Vỡ lở âm mưu lừa đảo của một doanh nghiệp đóng tàu lẫy lừng tại Ấn Độ

ABG Shipyard từng là công ty đóng tàu tư nhân lớn nhất Ấn Độ và nay bị cáo buộc thực hiện vụ lừa đảo quy mô lớn nhất nước này.

Theo tờ India Today, Cục điều tra trung ương (CBI) của Ấn Độ đã công bố thông tin về vụ lừa đảo của ABG Shipyard vào hôm qua (14/2).

Theo đó, công ty này đã lừa 28 ngân hàng và thể chế tài chính bao gồm Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (SBI) với tổng số tiền lừa đảo lên tới 3 tỷ USD.

CBI công bố kết quả kiểm toán do Ernst & Young thực hiện cho thấy, ICICI Bank là nạn nhân lớn nhất của ABG Shipyard với số tiền tổn thất lên tới hơn 900 triệu USD, sau đó là công ty bảo hiểm LIC (500 triệu USD) và SBI (gần 400 triệu USD).

Xưởng đóng tàu của ABG Shipyard

Xưởng đóng tàu của ABG Shipyard

ABG Shipyard Limited (ABGSL) được thành lập vào tháng 3/1985, đặt văn phòng tại Ahmedabad, bang Gujarat.

Đây là công ty hàng đầu của Tập đoàn ABG, tham gia vào hoạt động đóng và sửa chữa tàu, là doanh nghiệp quan trọng trong ngành đóng tàu Ấn Độ, có nhiều xưởng tàu ở Ấn Độ.

Công ty ABGSL có thể đóng những con tàu có tải trọng lên tới 18.000 tấn tại xưởng Surat và 120.000 tấn tại xưởng Dahej.

Theo thông tin từ India Today, tính đến nay, ABGSL đã đóng hơn 165 con tàu trong đó có 46 phương tiện phục vụ thị trường xuất khẩu với đa dạng các loại tàu khác nhau.

Chất lượng tàu do công ty này thực hiện tốt đến mức ABGSL đạt được giấy chứng nhận của tất cả các hiệp hội đánh giá quốc tế như Lloyds, Cơ quan Đăng kiểm Mỹ, Bureau Veritas (công ty chuyên về thử nghiệm, kiểm tra và chứng nhận uy tín của Pháp), IRS và DNV.

Trong chưa đầy 20 năm, ABGSL cũng được Chính phủ Ấn Độ trao hợp đồng chế tạo rất nhiều tàu chiến và nhiều tàu khác theo đơn đặt hàng của Hải quân cũng như Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Ấn Độ.

Tuy nhiên, sau năm 2012, tình hình tài chính của công ty này bắt đầu suy yếu.

Theo báo cáo kiểm toán của Ernst & Young, từ tháng 4/2012 đến tháng 7/2017, tập đoàn này đã thông đồng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như chuyển vốn, lừa dối, biển thủ, sử dụng vốn cho các mục đích nằm ngoài mục đích mà Ngân hàng đưa ra khi cấp vốn.

ABG Shipyard lần đầu tiên bị vỡ nợ vào năm 2013. Sau đó, công ty này đã bị liệt vào danh sách 12 công ty vỡ nợ lớn nhất của Ấn Độ khi New Delhi bắt đầu ban hành luật phá sản vào năm 2016.

Cuối cùng, năm 2019, công ty này buộc phải tiến hành thanh lý tài sản do không có khả năng trả nợ. Qua 4 cuộc bán đấu giá, doanh nghiệp này vẫn không thể tìm được người mua và ABG Shipyard đã tìm cách bán ngầm tài sản trong 2 năm qua.

SBI đã thông báo với phía cảnh sát về hành vi lừa đảo của ABG Shipyard cùng các chi nhánh của công ty này tại nước ngoài, 5 giám đốc cùng một số quan chức và cá nhân liên quan.

Ngày 12/2, CBI đã tiến hành lục soát 13 địa điểm, trong đó có các văn phòng công ty và nhà riêng của các giám đốc, thu thập chứng cứ về hành vi lừa đảo.

Trang India Today dẫn một số nguồn tin cho biết, lý do chính dẫn tới sự sụp đổ của doanh nghiệp sừng sỏ này là họ đã chuyển hướng một số vốn sang các công ty con, thực hiện các giao dịch ưu đãi, đầu tư không hiệu quả, và hoạt động giao dịch sai trái của các Giám đốc, Giám đốc điều hành công ty.

Bên cạnh đó, khủng hoảng toàn cầu cách đây nhiều năm đã ảnh hưởng tới ngành vận tải kéo theo những hãng đóng tàu cũng chịu hệ lụy.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vo-lo-am-muu-lua-dao-cua-mot-doanh-nghiep-dong-tau-lay-lung-tai-an-do-d542489.html