Võ sinh bị điện giật tử vong, thầy phải bồi thường

Thầy dạy võ nhờ võ sinh mượn thang thay bóng đèn. Võ sinh không may bị điện giật, ngã chấn thương sọ não và tử vong, thầy dạy võ phải bồi thường gần 102 triệu đồng…

Mới đây, TAND huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh đã xử sơ thẩm vụ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm giữa bà NTX với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Dương Minh Châu (trung tâm) cùng hai cá nhân là ông NTP (dạy võ tại trung tâm) và ông NPT (hợp tác cùng ông P. dạy võ).

Tai nạn đau lòng

Theo đơn khởi kiện của bà X. (mẹ em HVTG - học viên lớp võ cổ truyền tại trung tâm từ năm 2013), chiều 6-10-2016, ông P. kêu em G. đến phòng bảo vệ của trung tâm mượn thang gỗ để thay bóng đèn bãi tập võ. Mượn được thang, em G. leo lên thay bóng đèn thì bị điện giật, té xuống nền gạch bất tỉnh.

Sau đó, em G. lần lượt được chuyển đến BV đa khoa huyện Dương Minh Châu, BV đa khoa tỉnh Tây Ninh cấp cứu, rồi chuyển đến BV Chợ Rẫy chữa trị nhưng đến sáng hôm sau thì tử vong do chấn thương sọ não quá nặng.

Theo bà X., gia đình đã lo chi phí bệnh viện, mai táng… cho em G. gần 71 triệu đồng. Sau khi gia đình bà làm đám tang xong, ông P. có hỗ trợ tiền mai táng 8 triệu đồng. Từ ngày đứa con duy nhất bị mất đến nay, sức khỏe của bà bị suy giảm rất nhiều, không còn khả năng làm việc lo cho cuộc sống hằng ngày.

Vì thế, bà X. yêu cầu trung tâm cùng ông P., ông T. phải bồi thường cho bà gần 63 triệu đồng chi phí bệnh viện, mai táng em G. (đã khấu trừ 8 triệu đồng ông P. hỗ trợ trước đó), cộng với khoản bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật.

Chỉ một người đồng ý chịu trách nhiệm

Làm việc với tòa, đại diện trung tâm không chấp nhận bồi thường cho bà X. và trình bày: Theo hợp đồng ký giữa công đoàn trung tâm với ông T. hồi tháng 4-2013 thì trung tâm chỉ cho thuê mặt bằng sân bãi để phía ông T. dạy võ ngoài giờ hành chính. Công tác chiêu sinh, tổ chức, quản lý giảng dạy do phía ông T. hoàn toàn chịu trách nhiệm. Phía ông T. có làm đường dây điện riêng (cầu chì, cầu dao, đồng hồ điện...) để giảng dạy và quản lý, sử dụng theo nhu cầu tập luyện nên việc sửa chữa những thiết bị điện hư hỏng do phía ông T. chịu trách nhiệm.

Theo đại diện trung tâm, lúc xảy ra vụ việc, toàn bộ nhân viên trung tâm đã về hết. Sự cố điện giật chết người nằm ngoài tầm kiểm soát của trung tâm. Ông P. nhờ em G. sửa chữa bóng đèn bị hư nên khi xảy ra sự cố làm chết người thì ông T. và ông P. phải chịu mọi trách nhiệm.

Trong khi đó, ông T. khai: Đúng là ông có hợp đồng thuê sân bãi với trung tâm, cùng ông P. mở lớp dạy võ cổ truyền, cùng chiêu sinh, cùng giảng dạy. Tuy nhiên, đến tháng 9-2016, ông bị bệnh, không thể tiếp tục dạy võ nữa nên đã bàn giao toàn bộ lớp học, học viên và thu chi trong lớp cho ông P. quản lý. Do đó, ông cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm về cái chết của em G.

Về phần mình, ông P. thừa nhận sự việc như ông T. trình bày và cho biết chỉ chấp nhận bồi thường thêm cho bà X. 12 triệu đồng. Nếu bà X. không đồng ý, ông đề nghị tòa giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tòa buộc thầy dạy võ bồi thường

Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, HĐXX nhận định: Nguyên nhân dẫn đến cái chết của em G. là do em bị điện giật, té xuống nền gạch gây chấn thương sọ não. Tại thời điểm em bị điện giật, ông P. là người trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn điện (nguồn nguy hiểm cao độ) được lắp đặt riêng phục vụ hoạt động dạy võ nên ông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, kể cả trường hợp ông không có lỗi.

Cũng theo HĐXX, trung tâm và ông T. không có trách nhiệm bồi thường. Việc bà X. yêu cầu hai bị đơn này cùng có trách nhiệm bồi thường với ông P. là không có căn cứ.

Về mức bồi thường, bà X. cung cấp được chứng từ về chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, chi phí mai táng em G. với số tiền tổng cộng gần 71 triệu đồng, khấu trừ 8 triệu đồng mà ông P. đã hỗ trợ gia đình bà thì việc bà yêu cầu bồi thường gần 63 triệu đồng là có căn cứ.

Đối với yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần, HĐXX nhận định nhà bà X. chỉ có hai mẹ con nên cái chết của em G. đã gây tổn thất tinh thần rất lớn đối với bà. Do đó, cần buộc ông P. phải có trách nhiệm bồi thường một khoản tiền để bù đắp phần nào tổn thất tinh thần cho bà. Tuy nhiên, xét thấy ông P. công việc không ổn định, thu nhập không cao nên chỉ buộc ông P. bồi thường tiền tổn thất tinh thần 39 triệu đồng (tương đương 30 tháng lương tối thiểu) là phù hợp.

Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên buộc ông P. phải bồi thường cho bà X. tổng cộng gần 102 triệu đồng.

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(Trích Điều 601 BLDS 2015)

MINH KHÁNH

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/vo-sinh-bi-dien-giat-tu-vong-thay-phai-boi-thuong-790979.html