Vở kịch 'Sài Gòn' nổi tiếng khắp Châu Âu đến Việt Nam

Vở kịch 'Sài Gòn' sẽ được biểu diễn vào ngày 21 và 22/9 tới đây, tại TP.HCM. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm nhằm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp.

Sau khi được khán giả và giới phê bình chào đón nồng nhiệt tại Liên hoan sân khấu Avignon lần thứ 71, vở kịch “Sài Gòn” đang lưu diễn quốc tế qua nhiều thành phố: Paris, Lyon, Berlin, Amsterdam, Bắc Kinh, Thượng Hải, Stockholm…

Mới đây, Viện Pháp tại Việt Nam đã công bố thông tin vở kịch ‘Sài Gòn’ sẽ được biểu diễn vào ngày 21 và 22/9 tại TP.HCM, sau đó là Rome, Vilnius và nhiều thành phố Châu Âu khác.

Vở kịch kể lại cuộc đời của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm. Đó là một cuộc du hành trong không gian và thời gian, từ Việt Nam qua Pháp năm 1956, khi những người Pháp cuối cùng tại Sài Gòn về nước, và đến năm 1996 Việt Nam cho phép những người Việt kiều về thăm quê hương.

Sau tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon vào mùa hè năm 2017, vở kịch “Sài Gòn” liên tục được khán giả chào đón nồng nhiệt tại các nhà hát danh giá trên thế giới

Nội dung của vở kịch xoay quanh sự việc diễn ra trong một nhà hàng Việt Nam tại Sài Gòn vào năm 1956 hay tại quận 12 Paris vào năm 1996, nơi có nhiều người Việt Nam xa xứ đến sinh sống. Nhà hàng này cũng giống rất nhiều nhà hàng Việt khác ở Pháp: trang trí bình dân, hoa cắm nhiều màu sắc với một dàn karaoké.

Nhà hàng là nơi sẻ chia những câu chuyện riêng tư của những con người đã từng trải qua những giai đoạn quan trọng của lịch sử. Đó là câu chuyện của hai người yêu nhau mà phải chia ly, của một anh lính Pháp yêu một cô gái Việt và đưa cô về Pháp, của người con lai và mẹ mình…

Chia sẻ về lí do viết vở ‘Sài Gòn’, nữ đạo diễn sân khấu Caroline Guiela Nguyen chia sẻ, sau khi đã thực hiện nhiều vở kịch kinh điển, cô mong muốn sáng tác vở kịch “Sài Gòn” để có thể kể về những câu chuyện và con người trong khoảng thời gian định mệnh làm thay đổi cuộc đời của họ.

Vở kịch “Sài Gòn” không mang tính tự truyện cũng không nói về thời kỳ thuộc địa, nhưng nó lại liên quan đến câu chuyện của riêng cô. Mẹ của Caroline Guiela Nguyen là người gốc Việt và nhiều người trong gia đình cô đã di cư sang Pháp.

Để xây dựng nên vở diễn này, Caroline Guiela Nguyen cùng các cộng sự đã đến TP.HCM năm 2015 và 2016 trong khuôn khổ chương trình Nghệ sỹ lưu trú Villa Saigon do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.

Trong suốt thời gian này, họ đã tìm hiểu và cảm nhận Việt Nam bằng cách quay phim, chụp hình, phỏng vấn, ghi lại cảm xúc... và cũng đã tham khảo các tài liệu lưu trữ và nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương. Sau đó họ cũng đã đi tìm hiểu về cộng đồng người Việt ngay tại Paris.

Biên kịch - Đạo diễn sân khấu Caroline Guiela Nguyen

Nữ đạo diễn sân khấu Caroline Guiela Nguyen đã tập hợp 11 diễn viên Pháp, Việt và Việt kiều cho vở diễn để có thể dựng nên một vở kịch đa âm sắc, kể lại những câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống tha hương dần bị lãng quên.

Cô chia sẻ: “Tôi không muốn nói về họ mà muốn để họ tự kể câu chuyện của chính mình. Tôi muốn kéo khán giả vào thế giới của những con người đã gặp nhau, yêu nhau và đang bị lịch sử lãng quên từ 60 năm nay để cùng viết thành một câu chuyện chung".

MAI TRANG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vo-kich-sai-gon-noi-tieng-khap-chau-au-den-viet-nam-12273.html