Võ sư nổi tiếng cũng rơi vào 'bẫy' của Phòng khám Đa khoa nam khoa

Sau loạt bài trong chuyên đề 'Đau đớn đi khám Nam học', trong đó phản ánh thực trạng hoạt động bát nháo, 'vẽ bệnh moi tiền' ở không ít phòng khám chuyên Nam học, phụ khoa hiện nay, Báo ANTĐ tiếp tục nhận được phản ánh của bệnh nhân từng là 'nạn nhân' của Phòng khám Đa khoa. Bệnh nhân này là một võ sư có tiếng tại quận Hà Đông (Hà Nội).

Chuyên đề "Đau đớn đi khám Nam học của Báo ANTĐ đã thu hút được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của độc giả, trong đó chỉ ra những chiêu trò tinh vi để "vẽ bệnh, moi tiền" ở các phòng khám chuyên Nam học, phụ khoa có bác sĩ Trung Quốc tham gia.

Sau khi loạt bài được đăng tải, Báo ANTĐ tiếp tục nhận được phản ánh của anh Đặng Tam Thuận – võ sư, sáng lập viên Trung tâm Đào tạo Võ thuật Tài năng trẻ Việt Nam (số 21 phố Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) – về việc anh đã có trải nghiệm “khó quên” tại Phòng khám Đa khoa quận Hà Đông, Hà Nội.

Võ sư Đặng Tam Thuận cho biết, là người thường xuyên tập luyện võ thuật nên thời gian qua, anh bị đau mỏi vai, gáy nên muốn đi khám và điều trị dứt điểm.

Tương tự như anh Đ.B.S là nhân vật xuất hiện trong những kỳ đầu tiên của chuyên đề, võ sư Thuận cũng có thói quen tự tìm hiểu thông tin qua internet, và đọc đươc những lời giới thiệu “có cánh” của Phòng khám Đa khoa lại thấy địa chỉ phòng khám ở rất gần nơi làm việc nên võ sư Thuận đã “xuôi lòng”.

“Tôi đọc thấy thông tin quảng cáo của phòng khám đó nói là liệu trình chữa đau vai, gáy rất hiệu quả và đơn giản, không bị mất nhiều thời gian nên tôi chọn, bởi bình thường tôi khá bận rộn”, võ sư Đặng Tam Thuận cho biết.

Võ sư Đặng Tam Thuận không ngờ bản thân cũng rơi vào "bẫy" của phòng khám có lời quảng cáo hoa mỹ

Võ sư Đặng Tam Thuận không ngờ bản thân cũng rơi vào "bẫy" của phòng khám có lời quảng cáo hoa mỹ

Sau đó, khi tới Phòng khám Đa khoa đăng ký thì anh Thuận được một nhân viên dẫn lên tầng 5 và vào gặp một bác sĩ người Trung Quốc. Nữ y tá kiêm phiên dịch viên hỏi qua về hiện tượng của anh Thuận, sau đó, vị bác sĩ kiểm tra vùng cổ và vai, gáy của bệnh nhân này.

“Một lúc sau, bác sĩ bảo rằng họ có thể chữa hiệu quả, và cam đoan sẽ khỏi đến 95%. Tiếp sau đó, cô nhân viên nói về phương pháp điều trị là truyền thuốc vào đốt xương cùng, và bảo phương pháp này rất nhanh và hiệu quả. Tôi có hỏi nhiều lần và họ đều khẳng định là nhiều người bị nặng hơn tôi, khi đến đây đều chữa khỏi. Sau đó, họ đưa ra hai loại giá tiền. Hoặc là 6,8 triệu đồng, hoặc là 7,6 triệu đồng. Tôi chọn giá cao nhất vì nghe nói đây là cách tốt nhất để chữa khỏi. Sau đó tôi nộp tiền và điều trị”, võ sư Thuận kể.

Thời gian điều trị kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, khi nhân viên truyền một chai nước “gì đó” qua đốt xương cùng. Khi anh Thuận ra về, các nhân viên hẹn 5 ngày sau tái khám, và còn gửi một loại thuốc được sắc và đóng gói vào túi nilon để bệnh nhân này pha uống.

Tuy nhiên, từ khi điều trị và uống thuốc, anh Thuận cảm thấy “không hề đỡ đau, thậm chí còn khó chịu hơn”.

“Sau đó, tôi đến lại Phòng khám Đa khoa và nói rõ hiện trạng của mình, thì một cô nhân viên phiên dịch từng chứng kiến từ hôm trước đã… cãi nhau tay đôi với tôi, rồi phủ nhận hoàn toàn những cam kết chữa bệnh đã nói hôm trước. Họ bảo rằng tôi phải điều trị thêm lần nữa, đóng thêm 7,6 triệu đồng nữa. Tôi hỏi rằng vậy sau lần thứ 2 này, bệnh tình có thể đỡ hay không, họ chỉ bảo nếu không khỏi thì… đổi liệu trình khác. Đó là câu trả lời không đàng hoàng”, võ sư Thuận bày tỏ.

Chai nước “gì đó” mà anh Thuận được truyền hôm đầu tiên sau đó được nhân viên phòng khám làm rõ là… “thuốc bổ, không ảnh hưởng gì tới sức khỏe”, nhưng như vậy rõ ràng không phải là “thuốc đặc biệt” để chữa trị như thông tin tư vấn ban đầu.

Sau nhiều lần khiếu nại bức xúc, võ sư Đặng Tam Thuận đã được Phòng khám Đa khoa chấp nhận trả lại 50% số tiền điều trị, và “coi như mọi việc giải quyết xong”.

“Sau những gì đã xảy ra, tôi cho rằng không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo và tư vấn, cùng với những cam kết của phòng khám này nói riêng, và các phòng khám thiếu y đức nói chung. Ngoài ra, cần phải kiểm tra kỹ loại thuốc mà họ cho mình sử dụng có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan chức năng cho phép hay không”, anh Thuận nhấn mạnh.

PV

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/vo-su-noi-tieng-cung-roi-vao-bay-cua-phong-kham-da-khoa-dong-phuong/762888.antd