Võ sĩ Trí 'lì' và cuộc chiến trở thành 'người khổng lồ'

Tại SEA Games 29, Văn Trí chính là tuyển thủ đã giành tấm HCV cuối cùng, HCV thứ 63 giúp đoàn TTVN qua mặt Singapore đứng thứ 3 toàn đoàn chỉ với 1 lần đăng quang nhiều hơn. Đến ASIAD 2018, lại chính võ sĩ Công an nhân dân này đã chinh phục tấm HCV lịch sử môn Pencak silat, một lần nữa giúp TTVN hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.

Để trở thành “người khổng lồ” may mắn, chàng trai quê Nam Định đã đối mặt và vượt qua cuộc chiến phi thường ròng rã mấy nghìn ngày, thậm chí chấp nhận hi sinh cả hình thể.

Tăng vọt từ 56 lên 90 kg

Giờ đã là một ngôi sao, một nhà vô địch ASIAD song Nguyễn Văn Trí vẫn luôn thấy mình là một người con nhà nông chất phác, đi ra từ làng. Chỉ có cái duyên pencak silat tưởng ngẫu nhiên mà như định mệnh, bắt đầu từ một lần đến ứng tuyển và xin tập tại Trung tâm TDTT Bộ Công an mới kéo cậu thiếu niên 15 tuổi nghịch ngợm, hiếu động bước chân ra khỏi làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Và cũng kể từ đó, Pencak silat đã trở thành cuộc sống của Trí, không chỉ qua các buổi ngày tập, những giải đấu mà đi vào cả những giấc ngủ, ước mơ.

Nghiệp Pencak silat của Trí là một hành trình thắng tắp. Thế nhưng, phía sau hành trình đã sang năm thứ 10, đã vươn tới vinh quang choáng ngợp là những cuộc chiến phi thường mà anh chàng sinh năm 1994 phải đối mặt và vượt qua.

Chỉ trong 4 năm, từ 56 lên 90 kg, Trí phải tăng tới 34 kg. Xét ở một mặt nào đó, đây cũng là một sự hi sinh ghê gớm của chàng võ sĩ đầy đam mê và giàu khát khao.

Dù sức mạnh, ý chí và sự bền bỉ có thừa song Trí lại cũng bộc lộ những hạn chế rất cơ bản, nhất là sự dẻo dai, khéo léo, và từng có thời điểm, tưởng như không có hi vọng gì. Bước ngoặt quyết định, cũng đầy may mắn của Trí là khi được thầy Nguyễn Xuân Hải với đôi mắt xanh của một người từng nhiều năm làm HLV trưởng ĐTQG, nhắm tới các hạng cân nặng để đầu tư, đào tạo, cho dù lúc đó cậu học trò mới chỉ 56 kg.

Và Trí đã phải bước vào một cuộc chiến gian khổ mang tính sống còn đối với sự nghiệp, gói gọn trong hai chữ đơn gian song lại là một thử thách cực lớn, cực khó: tăng cân. Thế nên ngoài chuyện tập luyện, thi đấu như các đồng đội, nhiệm vụ đặt ra cho chàng võ sĩ qua từng ngày, từng tuần, từng tháng, và từng năm là làm sao để tăng được cân. Không chỉ tăng nhanh và mà còn phải phù hợp với thể hình thể lực và đòi hỏi chuyên môn. Phương thức cơ bản nhất, dĩ nhiên là phải ăn thật nhiều, kết hợp với các bài tập chuyên biệt. Có ngày Trí phải ăn tới 5 bữa, ăn trong nỗi ám ảnh và giống như một cực hình. Cuối cùng phải mất tới 4 năm ròng rã, Trí mới đạt được trọng lượng chuẩn để có thể tập luyện, dự tranh các hạng 85-90 kg. Có lẽ cũng chính việc phải tập trung để tăng cân đã ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển về chuyên môn của Trí . Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa chỉ mất 2 năm để có thể tranh chấp thành tích trong các giải chính thức, thì Trí cần tới 4 năm mới giành được tấm HCĐ tại giải trẻ toàn quốc. Cái sự chậm này còn theo Trí mãi về sau. Chỉ có điều, nó chẳng bao giờ làm Trí buồn nản, mà càng trở nên mạnh mẽ, quyết tâm.

Hai kỳ tích đặc biệt của Trí “lì”

SEA Games 2017 giống như một cột mốc đánh dấu cú vượt ngưỡng về đẳng cấp của Trí. Ở trận chung kết trước đối thủ sừng sỏ người Singapore, Trí đã thể hiện tinh thần thi đấu đầy quyết tâm khi tung ra nhiều đòn tấn công liên tục lấn át. Tuy nhiên, Trí cũng bị đối thủ chơi xấu bằng một cú đánh vào mạng sườn khiến anh ngã ra sân, mất vài giây sau mới có thể nén đau để tiếp tục thi đấu. Và Trí với sự lì lợm đặc biệt vẫn đánh bại đối thủ một cách tâm phục khẩu phục trước khi cất tiếng hét vang giải tỏa áp lực, mang về HCV thứ 3 cho môn pencak silat Việt Nam, cũng chốt sổ HCV để đoàn TTVN vừa kịp qua mặt Singapore trên bảng tổng sắp. Biệt danh Trí “lì” cũng nổi khắp làng pencak silat khu vực từ đó. Hiếm võ sĩ nào trên thế giới, tâm lý và khả năng khi thi đấu còn hơn nhiều so với tập luyện, nhất là trước đối thủ mạnh hơn mình.

ASIAD lại là một “cuộc chiến” khác, gam co hơn nhiều với Trí, nơi anh sẵn sàng đối đầu và chinh phục. Do nước chủ nhà Indonesia chủ động “cắt” cả ba nội dung mà Việt Nam giành HCV tại SEA Games 2017 nên các võ sĩ chủ lực buộc phải luyện... ăn để tăng cân, đôn lên đánh hạng cao hơn. Riêng Trí, từ hạng cân 90 kg sở trường, phải tăng thêm 5 kg nữa để thi đấu ở hạng 95 kg. Và Trí đã phải mất 3 tháng điều chỉnh chế độ ăn để tăng thêm 6-7 kg, rồi gần vào giải ép cân 1-2 kg cho người nhanh nhẹn, linh hoạt để khi vào thi đấu có thể đạt phong độ tốt nhất. Trên đất Indonesia, dễ dàng lọt vào trới trận chung kết. Và chính hai ngày trước chung kết mới là một cuộc chiến thực sự với Trí, chiến đấu với áp lực thành tích, với nỗi lo trọng tài, trước một cơ hội lịch sử. Hai ngày với Trí dài như hai năm bởi tâm trạng bồn chồn, mất ăn mất ngủ. Chính điều này khiến anh chàng “hộ pháp” nhập cuộc không tốt trong trận chung kết gặp đối thủ Malaysia. Anh để đối thủ đánh trúng nhiều lần, thậm chí trúng cả mặt, chảy máu dẫn tới choáng váng và phải nằm sân. Thế nhưng, bằng ý chí thép, Trí đã bật dậy, vượt qua đối thủ để giành tấm HCV quý giá.

Cuộc chiến cân nặng

Như một cái nghiệp vận vào mình, ngay sau khi trở về từ ASIAD, Trí lại tiếp tục trải qua một “cuộc chiến mới”. Để được đấu ASIAD, Nguyễn Văn Trí đã phải đôn tới 5 cân. Mới đây, nhà vô địch Á vận hội này lại phải ép đủ 8 cân trở về hạng cân sở trường để dự giải châu Á. Điều đó được thực hiện chỉ trong mươi ngày, đủ biết Trí phải gồng mình gắng sức, khốn khổ như thế nào. Và tất nhiên, như thường lệ, anh vẫn vượt qua một cách ngon lành.

Niềm hạnh phúc với anh, đơn giản mà cũng lớn lao, chính là thảm đấu, phòng tập, nơi anh tập luyện hết mình và chiến thắng chính mình, vượt qua mọi thách thức. Như 4 năm để trở thành “người khổng lồ” về cân nặng, như 3 tháng để trở thành nhà vô địch ASIAD. Rất nhiều đỉnh cao phía trước đang chờ kẻ chinh phục vĩ đại và người khổng lồ may mắn này.

Nhị Hường

Nhị Hường

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/vo-si-tri-li-va-cuoc-chien-tro-thanh-nguoi-khong-lo-128688.html