Vợ từ chối lương giám đốc 50 triệu, xin làm nhân viên để giữ hạnh phúc gia đình

Nhiều tiền mà bỏ bê gia đình, đến lúc có nhiều tiền thì cũng là lúc mất tất cả trong tay.

Vừa dựng xe ở cổng, chị đã nghe thấy tiếng hàng xóm lời ra tiếng vào: “Làm giám đốc có khác, lên xe xuống ngựa, tiền thì nhiều, sướng thật đấy thế nhưng rồi gia đình chẳng biết như thế nào đâu”.

Đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên chị nghe thấy những câu đấy. Và đương nhiên tất cả chị đều bỏ ngoài tai rồi, vì đơn giản, chị đang nghĩ rằng họ ghen ăn tức ở với gia đình chị, với công việc của chị. Cũng đúng thôi, thử nhìn xem cả cái khu này có mấy người được như vợ chồng anh chị. Anh làm kỹ sư, chị làm giám đốc. Thu nhập của hai vợ chồng dư giả, chẳng bao giờ phải lo chuyện kinh tế. Con cái thì học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Công việc ở nhà thì đã có giúp việc lo. Ngày nào cũng có những bữa ăn nóng sốt. Đó chẳng phải là điều mà tất thảy mọi người đều mong ước đấy hay sao.

Công việc của chị khá bận rộn. Thậm chí còn bận hơn cả anh. Thì làm giám đốc ai chẳng như vậy, 1 tháng họ trả cho mình 50 triệu tiền lương cũng là để mình hoàn thành tốt công việc thôi mà. Chị thường xuyên phải đi công tác, họp hành, tiếp khách triền miên. Có nhiều hôm con cái gọi điện mong mẹ về ăn cơm, đồng ý rồi lại chẳng về được.

Ngày nào về nhà chị cũng đều thấy các con chị đều đã say giấc. Thấy chồng làm việc, chị cũng bật máy tính lên làm việc. Vậy là có khi cả ngày, hai vợ chồng cũng chỉ nói chuyện được với nhau vài câu coi như là có. Mỗi lần họp phụ huynh cho con, hầu như toàn là chồng chị đi. Mà nếu như anh cũng bận nốt thì chị đành xin phép cô giáo hôm khác gặp sau. Chị nghĩ rằng chỉ cần kiếm được nhiều tiền, lo đầy đủ cho cuộc sống của các con không thua kém bất cứ ai. Còn chuyện vợ chồng anh chị, là chồng ai chẳng thích nở mày nở mặt. Có vợ kiếm được tiền như chị, chẳng lẽ anh lại không thấy mát mặt hay sao? Cho đến khi chị tận tai nghe được những điều ấy…

Chị vô tình đọc được cuốn nhật ký của con chị. Trong đó con bé thường xuyên tâm sự rằng nó mong có mẹ ở bên cạnh nhưng mẹ vì bận rộn quá nên chẳng quan tâm gì đến nó. Chị chợt nhớ có lần con nằm viện ốm, vì công việc đột xuất, chị đành nhờ ông bà chăm hộ, còn chị phải đi lo công việc. Rồi còn nhiều lần khác như sinh nhật con, cuối tuần hứa đưa con đi chơi, chị cũng chẳng ở bên con được. Chị thấy xót xa lắm khi con gái chị nói rằng, chị yêu tiền hơn yêu con.

Nhất là về phía anh. 1 lần say rượu, chị giật mình khi thấy anh nói rằng anh không cần vợ làm giám đốc. Anh chỉ cần một người vợ bình thường, kiếm ít tiền thôi nhưng biết chăm lo cho gia đình. Với lại ai cũng nói anh kém cỏi, không lo được cho vợ con mới phải để vợ con bươn chải, thậm chí kém cả vợ về trình độ. Chị còn đọc được tin nhắn của một cô gái lạ nhắn cho anh, toàn những lời lẽ mật ngọt. Nghe chừng có vẻ cô ta đang muốn mồi chài chồng chị. Anh thì từ chối nhưng chị sợ anh sẽ không thể từ chối lâu hơn được. Tất cả cũng từ chuyện chị quá bận rộn, không quan tâm gì đến gia đình, chồng con mà ra thôi.

Chị sợ rằng nếu câu chuyện này cứ tiếp diễn, rất có thể một ngày chị sẽ không có cơ hội được ở bên cạnh gia đình mình, một cách trọn vẹn nhất nữa. Chị đột ngột xin từ chức, chị quyết định chuyển xuống làm ở bộ phận khác, một nhân viên bình thường, lương chỉ 10 triệu/tháng nhưng chị có thể có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho gia đình của mình. Việc chị từ chức, ai cũng nói chị dại nhưng chị thấy đó là cần thiết. Chồng chị anh còn vui mừng ủng hộ chị nữa.

Phụ nữ, ngoài kiếm tiền ra, còn cần phải biết quan tâm, vun vén cho gia đình của mình. Nhiều tiền mà bỏ bê gia đình, đến lúc có nhiều tiền thì cũng là lúc mất tất cả trong tay. Phụ nữ kiếm tiền vừa là để lo cho cuộc sống của bản thân mình, cùng chồng vun vén cuộc sống chung. Phụ nữ kiếm tiền cũng là không để mang tiếng ăn bám chồng, được chồng tôn trọng. Tiền quan trọng, cũng là thứ để duy trì hạnh phúc gia đình, nhưng tiền lại không phải là điều duy nhất khiến gia đình hạnh phúc. Gia đình thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ sẽ khó mà êm ấm được.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/vo-tu-choi-luong-giam-doc-50-trieu-xin-lam-nhan-vien-de-giu-hanh-phuc-gia-dinh-d149661.html