'Vỗ mông phụ nữ' có thật bình thường như ca sĩ Anh Khoa nói?

Hành động vỗ mông người khác là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Ở showbiz, vỗ mông là chào hỏi bình thường” - đây là lời tuyên bố của nam ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa sau khi anh này liên tiếp bị các cô gái tố cáo anh có hành vi tấn công, quấy rối tình dục họ.

Trước tuyên bố gây sốc của Phạm Anh Khoa, nhiều người tỏ ra rất bức xúc vì cho rằng hành động vỗ mông người khác mà không được sự đồng ý của họ thì không thể coi là bình thường, bản chất đó là hành vi quấy rối tình dục cần phải bị xử lý và lên án.

Ca sĩ Phạm Anh Khoa trong cuộc đối thoại về scandal gạ tình. Ảnh: Internet

Ca sĩ Phạm Anh Khoa trong cuộc đối thoại về scandal gạ tình. Ảnh: Internet

Vậy pháp luật quy định như thế nào và hình thức xử phạt ra sao đối với hành vi quấy rối tình dục và việc "vỗ mông chào hỏi" có thật là bình thường?

Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Về thuật ngữ quấy rối tình dục, pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể, rõ ràng. Vì thế việc xử lý chỉ dựa vào xem xét, đánh giá từng trường hợp cụ thể với các quy định cụ thể.

Tuy nhiên, theo quy định trong Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được ban hành bởi Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam ngày 25-5-2015 thì quấy rối tình dục bao gồm các hình thức: Hành vi quấy rối thể chất: tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, tấn công tình dục, cưỡng dâm… Hành vi quấy rối bằng lời nói như nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục… Hành vi quấy rối phi lời nói: ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm…

Luật sư Trí cho biết thêm hành vi vỗ mông người khác mà không được sự đồng ý của người đó có thể được xem là hành vi trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng.

Tuy nhiên, nếu hành vi trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mang tính chất nghiêm trọng, tùy theo trường hợp cụ thể thì người vi phạm có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, mức hình phạt cao nhất là năm năm tù.

VÕ HÀ

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/vo-mong-phu-nu-co-that-binh-thuong-nhu-ca-si-anh-khoa-noi-770386.html