Vỡ đường ống nước Sông Đà: Lộ chuyện 'gà đẻ trứng vàng'

Dù đã xảy ra sự cố đường ống, nhưng Tổng công ty Vinaconex vẫn thu về hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Chiều 9/3, phiên tòa xét xử vụ vỡ đường ống nước Sông Đà tiếp tục với phần tranh luận. Theo cáo buộc, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng từ năm 2004 đến 2009 thì hoàn thành. Trong quá trình vận hành, khai thác, nhiều tuyến ống liên tục xảy ra sự cố nứt, vỡ.

Tiến hành giám định, Bộ Xây dựng kết luận, nguyên nhân do chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không đảm bảo yêu cầu thiết kế và độ bền đạt thời gian 50 năm. Từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ.

Đại diện VKS trình bày quan điểm

Việc vỡ hệ thống đường ống nước sông Đà dẫn đến đơn vị khai thác, kinh doanh phải bỏ ra hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ, với lưu lượng nước bị ngừng trệ lên tới hơn 1,7 triệu m3.

Theo văn bản số 0284/2018/CV- PC của Tổng công ty CP Vinaconex gửi các cơ quan tố tụng, Dự án nước sạch Sông Đà đã đáp ứng được lợi ích to lớn cho xã hội và mang lại hiệu quả kinh tế cho chủ đầu tư. Việc kịp thời hoàn thành giai đoạn 1 của dự án đã giải tỏa cơn khát nước sạch cho Thủ đô.

Chỉ một năm dự án đi vào khai thác, Vinaconex đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư của 43,6% vốn góp là 218 tỷ đồng và lãi 327 tỷ đồng, trong khi vẫn sở hữu 51% vốn điều lệ. Ngoài ra, trong các năm 2015, 2016, mỗi năm Tổng công ty Vinaconex nhận cổ tức 15% tổng số cổ tức là 76,5 tỷ đồng.

Mặc dù đã xảy ra sự cố đường ống, nhưng khi Tổng công ty Vinaconex thực hiện việc tái cấu trúc Viwasupco lần 2, nhiều nhà đầu tư vẫn quan tâm đến dự án. Ngày 1/12/2017, Tổng công ty Vinaconex đã tổ chức bán đấu giá thành công 25,5 triệu cổ phần của Viwasupco, thu về hơn 1.017 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận là 762,5 tỷ đồng.

Như vậy, về hiệu quả kinh tế, việc đầu tư dự án nước Sông Đà - HN đã mang lại lợi nhuận chỉ riêng cho Vinaconex đạt tổng cộng là 1.166 tỷ đồng (chưa kể lợi nhuận từ hoạt động xây lắp).

Theo Vinaconex, các sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà thời gian qua là sự cố kỹ thuật rất đáng tiếc, là rủi ro kỹ thuật không lường trước được trong quá trình tự nghiên cứu, thiết kế, thi công và sản xuất ứng dụng công nghệ, vật liệu mới lần đầu tiên dự án tại VN.

Tuy nhiên, đây là dự án xã hội hóa, hoàn toàn sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, việc phải dừng cấp nước khi sửa chữa hàng năm không gây thiệt hại ngoài dự kiến cho chủ sở hữu công trình.

Chiều 9/3, trong phần đối đáp, đại diện VKS cho rằng, về hậu quả vụ án, các luật sư nêu không có thiệt hại. Tuy nhiên theo quan điểm của VKS, vụ án truy tố xét xử 9 bị cáo với 18 lần vỡ ống và 23 cây ống bị vỡ.

Theo tài liệu có trong hồ sơ, đơn vị vận hành đã chi phí cho việc khắc phục sự cố vỡ ống là hơn 16,6 tỷ đồng. Ngoài ra, khi vỡ ống, đơn vị khai thác dự án phải dừng cấp nước để thi công đoạn ống bị vỡ với tổng thời gian ngừng cấp nước là 386 giờ, gây ảnh hưởng rất nhiều tới người dân.

Việc vỡ ống đã gây ra thiệt hại, nhưng đơn vị khai thác dự án đã có văn bản không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. Lý do là đã dùng nguồn tiền dự phòng để chi phí.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/vo-duong-ong-nuoc-song-da-lo-chuyen-ga-de-trung-vang-434825.html