Vỡ mộng một năm sau cuộc gặp Trump - Kim lịch sử ở Singapore

Bế tắc một năm sau hội nghị Mỹ - Triều lịch sử cho thấy sự mong manh và thiếu niềm tin giữa hai nước cũng như những kỳ vọng quá cao đặt ra khi bước vào đàm phán ban đầu.

Khi Kim Jong Un và Donald Trump bắt tay nhau trước ống kính camera vào ngày 12/6 năm ngoái ở Singapore, họ hứa hẹn về sự thay đổi và tiến triển. Một năm sau, những gì còn lại là các cáo buộc qua lại và bế tắc sau khi đôi bên không thể đi đến một thỏa thuận trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội.

Tại Singapore, trong lần gặp đầu tiên và là cuộc gặp lịch sử giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và lãnh đạo Triều Tiên, hai người đã ký tuyên bố chung với lời lẽ mơ hồ về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp thứ hai, diễn ra vào tháng 2 tại Hà Nội, lại kết thúc đột ngột, thậm chí hai nhà lãnh đạo không ăn bữa trưa được lên kế hoạch sẵn. Đôi bên không thể đồng ý về các nhượng bộ của Triều Tiên để đổi lấy việc Mỹ tháo dỡ bớt lệnh trừng phạt. Các nhà quan sát nói rằng Mỹ - Triều đã bớt ảo tưởng về nhau.

"Ngay sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, chúng ta chứng kiến một cơn sóng thần của những hy vọng phi thực tế, thậm chí nực cười", Andrei Lankov, chuyên gia ở Đại học Kookmin, Hàn Quốc, nhận định.

"Rồi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn - người Triều Tiên sẽ không giao nộp vũ khí hạt nhân của họ", Lankov nói với AFP.

Cái bắt tay đầu tiên của ông Trump và ông Kim tại Singapore. Ảnh: AFP.

Cái bắt tay đầu tiên của ông Trump và ông Kim tại Singapore. Ảnh: AFP.

Bản chất mong manh của mối quan hệ

Từ đầu năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tạm ngưng các vụ thử tên lửa tầm xa và thử hạt nhân để làm hòa dịu mối quan hệ, mở đường cho cuộc gặp tại Singapore. Nhưng sau hội nghị lần 2 ở Hà Nội, Bình Nhưỡng trở về với việc chỉ trích Washington "không đủ niềm tin", ra điều kiện đến cuối năm nay để Mỹ phải thay đổi hướng tiếp cận.

Tháng trước, Triều Tiên đã lần đầu tiên phóng tên lửa tầm ngắn trở lại kể từ tháng 11/2017.

"Chúng ta đi từ cảm giác hy vọng và lạc quan đến giờ phút này là sự bất định", chuyên gia Harry Kazianis của Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ nói.

Các quan chức Mỹ nói rằng không có liên lạc chính thức gì với phía Triều Tiên kể từ sau hội nghị Hà Nội, và sự im lặng của Bình Nhưỡng đã khiến họ nổi giận.

Trong khi đó, Triều Tiên tiếp tục lên tiếng thông qua truyền thông nhà nước, yêu cầu Mỹ phải thay thế cộng sự thân cận của Tổng thống Trump là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Bình Nhưỡng cũng cảnh báo "một con đường mới" nếu Washington không thay đổi hướng tiếp cận.

Hai nhà lãnh đạo đã đến Hà Nội với những cách tiếp cận rất khác nhau. Mỹ muốn một thỏa thuận "tất cả đổi lấy tất cả", tức Triều Tiên phải giải giáp hạt nhân hoàn toàn trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, trong khi Bình Nhưỡng muốn hai tiến trình này diễn ra song song.

Cuối cùng, họ đổ lỗi cho nhau vì sự đổ vỡ của hội nghị.

Giáo sư Alexander L. Vuving, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ), nói sự đổ vỡ cho thấy bản chất mối quan hệ của hai cá nhân và hai nước cực kỳ mong manh. Sau nhiều thập kỷ thù địch, Mỹ và Triều Tiên vốn không thể xây dựng lại mối quan hệ và lòng tin trong một sớm một chiều.

Triều Tiên tiếp tục yêu cầu Mỹ phải thay thế cộng sự thân cận của Tổng thống Trump là Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nói điều này cho thấy sự hạn chế trong cách tiếp cận các mối quan hệ quốc tế từ thượng tầng, phương thức yêu thích của cả ông Trump và ông Kim. Tổng thống Trump không tiếc lời ca ngợi "mối quan hệ đặc biệt" với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

"Cả hai cuộc gặp đều được sắp đặt kỹ lưỡng để làm nổi bật sự thân thiết của hai người, đi dạo trong sân, gặp gỡ riêng... Nhưng làm sao chúng ta có thể tin được vài phút ngắn ngủi đó giúp họ vượt qua các rào cản ngôn ngữ và văn hóa để tin tưởng và biết đủ về nhau?", ông Thayer nói.

Nhà lãnh đạo Kim có xu hướng thích làm việc trực tiếp với ông Trump hơn là để các cuộc thảo luận được tiến hành trước bởi cấp thấp hơn, nhưng các cuộc trò chuyện thượng tầng lại thường thiếu chi tiết.

Ví dụ, Tổng thống Trump lần này thích dùng hình ảnh "cường quốc kinh tế" để thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa, nhưng quá trình để Mỹ viện trợ kinh tế cho Triều Tiên sẽ rất khó khăn nếu vấp phải sự phản đối từ Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Trong trường hợp khác, Mỹ đòi được tiếp cận tất cả các cơ sở hạt nhân mà Triều Tiên giữ kín, lưu ý rằng người Triều Tiên không biết Mỹ đã biết về tất cả các cơ sở trên. Việc này cho thấy việc đàm phán ở cấp thấp hơn chưa tương xứng.

Washington cáo buộc Bình Nhưỡng đòi hỏi chấm dứt các lệnh trừng phạt trong khi chỉ giải trừ hạt nhân một phần, còn Triều Tiên nói rằng họ muốn một vài lệnh trừng phạt được tháo dỡ trước khi chấp nhận chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất hạt nhân tại tổ hợp Yongbyon.

"Thế bế tắc hiện tại sẽ kéo dài mãi mãi trừ khi cả hai bên nhận ra họ đã sai ở đâu", ông Kazianis nói với AFP. Ông cho rằng Mỹ đã đòi hỏi một sự nhượng bộ về quân sự và ngoại giao "chưa từng có tiền lệ" từ Triều Tiên, nhưng Triều Tiên cũng không thể kỳ vọng chấm dứt được các lệnh trừng phạt nặng nề nhất chỉ bằng việc đóng cửa tổ hợp Yongbyon.

Tuy nhiên, đôi bên sẽ tránh việc đưa mối quan hệ của họ hoàn toàn "trật đường ray", theo thông cáo của công ty tư vấn Eurasia Group, dự báo cuộc gặp thượng đỉnh lần ba sẽ diễn ra trong năm nay.

Cuộc gặp lần 3 hay vòng luẩn quẩn của khiêu khích?

Washington đã đề xuất các cuộc đàm phán ở cấp quan chức nhưng cho biết họ chưa có kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, trừ khi đôi bên có thể đạt được một thỏa thuận.

Với một tổng thống Mỹ vẫn nói rằng ông "không vội vã" (đạt được thỏa thuận) và vẫn hài lòng với tình trạng hiện tại, các nhà phân tích nói rằng trái bóng giờ ở trong chân nhà lãnh đạo Kim Jong Un, dù truyền thông Triều Tiên có vẻ kiên quyết hướng ngược lại.

Tổng thống Trump đã bác bỏ những lo lắng về vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, tái khẳng định niềm tin của ông dành cho ông Kim.

Với những lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn đang phát huy tác dụng, Washington có thể đang mong chờ Bình Nhưỡng nhượng bộ thêm, Go Myong Hyun, nhà phân tích tại Viện Chính sách Asan, cho biết. Nhưng ông cũng cảnh báo Bình Nhưỡng có thể đang quay trở lại "vòng luẩn quẩn truyền thống của sự khiêu khích".

Những vụ thử tên lửa là lời nhắc nhở của Triều Tiên dành cho Mỹ về việc ông Trump không thể lãng quên Triều Tiên khi sa vào giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại khác. Ảnh: KCNA.

Những vụ thử tên lửa gần đây là "một lời nhắc nhở thân thiện cho Donald Trump rằng Triều Tiên vẫn tồn tại và họ sẵn sàng nói chuyện", ông Lankov nói, bổ sung rằng Bình Nhưỡng "rất rõ ràng" việc chỉ nối lại đàm phán khi Mỹ đồng ý các điều kiện.

Và ngay cả khi hai nhà lãnh đạo khó lường đồng ý trở lại bàn đàm phán cho hội nghị lần thứ ba, ông Lankov nói rằng rất khó để họ đạt được một thỏa thuận nhượng bộ.

"Người Mỹ sẽ không chấp nhận một Triều Tiên có hạt nhân và Triều Tiên thì khó sống mà không có hạt nhân", ông nói.

"Có lẽ giờ là lúc trao cơ hội cho các chuyên gia về hạt nhân ở cấp thấp đàm phán với nhau. (Dù rằng) phong cách sử dụng hội nghị thượng đỉnh để đàm phán của Trump có vẻ vẫn đang chiếm ưu thế. Hội nghị thượng đỉnh năm 2020, năm có bầu cử Mỹ, sẽ giống một màn trình diễn hơn là có thực chất", ông Thayer nói. "Nhưng con quái vật lại nằm ở các chi tiết".

Trong khi đó, ông Vuving cho rằng mối quan hệ của ông Kim và Trump không hoàn toàn dựa trên việc phi hạt nhân hóa mà còn ở vấn đề đối nội. Họ cần cuộc gặp với nhà lãnh đạo nước thù địch để ghi điểm với công chúng trong nước.

"Họ đến hội nghị với áp lực trong nước là cần chứng tỏ mình đạt được một thành tựu mà không bị đối phương qua mặt, một thành tựu để trấn an trong nước", ông Vuving nói sau hội nghị Hà Nội. "Nếu may mắn, họ sẽ trở lại bàn đàm phán sau một thời gian mạnh miệng để xoa dịu công chúng nội bộ".

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vo-mong-mot-nam-sau-cuoc-gap-trump-kim-lich-su-o-singapore-post955639.html