Vở kịch 'Cậu Vanya': Trăn trở về số phận con người

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Nhà hát Không tường - Nhật Bản cùng dàn dựng, biểu diễn vở kịch 'Cậu Vanya' (tác giả: A.P Chekhov, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama), ra mắt khán giả Việt Nam tại Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng.

Một cảnh trong vở diễn.

Một cảnh trong vở diễn.

Vở kịch kinh điển làm nức lòng giới yêu sân khấu

Vở kịch kinh điển đã làm nức lòng giới yêu sân khấu, tác phẩm là niềm tự hào của Nhà hát Tuổi trẻ với cách dàn dựng đậm chất đương đại và nghệ thuật cao sẽ trở lại với quý vị vào 20h ngày 8 - 9/8/2019 tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Đây là một tác phẩm đã làm thức tỉnh bao trái tim người xem và những trăn trở về số phận con người. Tác phẩm đã để lại dấu ấn mãnh liệt cho giới yêu sân khấu..

Nhà hát sẽ có chuyến lưu diễn cùng với “Cậu Vanya” tại Nhật vào tháng 11/2019. Và đây sẽ là bước đệm để Nhà hát Tuổi trẻ sẽ giới thiệu vở kịch biểu diễn tại các nước châu Âu trong khuôn khổ các kỳ liên hoan.

Dự án hợp tác này nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhằm thúc đẩy, thắt chặt giao lưu hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản qua các tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới, quy tụ dàn diễn viên tài năng của hai nước cùng sự tham gia của đội ngũ sáng tạo, chuyên gia sân khấu hàng đầu Nhật Bản.

Có thể nói, vở diễn “Cậu Vanya” là tác phẩm đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ được thực hiện theo quy chuẩn dàn dựng khắt khe của nền sân khấu Nhật Bản qua quá trình thảo luận, casting gần 3 năm và tập luyện, sáng tạo của các nghệ sĩ hai bên trong suốt 3 tháng.

Tác phẩm là một sự kết hợp ăn ý của những diễn viên rất được yêu mến của Nhà hát Tuổi trẻ và đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cùng ekip đến từ Nhật Bản đầy tài hoa và sáng tạo. Với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng: NSƯT Đức Khuê, Quỳnh Dươn, Hương Thủy, Thu Quỳnh, Asaki Nakamura, Thanh Bình, Thanh Dương, NSND Lê Khanh, Tú Oanh, Mạnh Hoàng, Tùng Anh và các nghệ sĩ của Nhà hát Không tường - Nhật Bản cùng trình diễn đã đem đến một tác phẩm sân khấu hấp dẫn.

NSND Lê Khanh.

"Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội quý giá cho khán giả yêu nghệ thuật sân khấu và yêu văn hóa Nga có dịp thưởng thức tác phẩm và nét tinh hoa của thiên tài văn học Nga và nhân loại - Anton Pavlovich Chekhov theo một cách tiếp cận mới mẻ lần đầu có mặt tại Việt Nam", đại diện nhà hát Tuổi trẻ cho biết.

Nhà hát Không tường (Theatre Centre Without Walls) là một trong những nhà hát nổi tiếng tại Nhật Bản với phong cách nghệ thuật đương đại.

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama được biết đến là đạo diễn tài năng hàng đầu của Nhật Bản với phong cách dàn dựng hiện đại và khả năng giải mã kịch bản đầy biến ảo, hài hước. Anh đã từng nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Tại Nhật Bản, Tsuyoshi Sugiyama hiện là gương mặt tiêu biểu cho thế hệ đạo diễn trẻ đang dần khẳng định được tên tuổi của mình trong nước và quốc tế.

Chekhov là người viết truyện ngắn nổi tiếng của nước Nga vào cuối thế kỷ XIX. Đồng thời, ông cũng là một nhà viết kịch kỳ diệu. Đến nay, người ta thường gọi Chekhov là "nhà văn làm ta muôn thuở say mê". Ông đã để lại cho nhân loại một di sản văn chương vô cùng phong phú và độc đáo. Kịch Chekhov cho đến nay đối với chúng ta vẫn còn là mới mẻ.

Hiện nay, những vở kịch của Chekhov viết vẫn được các nhà hát trên toàn thế giới dàn dựng và trình diễn. Dựng kịch của Chekhov rất khó, giải mã những tầm sâu về tư tưởng trong kịch bản của ông luôn là thách thức đối với những người làm nghệ thuật. Đó là lý do mà sân khấu Việt chưa có nhà hát nào dựng kịch của Chekhov. Có lẽ vì vậy mà những người hiểu và yêu kịch Chekhov đã rất hào hứng chờ đón tác phẩm Cậu Vanya của Chekhov công diễn.

Thu Quỳnh đã thoát khỏi vai My Sói trong phim “Quỳnh búp bê” để lột tả một cô gái thuần chất nông dân, trong sáng, lương thiện

Catsing suốt 3 năm, dàn dựng suốt 3 tháng

Rất kỳ công để dựng "Cậu Vanya", Nhà hát Không tường đã đưa toàn bộ ê kíp sáng tạo từ đạo diễn, thiết kế mỹ thuật sân khấu, phục trang, ánh sáng, âm nhạc, hình ảnh và thiết kế âm thanh sang Việt Nam phối hợp với nghệ sĩ Việt Nam dàn dựng suốt 3 tháng qua.

Nghệ sĩ hai nước đã cùng nhau sáng tạo và giải mã một cách riêng về vở kịch này của Chekhov, thay vì thế mạnh là ngôn ngữ thì các nhân vật trong "Cậu Vanya" lại có dùng chủ đạo bằng ngôn ngữ hành động và sân khấu khi phát huy tối đa những kỹ thuật hiện đại. Thông thường khi dựng kịch bản kinh điển của thế giới, các tác phẩm thường cố gắng khắc họa lại bối cảnh, không gian của vở qua cách trang trí, trang phục, âm nhạc cho đến cách thể hiện của nhân vật.

Thế nhưng, "Cậu Vanya" đã đi qua mọi rào cản của không gian, thời gian, không lệ thuộc vào việc phải cố tái hiện bối cảnh nước Nga thế kỷ 19 mà chuyện kịch đề cập, đạo diễn và các nghệ sĩ đã đi sâu vào khai thác tầng sâu giá trị tư tưởng của kịch, các nhân vật kịch sống động với những suy nghĩ, hành động hiện hữu trong cuộc sống đương đại.

Vở kịch xoay quanh cuộc sống của những người lao động ở tầng lớp bị coi là “bé nhỏ” (đại diện cho nhân vật cậu Vanya và cô cháu Sonya). Họ làm việc cần cù và vất vả, phục tùng những kẻ bất tài, giả dối, kiêu ngạo một cách mù quáng và lầm tưởng rằng đang phụng sự cho một lý tưởng cao đẹp. Cơn uất ức phẫn nộ khi phát hiện ra sự thật của những người nhỏ bé ấy cũng không thể kéo dài hay đủ mạnh để đưa tới những quyết định bước ngoặt nhằm thay đổi cuộc đời.

Bởi lẽ, họ tin rằng thân phận hèn yếu của mình không thể thay đổi được cuộc sống xung quanh. Thế là họ buông xuôi, rơi tiếp vào vòng luẩn quẩn của sự cam chịu, chấp nhận số phận cứ lặp đi lặp lại, chờ đợi với niềm tin rồi ngày mai cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn, họ sẽ được nghỉ ngơi…

Xem "Cậu Vanya" chắc hẳn sẽ không ít khán giả nhận ra và thấy con người mình có thể đã và có thể có lúc rơi vào tình cảnh của những nhân vật trong kịch. Ngày hôm nay, có thể cuộc sống của ai đó còn đầy những khó khăn, những vất vả và cả những uất ức chất chứa… nhưng không lẽ cứ phải than thân, trách phận, cứ phải bằng mọi giá phải đạt được, phải vượt qua được thực tại? Cái kết của Cậu Vanya chắc hẳn sẽ giúp mỗi con người đều có thể tự trả lời cho mình một lối thoát trong cuộc sống, có thể đó chỉ là lối thoát bằng niềm tin, sự hy vọng.

Ngay như việc pha trộn trong diễn xuất giữa nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản cùng trên sân khấu cũng mang lại cảm giác lạ lẫm, thích thú. "Cậu Vanya" thành công chính là nhờ vào tài nghệ diễn xuất của các nghệ sĩ tham gia với: Elena (Che Hemi), Vanya (NSƯT Đức Khuê), Astrov (Thanh Bình), Sonya (Thu Quỳnh)...

Nhân vật Elena, vợ của giáo sư, mẹ kế của Sonya do nữ nghệ sĩ Nhật Bản Che Hemi thể hiện vô cùng quyến rũ. Nhân vật xinh đẹp này như một vệ tinh hút hồn những nhân vật đàn ông trong kịch, nhờ vào sự tung tẩy phối hợp ăn ý mà Vanya của NSƯT Đức Khuê, bác sĩ Astrov của Thanh Bình cũng vô cùng ấn tượng bởi sự si tình cũng như khao khát được yêu, được chiếm hữu người phụ nữ mà họ tôn thờ này.

Có thể thấy được sự “lột xác” của NSƯT Đức Khuê trong vai cậu Vanya khi anh đã vượt qua cái vẻ hài hước bề ngoài lâu nay để diễn tả thành công ra chất một người nông dân, yêu đến mê muội người vợ kế của cậu em vợ và điên cuồng phẫn uất khi bị hất ra khỏi mảnh đất mà mình đã cống hiến cả tuổi thanh xuân.

Sau khi ra mắt khán giả tại Việt Nam, vở diễn “Cậu Vanya” sẽ tiếp tục hành trình chinh phục khán giả tại Nhật Bản trong năm 2019.

Nguyễn Thanh

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/vo-kich-cau-vanya-tran-tro-ve-so-phan-con-nguoi-d102790.html