'Vỡ' thỏa thuận hạt nhân, 'tan' nhiều hợp đồng kinh tế

Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như khôi phục cấm vận đối với nước này gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại đây.

Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp có bài liệt kê “Những rủi ro của các tập đoàn nước ngoài tại Iran” khi lệnh trừng phạt Mỹ sẽ được áp dụng đầy đủ.

Các tập đoàn phương Tây làm ăn ở Iran từ năm 2015 giờ đây đều bị đe dọa bởi quyết định của chính quyền Mỹ. Bộ Tài Chính Mỹ gia hạn cho họ từ 90 đến 180 ngày để có thể hủy cam kết với Teheran, trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực kể từ ngày 4/11 tới.

Các trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu lửa của Iran, các giao dịch bằng USD với ngân hàng trung ương của nước này và cả những thiết bị hàng không xuất sang Iran, mua bán các loại kim loại… Các công ty nước ngoài đã hoạt động tại Iran cũng nằm trong diện bị Bộ Tư pháp Mỹ trừng phạt vì làm ăn với những đối tượng bị Mỹ cấm vận.

Theo Les Echos, các công ty châu Âu và đặc biệt là Pháp đã ùa vào Iran sau hiệp định được ký năm 2015, nhanh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Mỹ. Lần lượt Renault, PSA, Total rồi Airbus đều đã chiếm lĩnh thị trường đầy hứa hẹn này.

Các công ty Pháp có thể sẽ bị thiệt hại lớn, nhất là Airbus. Hợp đồng trị giá 10 tỉ euro của tập đoàn chế tạo máy bay này sẽ trở nên vô hiệu. Tập đoàn dầu khí Total, từ sau 2015 đã đổ hơn 3 tỉ euro đầu tư vào Iran. Hai nhà chế tạo xe hơi Pháp là Peugeot và Renault đang đà ăn nên làm ra ở Iran, mỗi năm bán ra thị trường này hàng trăm nghìn xe, nay hoạt động có thể bị đình trệ. Thặng dư thương mại của Pháp với Iran đã tăng từ 500 triệu euro năm 2015 lên 1,5 tỉ euro năm 2017.

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lo lắng, trong đó có hãng sản xuất máy bay Boeing.

Hãng sản xuất máy bay của Mỹ đã ký nhiều hợp đồng bán máy bay trị giá khoảng 20 tỷ USD cho các hãng hàng không Iran theo giá niêm yết.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã gỡ bỏ cấm vận với Iran, cho phép quốc gia này giao thương cởi mở để đổi lấy việc Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân. Thương vụ mua máy bay Boeing của các hãng hàng không Iran xuất phát từ thỏa thuận này. Tháng 12/2016, Boeing công bố hợp đồng bán 80 máy bay cho các hãng hàng không Iran, trong đó có 50 chiếc 737 MAX 8. Tháng 4/2017, Iran Aseman Airlines ký thỏa thuận mua 30 chiếc 737 MAX và được quyền mua thêm 30 chiếc nữa nếu cân nhắc. Khi thỏa thuận được ký kết, Boeing đã khẳng định đơn hàng sẽ hỗ trợ thu nhập cho 100.000 lao động Mỹ.

Dầu thô “nóng bỏng”

Nhờ có thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, Iran đã nâng sản lượng dầu đầu ra từ 2,7 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày; đồng thời, sản lượng dầu xuất khẩu tăng từ 1,1 triệu thùng/ngày trong suốt giai đoạn trước khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ lên 2,2 triệu thùng/ngày. Lượng dầu này là nguồn cung quan trọng cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, giúp Iran trở thành quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba trong OPEC.

Sau thông tin về việc Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran, giá dầu thô Brent lần đầu tiên trong gần 4 năm giao dịch ở mức 70 USD/thùng.

Dan Eberhart, CEO công ty dịch vụ dầu mỏ Canary LLC đánh giá: “Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ tạo lực đẩy đưa giá dầu lên mức cao hơn nhưng không ai biết chính xác là cao tới mức nào. Bởi điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm khối lượng dầu của Iran bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận, liệu các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn khác như Saudi Arabia, Mỹ có thể lấp đầy khoảng trống”.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/vo-thoa-thuan-hat-nhan-tan-nhieu-hop-dong-kinh-te/336130.vgp