Vở kịch đồng thoại hấp dẫn về loài chuột

Vở kịch thiếu nhi 'Căn bếp đại chiến' với trận chiến thư hùng giữa cô Mèo con nhỏ nhắn và gã Vua chuột to lớn của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Toàn Thắng đã từng làm bao khán giả thiếu nhi say mê. Để viết nên một vở kịch chân thực và gần gũi đến thế, nhà văn đã có một thời 'sống chung với chuột'. Nhân dịp 'Năm con Chuột', nhà văn Nguyễn Toàn Thắng đã có buổi trò chuyện cùng báo Lao động Thủ đô về loài chuột và ý tưởng kịch bản hấp dẫn về con vật đáng yêu này.

Tôi trót mang cái nghiệp viết văn, viết kịch, thành thử luôn phải đọc kỹ về mọi thứ để tích lũy hiểu biết theo năm tháng, chứ không phải đợi đến lúc viết về cây lúa thì mới quáng quàng đi đọc về nông nghiệp, viết về món phở thì mới đi nghiên cứu xem tại sao chỉ có phở bò hay gà là độc đáo chứ không có phở nhím. Cho nên lúc viết kịch bản cho vở kịch đồng thoại Căn bếp đại chiến, tôi cũng đinh ninh là mình khá hiểu về đời sống cũng như tập tục của loài chuột rồi.

Nhưng đến lúc bắt tay vào viết nhân vật phản diện là gã Vua chuột ngạo ngược, mới thấy mọi hiểu biết từ trước đến nay của mình gần như không dùng được. Là bởi với việc viết kịch, nhân vật của mình luôn phải là độc đáo, hay nói dân dã là “không đụng hàng”. Mà ở các loại hình nghệ thuật khác, nhân vật Chuột đã quá nhiều, quá thành công và trở thành các đỉnh cao.

Vở kịch thiếu nhi “Căn bếp đại chiến”.

Vở kịch thiếu nhi “Căn bếp đại chiến”.

Chỉ riêng nhân vật chú chuột hoạt hình Mickey đã là một cái bóng sừng sững khiến ngày hôm nay khó hãng nào qua mặt. Vậy nên, xây dựng nhân vật Chuột luôn là thách thức lớn, nhất là lại dành cho khán giả thiếu nhi vốn không hề dễ tính chút nào.

Vậy là lại phải đọc lại từ đầu để tìm ra những đặc tính của loài chuột. Rõ ràng, đây là một loài thuộc bộ gặm nhấm cực kỳ thông minh, với đôi mắt đen láy. Thực ra nếu không tính loài chuột cống hôi rình và luôn ướt nhẹp thì nói chung loài chuột có bề ngoài tương đối bắt mắt. Chẳng thế mà có những loài chuột được con người nuôi làm thú cưng. Tất nhiên, bàn về bề ngoài là một cái gì đó rất trừu tượng, bởi nó là chuyện của thị giác.

Có người thấy chuột là đẹp, thì có người thấy là ghê tởm, và tất nhiên có những người thấy cái gì cũng xấu trừ bản thân mình. Và để hình dung ra một đám nhân vật chuột, tôi phải xem rất nhiều hình, để cuối cùng chọn ra hai nhân vật đặc trưng cho những loài chuột mà người ta quen biết đó là Chuột cống và Chuột nhắt. Con chuột cống, ngoài đời thực quả là nỗi kinh hoàng với bất cứ nhà nào.

Nó gieo rắc bệnh dịch, chỉ cần nó chạy vào thì cả nhà hôi rình và để át mùi hôi ấy đi thì cần phải lau thật kỹ bằng nước thơm. Con chuột nhắt cũng là nỗi đe dọa của mọi nhà, bởi với thân hình nhỏ bé, nó có thể len lỏi vào bất cứ ngõ ngách nào và cắn phá lung tung mọi thứ để mài cho chiếc răng khỏi dài ra. Hai nhân vật ấy đủ tạo nên một thế giới Chuột điển hình, cộng thêm với gã Vua chuột to lớnvừa nhố nhăng vừa nham hiểm, gây bao nhiêu khó khăn cho chú mèo con.

Mèo cũng như một số động vật khác, là khắc tinh của chuột. Thiên nhiên vốn dĩ rất cân bằng, tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín. Nếu như không bị tận diệt, thì bản thân loài rắn cũng như một số loài cầy hay các loài chim đã đủ sức diệt chuột ở mức độ cân bằng, không bao giờ khiến chuột thành một nạn dịch như đã từng. Loài mèo chủ yếu diệt chuột nhà, sau khi được con người thuần hóa.

Một số quốc gia thả mèo vào rừng để diệt chuột, rồi với sự hăng hái quá mức, chính mèo lại trở nên nạn dịch sau khi..diệt xong chuột. Tất nhiên, loài chuột chưa bao giờ được coi là có ích, nhưng nó là thức ăn của một số loài động vật có ích. Trong những nghiên cứu khoa học gần đây, người ta đã chỉ ra trên lý thuyết những hậu quả nếu một ngày nào đó, loài chuột biến mất. Bởi nó kéo theo lỗ hổng về chuỗi thức ăn cũng như cân bằng của các loài động vật khác.

Có một thời gian, tôi khốn đốn vì nạn chuột trong nhà. Không hiểu từ lúc nào, ở nhà xuất hiện một con chuột già, trên đầu trụi hết lông. Con chuột này tinh ranh đến độ không thể đặt bẫy và đánh bả. Thậm chí, cứ tối đến là nó ra ăn cả cơm trong bát của mèo, mà con mèo đứng im nhìn nó ăn chứ không dám lại gần. Ở con chuột già này toát ra một cái uy, khiến con mèo ta đã bắt hàng chục con chuột từ nhỏ đến lớn phải khiếp sợ.

Dần dần, tôi chấp nhận sống chung với con chuột ấy, bởi từ khi có nó, nhà không còn bị những con chuột khác lẻn vào. Sau đó ít lâu, tôi sửa nhà, bịt các khe hở lại, thì không còn thấy con chuột già ấy trở lại. Nhà sửa xong, ai cũng muốn giữ cho sạch sẽ, lại không để thừa thức ăn rơi vãi, cho nên từ ngày đó tới giờ không thấy chuột vào nhà, mặc dù đêm hôm vẫn nghe thấy tiếng chuột rúc ở rất gần.

Chỉ có cách đó là ngăn chuột triệt để chứ các loại bẫy hay bả chỉ là biện pháp tình thế, do loài chuột khá thông minh. Ngày trước không để ý, chỉ thấy tiếng chuột rúc rất khó chịu, sau này đọc mới biết chúng hay gọi nhau để tự tình ở tần số cao ngoài ngưỡng con người nghe được. Thành thử việc học tiếng của loài chuột để bắt chước rồi dụ chúng đến là điều bất khả thi, bởi muốn học được thì phải nghe được trước đã.

Bằng những gì mình biết, tôi xây dựng ra nhân vật Vua chuột và hai đàn em ấy, tạm hài lòng bởi mình đã làm hết sức. Nghề viết là vậy, chỉ tạm hài lòng mà thôi, chứ không có ngưỡng nào cả, bởi sau này vở diễn sống được hay không thì đấy chính là câu trả lời chính xác nhất. Rất mừng là Căn bếp đại chiến với trận chiến thư hùng giữa cô Mèo con nhỏ nhắn và gã Vua chuột to lớn đã làm khán giả thiếu nhi say mê, khi nó hồn nhiên và hoàn toàn không có tính bạo lực để làm tổn thương tâm hồn thế hệ mầm non.

Gã Vua chuột dù là nhân vật phản diện, nhưng vẫn có nét dễ thương như những con chuột hamster, lại láu lỉnh như loài chuột nhắt, và phong trần như chuột đồng. Vì đã lên sân khấu, mọi thứ đều phải đẹp, và với khán giả trẻ, không những đẹp mà còn phải dễ thương.

Năm con chuột, kể những chuyện này ra, hy vọng độc giả có một chút gì đó vui vẻ nhân những ngày đầu xuân.

Nhà văn

Nguyễn Toàn Thắng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vo-kich-dong-thoai-hap-dan-ve-loai-chuot-101860.html