'Võ sinh đại chiến' lỗ 24 tỷ đồng và văn hóa xấu xí của phim Việt

Thất bại phòng vé của một bộ phim là điều không bên nào mong muốn, dù ở vị trí nhà sản xuất, nhà phát hành hay nhà rạp. Sau mỗi vấp ngã, câu chuyện 'lỗi tại ai' lại được khơi lên.

Võ sinh đại chiến là “cú ngã ngựa” mới nhất tại phòng vé của điện ảnh Việt. Bộ phim được đánh giá có chất lượng ổn (so với mặt bằng của điện ảnh nước nhà), nhưng hứng chịu kết quả doanh thu thảm hại.

Nhà sản xuất của Võ sinh đại chiến đã quyết định sớm rút phim khỏi rạp và lên tiếng chỉ trích nhà rạp, nhà phát hành chèn ép, khiến tác phẩm thất bại nặng nề. Cuộc truy tìm “kẻ giết chết phim Việt” lại bắt đầu từ đây, nhưng lỗi lầm có thực sự chỉ thuộc về một phía?

Ai đã “giết chết” bộ phim?

Theo một số nguồn tin, Võ sinh đại chiến thu chưa đầy 1,4 tỷ đồng sau 6 ngày trình chiếu. Trong khi đó, nhà sản xuất cho biết họ tiêu tốn 25 tỷ đồng để hoàn thiện tác phẩm.

Các cuộc thảo luận xung quanh thất bại của Võ sinh đại chiến bắt đầu trở nên sôi nổi từ khi nhà sản xuất khẳng định bộ phim bị “chèn ép thảm thương” về suất chiếu. Cụ thể, lượng suất chiếu của tác phẩm thấp hơn nhiều so với hai phim khác tới từ cùng một nhà phát hành là Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (ra mắt trước đó một tuần) và Monster Hunter (ra mắt cùng ngày).

Số lượng suất chiếu tại khung giờ vàng của Võ sinh đại chiến ở mọi cụm rạp thấp hơn rõ rệt so với hai tác phẩm kể trên và một số phim khác trình chiếu cùng thời điểm như Wonder Woman 1984 hay Soul.

Đồng thời, sau khi ra mắt, Võ sinh đại chiến đón nhận phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và một số khán giả. Theo đó, luận điểm phim bị chèn ép dẫn tới thất bại doanh thu càng được củng cố.

Song, xét một cách công bằng, Võ sinh đại chiến mới là tác phẩm có chất lượng ở mức khá, đạt trên kỳ vọng của đa số công chúng, chứ chưa thể gọi là xuất sắc. Phim thành công trong việc tạo dựng bầu không khí trẻ trung, tươi mới, giàu năng lượng, nhưng các nhân vật còn yếu và kịch bản tỏ ra dễ đoán.

 Mảng hành động võ thuật trong phim được đầu tư, nhưng chưa đủ để trở thành lợi điểm bán hàng độc nhất.

Mảng hành động võ thuật trong phim được đầu tư, nhưng chưa đủ để trở thành lợi điểm bán hàng độc nhất.

Các màn võ thuật trong Võ sinh đại chiến được dàn dựng chỉn chu, đáp ứng tính giải trí, nhưng chưa đủ nổi trội để trở thành lợi điểm bán hàng độc nhất (unique selling point). Phim sở hữu dàn diễn viên còn tương đối trẻ và ê-kíp sản xuất chưa có tên tuổi bảo chứng (ngoại trừ biên kịch Trần Khánh Hoàng).

Khi đứng cạnh đối thủ là các bộ phim sở hữu sẵn lợi thế thương hiệu, Võ sinh đại chiến rất khó trở thành lựa chọn hàng đầu của khán giả.

Nhớ lại trường hợp của Em chưa 18 (2017), bộ phim cũng không nhận được sự quan tâm từ số đông công chúng trong giai đoạn trước khi ra mắt. Nhưng nhờ nội dung hấp dẫn và màn phối hợp ăn ý của bộ đôi Kiều Minh Tuấn - Kaity Nguyễn, phim thậm chí còn vượt doanh thu một cái tên rất mạnh cùng thời điểm là Fast & Furious 8 (2017).

Có thể thấy rằng nếu Võ sinh đại chiến có được chất lượng thực sự vượt trội, tác phẩm hoàn toàn có khả năng đảo ngược tình thế tương tự Em chưa 18, dù bị xếp lượng suất chiếu thấp ở những ngày đầu.

Nhưng bộ phim đầu tay của đạo diễn Bá Cường chưa đủ tiềm lực để tạo ra điều đó. Ngay cả khi ra mắt ở thời điểm ít đối thủ cạnh tranh hơn, cũng không có gì chắc chắn Võ sinh đại chiến sẽ gặt hái thành công lớn tại phòng vé.

Xét trên góc độ truyền thông, Võ sinh đại chiến thực hiện các hạng mục bài bản với mức kinh phí trung bình so với mặt bằng chung của phim Việt. Nhưng tác phẩm không thành công trong việc gây dấu ấn với khán giả đại chúng bởi nhiều lý do.

Một bộ phận công chúng nhận xét poster chính thức của Võ sinh đại chiến trông còn không hấp dẫn bằng poster hé lộ.

Đầu tiên, các tài liệu quảng bá phim, trong đó có hai tài liệu quan trọng nhất là trailer và poster, không thu hút. Tiếp theo, các thông điệp quảng bá Võ sinh đại chiến đưa ra cũng không gây được ấn tượng mạnh, đủ để hấp dẫn người xem. Kết hợp với việc không sở hữu thương hiệu bảo chứng, Võ sinh đại chiến không tạo được niềm tin cho cả nhà rạp lẫn khán giả.

Các nhà rạp tuy cùng hệ thống với nhà phát hành, nhưng đều có áp lực chỉ tiêu riêng nên thường lựa chọn đầu phim an toàn, có khả năng lấp đầy phòng cao để sắp xếp suất chiếu tốt. Sau một vài ngày đầu, nếu phim không tạo được dấu ấn, các suất chiếu sẽ tiếp tục giảm xuống.

Về phía khán giả, hành vi xem phim của họ đã ít nhiều thay đổi sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Giờ đây, khi đã sở hữu thói quen xem phim trên các nền tảng VOD, khán giả có xu hướng chỉ chọn xem các tác phẩm đã có thương hiệu bảo chứng hoặc có hiệu ứng truyền miệng mạnh ngoài rạp.

Nhìn chung, đây thực tế là quy luật bấy lâu nay của thị trường điện ảnh, chỉ có điều nay càng khốc liệt hơn trước bởi hoàn cảnh dịch bệnh. Nếu phim Việt không thức thời và bắt kịp với thị trường ắt sẽ phải hứng chịu thất bại doanh thu. Tội lỗi “bức chết” một bộ phim như vậy rốt cuộc không thuộc về riêng một ai.

Hãy ngưng văn hóa đổ lỗi

Nói cho cùng, người phải chịu thiệt hại lớn nhất sau thất bại của một bộ phim là nhà sản xuất và các bên đầu tư đứng sau. Nhà rạp và nhà phát hành dẫu sao cũng có được phần ăn chia mà không chịu mất mát gì quá lớn.

Dĩ nhiên, tình trạng “của đau con xót” khi nhà sản xuất bức xúc vì gần như mất trắng khoản tiền đầu tư cùng công sức nhiều năm dốc cho thành phẩm là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sau mỗi thất bại, cần có một cái nhìn công tâm về nguyên nhân bộ phim không đạt doanh thu như mong đợi thay vì đổ lỗi lẫn nhau.

Nhà sản xuất đổ lỗi cho nhà phát hành, nhà rạp đổ lỗi cho khâu truyền thông, thậm chí có ý kiến còn đổ lỗi cho khán giả không tinh tường lựa chọn đúng tác phẩm tốt để thưởng thức. Tất cả tạo ra văn hóa đổ lỗi xấu xí.

Đổ lỗi cho nhau sau mỗi thất bại không phải là điều hay.

Bài học rút ra sau thất bại của Võ sinh đại chiến là nhà sản xuất nên chuẩn bị cho “đứa con” của mình một vài yếu tố có lợi cho việc bán vé để dễ thuyết phục nhà rạp cũng như khán giả về chất lượng; nhà phát hành nên tư vấn cho nhà sản xuất thời điểm ra rạp phù hợp; đội ngũ truyền thông cần tạo ra chiến dịch có điểm nhấn giúp phim nổi bật hơn so với các đối thủ trên thị trường…

Trước khi Võ sinh đại chiến ra mắt không lâu, một phim Việt khác cũng hứng chịu kết quả thảm bại không kém là Người cần quên phải nhớ (2020). Phim được sản xuất bởi ê-kíp giàu kinh nghiệm hơn và dàn diễn viên có tiếng hơn Võ sinh đại chiến. Song, ê-kíp Người cần quên phải nhớ không có động thái đổ lỗi tương tự.

Giá như mỗi bên ngưng đổ lỗi cho nhau và nhìn nhận đúng mực những điểm tốt và chưa tốt thì có lẽ số lượng phim Việt phải “chết tức tưởi” hàng năm sẽ được giảm bớt. Cuộc đua phòng vé đang trở nên ngày càng khốc liệt và các phim Việt muốn chạm đến thành công sẽ cần trang bị cho mình những món “vũ khí” lợi hại hơn trước.

Phượng Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vo-sinh-dai-chien-lo-24-ty-dong-va-van-hoa-xau-xi-cua-phim-viet-post1171552.html