Vỡ đường ống nước Vinaconex không đòi bồi thường: Lạ lùng

Khi vụ án đã được khởi tố điều tra thì việc Vinaconex đưa ra Nghị quyết là không có giá trị và người dân hoàn toàn có thể đòi bồi thường.

Người dân cũng có quyền đòi bồi thường

Ngày 5/3, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà. Cơ quan tố tụng cáo buộc 9 bị cáo tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nhưng một điểm đáng chú ý trong vụ án này là vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự. Ngày 25/4/2016, HĐQT Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex có nghị quyết và quyết định nhất trí không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan phải bồi thường kinh phí sửa chữa, khắc phục sự cố tuyến đường ống.

Việc công ty này nhất trí không yêu cầu bồi thường khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: Chi phí đã bỏ ra sửa chữa có phải là thiệt hại của Nhà nước không? Nếu là thiệt hại thì tại sao lại không yêu cầu bồi thường?.

Trước những băn khoăn trên của dư luận, kỹ sư Đinh Văn Đính, nguyên Trưởng Ban Cơ khí Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) rất đồng tình.

Ông cho biết: "Tôi rất ngạc nhiên khi một đất nước sống theo pháp luật mà không làm theo Luật, trong trường hợp này đã làm sai thì phải bồi thường cho người bị hại.

Chi tiết chi phí khắc phục sửa chữa 18 lần vỡ ống nước sông Đà.

Nếu trường hợp Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex là doanh nghiệp tư nhân, thì việc họ không yêu cầu các cá nhân bồi thường khoản kinh phí sửa chữa sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên tại thời điểm sửa chữa đây là doanh nghiệp Nhà nước, thì phải làm rõ tiền dùng sửa chữa là tiền ngân sách hay tiền doanh nghiệp bỏ ra.

Và ở đây không chỉ là bồi thường sửa chữa đường ống mà là bồi thường cho người dân, người không được sử dụng nước do ống vỡ, rồi chi tiền đi mua nước sinh hoạt. Ở đây là dùng tiền của dân mà không hiệu quả, đầu tư sai thì phải trả cho dân.

Chưa kể thiệt hại lớn nhất ở đây là ảnh hưởng sức khỏe của dân chưa được nhắc tới, đây mới là vấn đề phải xem xét. Bởi dự án tự ý đổi từ chất liệu ống gang dẻo sang sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh, một loại ống mà đến người thợ xây dựng bình thường cũng biết là rất ô nhiễm, từ xưa đến nay chưa ai dùng.

Vì thế, trong trường hợp này không thể lờ đi trách nhiệm bồi thường vì đã đưa ra pháp luật, doanh nghiệp có đề xuất cá nhân không phải bồi thường cũng không được".

Bên cạnh đó, theo ông Đính, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước sông Đà từ 7/2014.

Để đảm bảo quyền lợi cho mình, người sử dụng nước sạch theo hợp đồng với Tổng Công ty Vinaconex cũng có quyền nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để được giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự lên tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Hoặc có thể khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại tại tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi bị đơn là cơ quan, tổ chức đặt trụ sở.

Tuy nhiên phải có những căn cứ để chứng minh những thiệt hại thực tế gây ra bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút trong thời gian mất nước do vỡ đường ống nước và thiệt hại đó phải là thiệt hại do việc vỡ đường ống nước và bị mất nước gây ra.

"Nếu như Vinaconex không yêu cầu bồi thường thì Bộ Xây dựng phải yêu cầu Vinaconex yêu cầu từng cá nhân, đơn vị bồi thường", ông Đính khẳng định.

Nghị quyết không cần bồi thường của Vinconex là không có giá trị

Đưa ra quan điểm về vấn đề này dưới góc độ Luật sư, Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho rằng:

"Khi ra tòa, HĐXX sẽ hỏi để làm rõ vấn đề này, vì sao Vinaconex không đòi bồi thường khoản tiền họ đã bỏ ra sửa chữa đường ống bị vỡ, đây là khoản kinh phí nằm trong vốn bảo trì hay khoản nào, cũng sẽ được trình bày rõ.

Nhưng theo tôi được biết Luật doanh nghiệp quy định Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần là cơ quan quyền lực cao nhất, nên mọi nghị quyết đều có giá trị cao.

Người dân hoàn toàn có quyền đòi bồi thường. Ảnh TNO

Tuy nhiên, điểm quan trọng là lúc Vinaconex đưa ra quyết định này thì vụ án đã được khởi tố.

Và nếu đã khởi tố rồi thì vấn đề thiệt hại được tính bằng quy trình của pháp luật hình sự, Luật tố tụng hình sự chứ không được tính theo quan hệ giao dịch dân sự, vậy Nghị quyết của Vinconex là trái pháp luật, không có giá trị".

Cũng theo vị Luật sư này, thì cơ quan điều tra đang điều tra các vấn đề liên quan đến thiệt hại tài sản của nhà nước, tài sản của các thực thể khác, mà Đại hội đồng cổ đông của Vinaconex hợp lý hóa bằng các ra Nghị quyết mà có liên quan đến vấn đề điều tra là không đúng theo quy định của pháp luật.

Bây giờ phải quy trách nhiệm, tìm ra thiệt hại và bồi thường đã không còn là vấn đề dân sự mà là khách thể của vụ án hình sự, tất cả phải chứng minh bản kết luận điều tra, cáo trạng và bản án dân sự.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vo-duong-ong-nuoc-vinaconex-khong-doi-boi-thuong-la-lung-3353883/