Vở kịch 20 năm được tái hiện trên sân khấu Quyền lực ghế nóng

Đêm thi thứ 5 có chủ đề 'Thoại kịch' của chương trình Quyền Lực Ghế Nóng, đã tái hiện lại trích đoạn thứ 4 của vở kịch Bến bờ xa lắc - một vở kịch tâm lý xã hội rất nổi tiếng, với sức sống đã hơn 20 năm, do NSND Xuân Huyền làm đạo diễn và kịch bản của nghệ sĩ Lê Thu Hạnh, từng đoạt rất nhiều giải thưởng sân khấu.

Ban giám khảo trong đêm thi với chủ đề "Thoại kịch"

Trong đêm thi NSND Lê Khanh không chỉ tham gia với vai trò diễn viên chính trong trích đoạn, cô còn là giám khảo khách mời của chương trình, bên cạnh NSƯT Chí Trung. Cả hai không chỉ đòi hỏi khả năng quan sát, diễn đạt của 4 thí sinh Quốc Việt, Minh Mẫn, Việt Hồ, Tuấn Đạt mà còn đòi hỏi những góc nhìn khác biệt, đa chiều và chuyển tải đúng thông điệp của tác phẩm.

Ban giám khảo và 4 thí sinh nam trong chương trình

Trong đêm thi này, 4 thí sinh nam đã đưa ra những góc nhìn hết sức thú vị về tình yêu, sự hy sinh và hạnh phúc của người phụ nữ. Có những quan điểm hết sức trong trẻo, thánh thiện nhưng cũng có những quan điểm rất thực tế mà người xem có thể bất ngờ. Đây là một đêm thi hấp dẫn, đặc biệt với chị em phụ nữ nhất là khi sắp đến ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Trích đoạn kịch Bến bờ xa lắc được chia làm 2 phần. Phần 1 nói về buổi hẹn hò của Quang (nghệ sĩ Thanh Sơn) và cô bạn gái Phương (nghệ sĩ Thu Quỳnh).

Phân cảnh trong phần 1 của vở kịch Bến bờ xa lắc

Trong trích đoạn này, thí sinh Phạm Minh Mẫn (MC –Copywriter) cho rằng dù vở kịch ra đời đã hơn 20 năm nhưng vấn đề mà vở kịch đặt ra đến nay vẫn chưa bao giờ cũ. Anh cũng đặt ra câu hỏi rằng không biết từ bao giờ người ta lại lấy sự hy sinh để làm chuẩn mực đánh giá người phụ nữ?

Thí sinh Minh Mẫn đưa ra ý kiến khi xem xong phần 1 của vở kịch

Thí sinh Nguyễn Việt Hồ (Biên tập viên – MC) thì cho rằng còn rất nhiều người phụ nữ Việt ở quê, chưa một lần, thậm chí cả đời cũng chưa được thưởng thức trực tiếp những vở kịch như thế này. Rất nhiều người trong đó chấp nhận hoàn cảnh của mình, cũng có nhiều người được quyền lựa chọn con đường tốt hơn nhưng vì con, vì gia đình hạnh phúc của mình, họ lại cam chịu từ hôm nay đến ngày mai và thậm chí có cả những phụ nữ cam chịu suốt cả một đời. Với vở kịch này, Việt Hồ nghĩ người Việt nên xem nhiều hơn bởi đất nước mình, đàn ông gia trưởng quá nhiều.

Thí sinh Nguyễn Việt Hồ

Thí sinh Trần Tuấn Đạt (Thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế trường ĐH KHXH&NV) cho rằng câu chuyện mà vở kịch đặt ra vẫn đang diễn ra hàng ngày. “Có những người mẹ, người chị rất hạnh phúc khi được chăm sóc cho gia đình mình nên tại sao lại khuyến khích họ đi ra ngoài trong khi họ không thích. Còn những người rất muốn được đi ra ngoài nhưng lại không được vì những rào cản, những thói quen, nề nếp của gia đình, của chồng hoặc của cả xã hội áp đặt lên mình” Chính vì vậy anh không đả kích nhân vật nào trong trích đoạn kịch và cũng không đứng về phía nào bởi câu chuyện chỉ mới là phần đầu.

Thí sinh Trần Tuấn Đạt

Thí sinh Nguyễn Quốc Việt (Biên kịch trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM) đưa ra góc nhìn khác biệt: “Trích đoạn vừa rồi có thể chia làm 2 phần. Ở phần đầu tiên, tôi nghiêng về chiều hướng những người sống trong vùng tối đó không nhận thức được vấn đề của mình, có khi cần phải có người đứng ở bên ngoài để nhìn nhận và đánh giá nó.

Thí sinh Nguyễn Quốc Việt

Phần hai của trích đoạn nói về cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng ông Tùng (nghệ sĩ Sĩ Tiến) và bà Thúy (NSND Lê Khanh)

Sau khi ông Tùng đi làm về và nhận thấy sự thay đổi từ vợ của mình. Bà Thúy đã không ở nhà, chờ đợi ông với mâm cơm đã được chuẩn bị tươm tất như mọi ngày và mọi năm. Bà về nhà muộn với tâm lý khác với mọi ngày. Bà yêu đời hơn, ánh mắt long lanh và nhịp tim cũng đập mạnh hơn. Cách nói chuyện hào hứng và đôi lúc bối rối của bà Thúy cũng khiến ông Tùng cảm thấy bất an. Nhiều năm qua, ông đã quen với việc bà luôn luôn lắng nghe và không bao giờ hỏi lại, luôn luôn mỉm cười và chẳng hề tỏ ra ngạc nhiên. Còn với bà Thúy, bà cảm thấy những điều đó ngày càng làm cho bà trở nên tẻ nhạt..

Nhận xét về phần thể hiện của 4 thí sinh, NSND Lê Khanh cho rằng trong trích đoạn kịch không có nhân vật xấu hay nhân vật không đẹp mà vấn đề chỉ là quan điểm của mỗi nhân vật khác nhau. Chị khen cả 4 thí sinh đều có khả năng quan sát kỹ và khả năng phân tích nội dung, gần như rất đồng đều và cả 4 gần như thống nhất trong quan điểm nhìn nhận về vấn đề của vở kịch này. Tuy nhiên, theo chị: “Nó hơi xuôi chiều, còn thiếu, tôi thèm sự phá phách. Các bạn hơi thiên vị Thúy đấy.

NSND Lê Khanh nhận xét về phần thi của 4 thí sinh

Giám khảo Chí Trung cảm thấy thú vị với ý kiến của Quốc Việt. “Đấy là sự thể diện của đàn ông và sự cô đơn của người phụ nữ. Tôi cũng thích ý kiến của Minh Mẫn. Tôi đánh giá cao ý kiến của 2 bạn nhưng thích ý kiến của Quốc Việt hơn”. Theo anh, Việt Hồ cũng có ý rất hay nhưng chưa đủ để cắt nghĩa nhân vật, cắt nghĩa vở diễn và truyền thông điệp nhân văn cho khán giả. Tuấn Đạt lại hay bị bệnh lan man ở phần cuối và bị lệch mất trục. “Tóm lại, ai cũng muốn người phụ nữ luôn luôn tốt đẹp, luôn luôn có hạnh phúc nhưng liệu có ai hỏi người đàn ông có hạnh phúc? Tùng có hạnh phúc đâu! Tùng quần quật ra, khổ lắm chứ! Không hề ngoại tình, không hề bia rượu, không karaoke, không một phút gì cả…” NSƯT Chí Trung nói.

Giám khảo Chí Trung chia sẻ ý kiến về vở kịch cũng như nhận xét phần dự thi của 4 thí sinh

Kết thúc đêm thi thứ 5, Quốc Việt đã nhận được số điểm cao nhất 19,5 điểm, kế đến là Minh Mẫn với 19 điểm, Tuấn Đạt 17,5 điểm và Nguyễn Việt Hồ 16,5 điểm. Số điểm này đã thay đổi bảng xếp hạng của 4 thí sinh sau 3 đêm thi. Dẫn đầu là thí sinh Minh Mẫn với 115,5 điểm, kế đến là Tuấn Đạt 111,5 điểm, Quốc Việt 111,5 điểm và Nguyễn Việt Hồ: 105 điểm. Với số điểm thấp nhất, Nguyễn Việt Hồ đã phải chia tay với chương trình.

Đêm thi thứ 6 của chương trình Quyền Lực Ghế Nóng sẽ tiếp tục với chủ đề Thoại kịch của bảng thi Nữ với phần tranh tài của 4 thí sinh: Mộng Tuyền, Diệu Anh, Phương Thảo và Tường Yên.

Ngân Hà. Ảnh: Thu Thảo

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/vo-kich-20-nam-duoc-tai-hien-tren-san-khau-quyen-luc-ghe-nong-d62353.html