Vợ không hiểu chuyện, nhất định đòi thờ bố mẹ đẻ ở nhà chúng tôi

Tôi giải thích rất nhiều về tâm linh, truyền thống, đưa ra các giải pháp dung hòa nhưng vợ vẫn cứng đầu không chịu, nhất định đưa bát hương bố mẹ đẻ cô ấy về thờ.

Vợ tôi là con một, bố mất từ nhiều năm trước, mẹ qua đời cũng gần 2 năm. Mới đây, vợ bảo với tôi khi mãn tang mẹ sẽ mang di ảnh và bát hương 2 cụ về nhà chúng tôi thờ cúng. Vì chuyện này mà gia đình rất căng thẳng, hết chiến tranh nóng lại sang chiến tranh lạnh.

Tôi nói với vợ, không ai thờ ông bà nhạc ở nhà con rể. Tôi là con trai, chỉ thờ tổ tiên họ nội nhà mình, và mẹ tôi khi sau này cụ quy tiên. Nếu đặt thêm bài vị, bát hương bố mẹ vợ thì rất trái lẽ, chẳng những bố mẹ tôi, tổ tiên nhà tôi không đồng ý, mà tôi chắc rằng hương hồn bố mẹ vợ cũng không ưng “ở nhờ” bên nhà con rể. Ngày rằm, mùng 1 toàn bên thông gia, các cụ là khách sẽ cảm thấy tủi thân lắm.

Vợ tôi cãi, bảo rằng hương hồn bố mẹ cô ấy ở cạnh con gái và con rể mình chứ chẳng ăn nhờ ở đậu nhà ai. “Đây nhà là của chúng ta, có phải của riêng anh đâu mà anh nói ở nhờ con rể? Nếu ở nhà ông bà nội thì em không dám, cũng không muốn đưa ông bà ngoại về đó. Vả lại nhà mình hiện nay cũng chỉ mới thờ thần linh táo quân gì đó chứ đã thờ ai đâu”.

Vợ tôi còn bảo, em tìm mọi cách, cố gắng sớm mua nhà ở riêng cũng là để mang bố mẹ về thờ, muốn bố mẹ sớm hôm ở bên con cái chứ không phải chạy qua chạy lại một chốn đôi nơi. Chính vì quyết định như vậy nên em mới đồng ý năm sau sẽ bán căn nhà bố mẹ để lại để trả hết nợ mua nhà mới, phần còn lại là lộc của ông bà cho cháu ngoại sau này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghe vợ nói tôi mới biết hóa ra cô ấy tính toán từ trước. Vậy mà trước đó tôi chỉ nghĩ vợ muốn ra riêng cho thoải mái tự do. Nhưng cho dù nhà của vợ chồng tôi đi nữa thì việc thờ cúng phải theo truyền thống, nhà riêng thì cũng phải thờ theo đường nội. Tôi lại là con trai trưởng, chuyện hương khói nếu làm không đúng thì không chỉ bố mẹ mà cả các bác các chú trong họ cũng sẽ phản đối.

Tôi nói với vợ, chuyện này em không nên cố chấp. Thờ cúng là chuyện cái tâm của mình. Gần 2 tháng sau khi mẹ mất, em gần như ở hẳn bên nhà ngoại để chăm sóc đèn nhang, cúng cơm ngày 3 bữa. Sau đó, các ngày rằm, mùng 1, các ngày quan trọng em đều qua thắp hương, cứ như vậy đến lúc mãn tang cũng là tròn đạo hiếu rồi. Các cụ là Phật tử nên sau này có thể gửi lên chùa cho mát mẻ.

Có vẻ vợ tôi cũng đuối lý nên sinh ra cùn. Vợ bảo chẳng việc gì phải như vậy, và cô ấy nhất quyết đưa bố mẹ về nhà chúng tôi thờ. Vợ còn bảo tôi gia trưởng, bảo thủ, ích kỷ, không biết nghĩ cho cảm xúc của người khác, và từ hôm đó đến giờ làm mặt lạnh với chồng.

Thật ra, nhiều lúc tôi muốn nhượng bộ cho vợ vui, nhưng rồi vẫn phải giữ vững lập trường vì bố mẹ tôi không đồng ý. Hôm nọ tôi vừa ướm một chút bố tôi đã nghiêm mặt gạt phắt đi rồi. Bố nói dù đó là nhà riêng thì sau này tôi vẫn phải đảm nhiệm việc thờ cúng tổ tiên thay bố, việc đặt bát hương người ngoài gia tộc trên bàn thờ nhà mình là tối kỵ.

Ngay tối hôm đó, bác trưởng họ còn gọi điện nhắc đi nhắc lại là không được làm thế kẻo tổ tiên không vui sẽ không phù hộ, làm ăn lụn bại, gia đạo không yên, một nhà không được thờ hai họ.

Bố mẹ tôi rất thương con dâu nên cũng suy nghĩ rất nhiều. Hôm qua, bố tôi gợi ý một giải pháp, đó là hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm, làm thêm để có tiền trả nợ mua nhà, ông bà cũng sẽ giúp một ít, để không phải bán căn nhà do bố mẹ vợ tôi để lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục qua lại thắp hương cho các cụ ở đấy, như vậy cũng ấm áp. Tôi suy nghĩ, thấy đây là phương án tốt nhất, có thể dung hòa hai bên.

Thật không ngờ vợ tôi vẫn không đồng ý. Cô ấy kiên quyết bảo con cái ở đâu bố mẹ ở đấy, hồi bố mẹ còn sống cô ấy không làm được thì bây giờ dứt khoát phải làm. Hoặc là đưa bố mẹ về nhà chúng tôi, hoặc vợ chồng con cái dọn sang sống bên nhà ông bà ngoại. Nhưng ở nhà ngoại thì hai vợ chồng đi làm đều xa, con cái đi học cũng xa, muốn nhờ ông bà nội hay cô chú đưa đón đều không tiện.

Tôi không hiểu nổi tại sao vợ lại cứng đầu cứng cổ, cố chấp như vậy. Cả tôi lẫn gia đình bên nội đều rất nghĩ cho cô ấy và đều lùi nước nhưng cô ấy vẫn ương bướng không nhượng bộ một ly. Tôi phải làm sao để thuyết phục vợ bây giờ? Liệu có phương án nào ổn hơn mà chúng tôi chưa nghĩ tới không?

(*) Bài viết đã được biên tập lại theo văn phong báo chí

Độc giả có ý kiến phản hồi, xin nhập vào box bình luận phía dưới

Nếu bạn có những khúc mắc trong cuộc sống, xin đừng ngần ngại gửi cho chúng tôi để nhận được sự sẻ chia chân thành và lời khuyên nghiêm túc của độc giả. Ý kiến xin gửi đến tamsu@vtc.gov.vn, mục Đời sống.

Hoàng Lâm

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tam-su/vo-khong-hieu-chuyen-nhat-dinh-doi-tho-bo-me-de-o-nha-chung-toi-ar546664.html