Vở diễn Thạch Sùng: Đưa câu chuyện dân gian lên sân khấu tuồng

Từ lâu, câu chuyện dân gian Thạch Sùng đã quá quen thuộc với nhiều người, được đưa lên nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu khác nhau. Mới đây, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa đã chuyển thể câu chuyện này lên sân khấu tuồng.

Từ lâu, câu chuyện dân gian Thạch Sùng đã quá quen thuộc với nhiều người, được đưa lên nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu khác nhau. Mới đây, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa đã chuyển thể câu chuyện này lên sân khấu tuồng.

Tối 16-9, Đoàn Nghệ thuật tuồng (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) diễn báo cáo vở Thạch Sùng. Vở diễn do tác giả Trần Kim Chín viết kịch bản, ông Vũ Tiến Thêm - nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh làm đạo diễn. Trong khoảng thời gian gần 60 phút, thông điệp về lối sống nhân nghĩa, đạo đức, đoàn kết, tương thân tương ái giữa con người với con người trong cuộc sống đã được khéo léo chuyển tải đến người xem. Vở diễn bắt đầu với cảnh lang thang xin ăn của nhân vật Thạch Sùng, nhưng hoàn cảnh bi đát đó lại không khiến cho người xem cảm thương. Bởi đằng sau vẻ ngoài nhếch nhác của nhân vật lại ẩn chứa những mưu đồ gian xảo. Và thực tế, khi được nhân vật Thầy đồ tiết lộ cho biết sắp có lũ lụt lớn, Thạch Sùng đã nhanh chóng nghĩ tới việc thu gom thóc gạo, đầu cơ để bán lại cho người dân với giá cao gấp nhiều lần để thu lợi. Từ đó, Thạch Sùng trở nên giàu có và ngông nghênh, kiêu ngạo, tự cho mình là người lắm của, nhiều tiền nhất thiên hạ. Trong Thạch Sùng lòng hiếu thắng, đắc thắng đã chi phối mọi suy nghĩ, hành động. Để đến kết cục, Thạch Sùng đã bị trắng tay cũng bởi chính sự hiếu thắng của mình. Trong cuộc tỉ thí của cải với Vương gia, nhân vật Thạch Sùng đã cay đắng khi tìm khắp không có nổi được chiếc mẻ kho.

Một cảnh diễn trong vở Thạch Sùng.

Một cảnh diễn trong vở Thạch Sùng.

Nội dung câu chuyện dân gian tương đối đơn giản, nhưng đó là bài học cho những ai đã và đang có suy nghĩ, hành động lối sống coi thường đạo lý, bất chấp tất cả để đạt được mục đích của mình, sẽ nhận lại những kết cục không như mong muốn. Vậy nhưng, để có thể chuyển tải được nội dung câu chuyện dân gian đó lên sân khấu tuồng là điều không dễ. “Khi dựng vở này, bản thân tôi thấy có cái khó trong việc chuyển thể từ một câu chuyện dân gian đã quá quen thuộc với mọi người lên nghệ thuật sân khấu tuồng. Chủ đề tư tưởng rất hay, nhưng thường phù hợp với loại hình dân ca kịch, còn khi chuyển qua sân khấu tuồng thì không được thuận lắm. Bởi ở sân khấu tuồng, trong ngôn ngữ diễn xuất của diễn viên có hát xướng, bộ kịch, nhưng trong câu chuyện dân gian lại không có. Vậy nên tôi đã chú trọng đưa diễn xuất cho nhẹ đi và đan xen vào các lớp kịch là những trò diễn dân gian”, ông Vũ Tiến Thêm cho biết.

Với một vở diễn không quá nặng về kỹ thuật sân khấu tuồng, nên diễn xuất của các diễn viên đều tương đối tròn vai. Các lớp diễn cũng không có quá nhiều những xung đột kịch, những cảnh diễn khó đòi hỏi khả năng diễn xuất của diễn viên cũng không nhiều. Trong đó, nhân vật chính là Thạch Sùng do diễn viên Cao Phước đảm nhận đã thể hiện được yêu cầu về tạo hình, diễn biến tâm lý, cũng như những đoạn diễn chuyển trạng thái của nhân vật. Thông qua đó, đã cho người xem thấy được tâm tính, thủ đoạn của Thạch Sùng. Theo nhận xét của nhiều người trong nghề, hiện tại, trình độ diễn viên của Đoàn Nghệ thuật tuồng đã được nâng lên một bước. Đây là điều thuận lợi bởi khi dựng vở, mỗi diễn viên đều nhanh chóng nắm bắt được tinh thần và nhập vai khá tốt. “Dù vở diễn này không có nhiều những tình tiết mang đậm chất tuồng. Nhưng khi xem vẫn cảm nhận được giá trị mà vở diễn muốn thể hiện. Các diễn viên diễn xuất cũng khá tốt, có những đoạn thực sự thu hút được khán giả”, bà Phạm Thị Nga (đường Sinh Trung) nhận xét.

Theo kế hoạch của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, vở tuồng Thạch Sùng sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả dưới hình thức nghệ thuật đường phố, cũng như phục vụ nhân dân ở các địa phương. Chính vì thế, trong quá trình dàn dựng, ê kíp đã phải có sự tính toán từ yếu tố khán giả đến thiết kế sân khấu sao cho phù hợp nhất. Dù vẫn còn những chi tiết chưa được như ý muốn sẽ được các nghệ sĩ, diễn viên hoàn thiện trong thời gian tới. Nhưng với việc lựa chọn nội dung câu chuyện dân gian đưa vào sân khấu tuồng, có thể xem là cách để đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với thị hiếu nghệ thuật của khán giả hiện tại. Nó vừa thể hiện phần nào loại hình nghệ thuật sân khấu tuồng, vừa chuyển tải được những thông điệp ý nghĩa theo cách mượn xưa nói nay và vừa mang tính giải trí cho người xem.

Giang Đình

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202009/vo-dien-thach-sung-dua-cau-chuyen-dan-gian-len-san-khau-tuong-8184288/