giờ nên thời gian đứng tấn được tính bằng cây nhang. Cây nhang nằm ngang cột sợi chỉ nối với đồng xu, dưới để một cái dĩa, được phân từng đoạn tương ứng với thời gian năm mười phút hoặc hơn.

Nhang cháy tới làm đứt cọng chỉ, đồng xu rớt xuống dĩa tạo ra tiếng kêu, lúc này người tập mới được phép đứng lên. Dạy quyền cước thì ở sân trước, nhưng đến khi phân thế thì ở sân sau. Chính vì lý do đó mà người ta thường nghĩ thầy võ xưa hay giấu nghề.

Thật ra thì không trách họ được, vì võ xưa thường có nhiều đòn hiểm mà động tác thì đơn giản, rất dễ bắt chước. Ví dụ như đòn thế "Kim kê độc lập" được mệnh danh là "Võ lâm đệ nhất chiêu", đòn "Xạ nhạn vân trung" thường đánh mù mắt đối phương.

Trở lại chuyện học võ, Thầy tôi vốn trước đây là dân lang bạt kỳ hồ, chu du tứ xứ, giao tiếp nhiều, học hỏi nhiều nay về già vui cảnh điền viên, nhận năm ba đứa học trò để làm vui. Người học chủ yếu là con cháu trong thôn ấp, xa hơn nữa là ở làng bên.

Có người thắc mắc về võ phái thì Thầy tôi chỉ nói gọn: võ Vườn (bài 13 võ Vườn). Nếu có người đến xin học, Thầy tôi hỏi tên tuổi và lặng lẽ quan sát người đối diện (xem tướng). Không đồng ý, Thầy tôi sẽ dùng lời nhẹ nhàng khuyên nên tìm thầy khác mà học. Ngược lại, Thầy sẽ viện lý do sắp xếp công việc hẹn lần sau.

Thật ra Thầy muốn thử lòng quyết tâm của người cầu học. Chỉ hai ba tuần sau quay lại thì Thầy sẽ nhận ngay. Sau đó Thầy sẽ chọn ngày lành, tháng tốt để cúng Tổ nhập môn. Lễ vật gồm có trà, bánh và mỗi đứa xách theo một con gà trống tơ, món cúng là cháo gà. Đặc biệt là mỗi đứa phải làm dấu cặp chân gà của mình để Thầy nhìn đoán xem việc học võ của mỗi đứa ra sao.

Tôi còn nhớ, khi Thầy nhìn thấy cặp chân gà của tôi với các ngón chúm lại co vào trong, Thầy nói: Con tuy ốm yếu hơn các bạn nhưng sau này con sẽ giữ được nghề. Ngoài ra Thầy tôi còn xem vảy vi chân gà của mỗi đứa để đoán xem tính khí của mỗi người, có phản Thầy, phản bạn hay không. Rất tiếc những điều đó Thầy không bao giờ nói ra.

Không như các lớp võ bây giờ, người dạy và học võ xưa như người trong một nhà. Thầy trò như cha con, bạn đồng môn như thủ túc, người học trước là anh, người học sau là em không phân biệt tuổi tác, trình độ cao thấp. Mỗi buổi học xong, ngồi quây quần bên nhau ăn cháo đậu xanh với đường táng thật là ấm áp, kỷ niệm khó quên. Sau này mỗi người mỗi ngã nhưng vẫn luôn nhớ về nhau!

Trước khi Thầy mất, bọn tôi có đưa Thầy đến thăm một võ đường của người nước ngoài. Nhìn phòng tập khang trang, dụng cụ tập tân tiến đầy đủ, quần áo chỉnh tề, Thầy tôi buồn buồn nói: Võ của người ta luyện tập là vậy, còn võ của mình chỉ quanh quẩn nơi xó vườn thì làm sao tranh hơn thua được với người! Tất cả bọn tôi đều rơm rớm nước mắt.

Thầy ơi! Dẫu biết rằng mọi học thuật trên thế giới này đều phải luôn cải đổi và kiến tạo cho phù hợp với nền văn minh tiến bộ. Nhưng những gì chúng con học ở Thầy là vốn quí của người xưa còn xót lại mà ông cha ta đã có công gìn giữ và hãnh diện vì nó. Nó là văn hóa, là hồn của dân tộc. Chúng con xin cúi đầu kính cẩn trước vong linh của Thầy!

Trường Uẩn

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ban-doc/vo-vuon-xua-20190628205510756.htm