'Vỡ trận' phát triển năng lượng tái tạo

Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời, tại Việt Nam đã và đang rơi vào tình trạng 'rối như tơ vò'. Trong khi vấn đề hệ thống truyền tải không theo kịp công suất chưa thể giải quyết trong 'ngày một ngày hai' thì định hướng đấu thầu giá điện mặt trời cũng không phải là 'phép thần' ngay lập tức giúp tháo gỡ những khó khăn, bất cập.

Nguồn điện năng lượng tái tạo có tốc độ tăng trưởng tới 31,9%/năm trong giai đoạn 2013-2019. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nguồn điện năng lượng tái tạo có tốc độ tăng trưởng tới 31,9%/năm trong giai đoạn 2013-2019. Ảnh: Nguyễn Thanh

Hàng loạt điểm “nghẽn”

Thực tế cho thấy, dù chủ trương phát triển NLTT là đúng đắn, lộ trình có khởi đầu đáng khích lệ, song vẫn còn không ít điểm “nghẽn”, thách thức lớn trước mắt.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng phân tích: Trong lúc lập và trình duyệt Quy hoạch điện (QHĐ) VII điều chỉnh tại thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, vì chưa có cơ chế cụ thể, hỗ trợ thích đáng nên hầu như rất ít các dự án điện mặt trời, điện gió được đề xuất. Do vậy, báo cáo QHĐ VII điều chỉnh chỉ đưa vào ước tính một phần lớn lượng công suất các nguồn điện NLTT. Đây được xem như khoảng không gian cho việc xét duyệt các dự án đó khi được các chủ đầu tư đề xuất trong giai đoạn 2016-2020 và tới năm 2025. Chẳng hạn, QHĐ VII điều chỉnh đưa ra con số 800 MW điện gió và 850 MW điện mặt trời vào năm 2020. Quy mô trên 27.000 MW nguồn NLTT vào năm 2030 cũng là tính toán định hướng.

Giai đoạn 2013-2019 đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của các dạng nguồn điện từ NLTT. Trung bình hàng năm, tổng công suất nguồn điện tăng khoảng 10,6%, nhưng nguồn điện NLTT tăng với tốc độ là 31,9%/năm. Trong đó, điện gió là 48,3%/năm; điện sinh khối là 58,1%/năm và tăng cao nhất là điện mặt trời. Cụ thể, chỉ từ năm 2018 đến hết tháng 6/2019, công suất điện mặt trời đã tăng gấp trên 51 lần, từ 86 MW lên đến trên 4.400MW.

Đến nay, tỷ lệ công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (trừ thủy điện vừa và lớn) đã chiếm tới 15,4% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Tuy nhiên, điểm đáng nói là, mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu nguồn, nhưng sản lượng NLTT chỉ chiếm khoảng 1%.

Xuất phát từ yếu tố này nên không thể xuất hiện các đường dây và trạm biến áp truyền tải cho NLTT cụ thể theo từng năm. Các công trình lưới điện cho truyền tải nguồn NLTT không có căn cứ để được duyệt và đưa vào danh mục. Sau khi Quyết định 11/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ra đời vào tháng 4/2017 với cơ chế giá điện thực sự khuyến khích phát triển điện mặt trời, số lượng và tổng quy mô các dự án điện mặt trời được các chủ đầu tư đề xuất mới bùng nổ. Kết quả là, nhiều nhà máy điện mặt trời phải giảm phát từ 10-50% công suất. Ngay tháng 11/2019, Trung tâm Điều độ điện quốc gia cũng phải đề xuất giảm phát khoảng trên 440 W từ điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận mặc dù triển khai nhiều biện pháp tăng cường lưới, chống quá tải. “Sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió vừa qua đã gây ra các điểm nghẽn về truyền tải, thậm chí khá nhiều dự án không thể có được bản Thỏa thuận đấu nối vào lưới điện. Việc thiếu đồng bộ cần nhiều thời gian để khắc phục”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia nhìn nhận, trên thực tế, các địa phương có tiềm năng phát triển NLTT vẫn còn bị động trong hỗ trợ phát triển điện gió, điện mặt trời; chưa quy hoạch sử dụng đất cho loại hình mới này, mất thời gian, thủ tục bổ sung quy hoạch; chưa có quy trình về công bố thông tin dự án cho nhà đầu tư, chủ yếu là nhà đầu tư tự tìm địa điểm để xin cấp phép đầu tư, có khi chồng chéo quy hoạch, khó triển khai dự án… Những vướng mắc, rào cản nêu trên nếu không được sớm khắc phục, phát triển các nguồn điện NLTT sẽ không phát huy được hiệu quả, lãng phí nguồn lực xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư.

Từ góc độ địa phương, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển NLTT. Ninh Thuận đã khá chủ động trong nghiên cứu, đề xuất quy hoạch. Năm 2013, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên đề xuất QHĐ gió, được Bộ Công Thương phê duyệt trong năm 2013. Tuy nhiên, do không có định hướng, định hình chung về phát triển NLTT nên trong quá trình phát triển, địa phương gặp phải các tồn tại, vướng mắc triển khai, điển hình như trong vấn đề quy hoạch đất đai cho phát triển NLTT. “Trong phát triển NLTT, đặc biệt là điện mặt trời hiện nay, điểm nghẽn lớn nhất mà Ninh Thuận gặp phải chính là hệ thống truyền tải không giải quyết được công suất điện. Khá nhiều dự án điện mặt trời phải giảm phát, có dự án giảm phát tới 50%”, ông Hậu nói.

Chung tay gỡ khó khâu truyền tải

Dễ thấy, khó khăn vướng mắc trực diện nhất trong phát triển NLTT, đặc biệt là điện mặt trời hiện nay là khâu truyền tải. Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay: 2 địa phương điểm nóng là Ninh Thuận, Bình Thuận hiện tập trung quá nhiều dự án khiến lưới truyền tải chịu áp lực lớn. EVN chia sẻ với địa phương là đề nghị các chủ đầu tư cùng chung tay với EVN xây dựng hệ thống truyền tải, có thể từ nhà máy vào đường dây chính. Tuy nhiên, nguyên tắc cuối cùng là phải có quy hoạch, dù tư nhân hay Nhà nước làm thì đều phải có quy hoạch. “Dự kiến, đến tháng 6/2020, EVN sẽ hoàn thành các dự án đầu tư lưới để giải tỏa công suất điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận đã đưa vào vận hành trước 6/2019”, ông Tài Anh thông tin thêm.

Chia sẻ sâu hơn về chủ trương thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Kế hoạch quy hoạch (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo), Bộ Công Thương khẳng định: Bộ Công Thương rất ủng hộ việc xã hội hóa lưới truyền tải. Về đầu tư lưới truyền tải, trong Luật Điện lực có quy định là Nhà nước độc quyền trong truyền tải, cần phải làm rõ độc quyền cả đầu tư hay chỉ quản lý vận hành. “Cục đã tích cực nghiên cứu cơ chế chính sách để tìm ra giải pháp khuyến khích tư nhân đầu tư khâu truyền tải. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng. Cụ thể có thể áp dụng theo hình thức tư nhân đầu tư sau đó bàn giao cho ngành điện quản lý vận hành, thực hiện theo hướng hợp tác công tư. Tuy nhiên, cũng cần có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm rõ hơn khái niệm độc quyền nhà nước trong truyền tải. Bộ Công Thương đề xuất theo hướng độc quyền trong quản lý và vận hành còn hình thức đầu tư thì vẫn cho phép xã hội hóa”, ông Tuấn Anh nói.

Đấu thầu không phải “phép thần”

Xung quanh câu chuyện phát triển NLTT, đặc biệt là điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tuân thủ nguyên tắc tập trung cho những nơi có tiềm năng và lợi thế, có điều kiện phát triển tốt; cần phải tính toán cơ cấu các nguồn điện một cách khoa học và bài bản, phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin cho…

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Qua kinh nghiệm thế giới, sau khi áp dụng giá điện cố định (FIT) thì tiếp tới việc đấu thầu là đương nhiên. Đây là hình thức đảm bảo tính minh bạch nhất. Dự kiến đến năm 2021, sau khi giá FIT kết thúc sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi. Từ nay đến năm 2021, EVN sẽ cho đấu thầu một số dự án thí điểm.

Có 2 phương án đấu thầu. Thứ nhất là đấu thầu theo trạm biến áp. Ví dụ ở một khu vực có trạm còn đủ dung lượng để truyền tải công suất lên hệ thống thì có thể đấu thầu xung quanh khu vực đó các dự án chọn được giá thấp nhất, đảm bảo đủ lượng công suất. Hình thức thứ hai là giải phóng mặt bằng sạch, mời nhà đầu tư vào làm một phần hoặc toàn bộ dự án. Ví dụ điển hình như trường hợp của Campuchia, chỉ làm dự án phần nhà máy gồm tấm pin và điều khiển, còn đường dây và trạm, giải phóng mặt bằng... không làm.

Ở góc độ chuyên gia, ông Oliver Behrend, cán bộ đầu tư cao cấp, Bộ phận cơ sở hạ tầng, Tập đoàn tài chính quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: “Không nên quá ám ảnh về vấn đề đấu thầu. Một cơ chế đấu thầu cũng không giải quyết được hết vấn đề. Điều quan trọng là cần áp dụng đấu thầu với quy trình tốt để đảm bảo sàng lọc trước những bên tham gia, đồng thời cần có khung hợp đồng phù hợp để huy động được tài chính. Chúng ta cần có khung hợp đồng và cơ chế về huy động tài chính”.

Đồng quan điểm, bà Hyunjung Lee, Chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp Ban năng lượng, Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá: Đấu thầu không phải “phép thần” giải quyết được mọi vấn đề gặp phải. Có nhiều yếu tố đem lại đấu thầu thành công như tính cạnh tranh được tăng cường, nhà đầu tư thế giới có thể tham gia đầu tư dự án... “Các nhà phát triển dự án đều cạnh tranh nhau về mức giá nên tôi muốn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc chuẩn bị trước của Chính phủ. Đó là phương pháp, là quy trình thực hiện thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, giải quyết tốt các vấn đề như hợp đồng mua bán điện, cơ chế bồi thường, giảm phát...”, bà Hyunjung Lee nói.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/vo-tran-phat-trien-nang-luong-tai-tao-116627-116627.html