'Vô diện sát nhân' của Phương Anh Đào - kịch bản tham lam, ngập lỗi

Dù sở hữu dàn diễn viên thực lực, 'Vô diện sát nhân' chưa tạo được sự hấp dẫn vì cốt truyện cũ, kịch bản nhiều lỗi. Thủ pháp gây sợ cũng lạm dụng yếu tố jump scare, ít bất ngờ.

Thể loại: Kinh dị, giật gân
Đạo diễn: Đinh Công Hiếu
Diễn viên: Phương Anh Đào, Hiếu Nguyễn, Oanh Kiều
Đánh giá: 6/10

(*) Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

 Hình ảnh trong phim Vô diện sát nhân.

Hình ảnh trong phim Vô diện sát nhân.

Lâu rồi bác sĩ Phương Anh (Phương Anh Đào) không được ngủ ngon. Giữa đêm, cô thường thức giấc vì những cơn ác mộng có nội dung tương tự. Trong mơ bác sĩ luôn thấy một kẻ không lộ rõ mặt, bám theo cô với con dao nhọn hoắt trên tay hòng cướp mạng.

Đôi lúc, cảm giác trong mơ sống động đến mức Phương Anh không phân biệt được thật giả. Dường như có một bí mật ẩn sau gã sát nhân mà cô không thể giải đáp.

Lạm dụng jump scare

Khó thể xếp Vô diện sát nhân vào thể loại trinh thám, dù có án mạng và kẻ giết người được giới thiệu ngay từ nhan đề.

Kịch bản không khai thác sâu yếu tố điều tra, phá án. Xuyên suốt thời lượng, nhân vật chính gần như ở thế bị động, là con mồi bị kẻ khác “dắt mũi” đến mức trở nên điên đảo, nghi ngờ hết người này đến người khác.

Phim có cốt truyện không mới. Đầu năm, Người lắng nghe - Khoa Nguyễn đạo diễn - cũng kể về một nữ văn sĩ bị giấc mơ ám ảnh, phải tìm đến chuyên gia tâm lý để trị liệu. Trùng hợp là Oanh Kiều góp mặt trong cả hai phim. Các dự án đều thuộc thể loại tâm lý, lồng ghép yếu tố kinh dị, giật gân để dẫn dắt câu chuyện.

Bác sĩ Phương Anh (Phương Anh Đào) thường xuyên bị các giấc mơ ám ảnh.

Có điều, Người lắng nghe chọn màu sắc kinh dị siêu nhiên (supernatural horror) khi nhân vật nhìn thấy ma quỷ. Trong khi đó, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Đinh Công Hiếu lại khai thác dòng slasher (kinh dị chém giết).

Cảm giác căng thẳng và sợ hãi được thiết lập khi nữ chính bị sát nhân truy đuổi, thậm chí đối diện cái chết. Tuy nhiên, yếu tố đâm chém chỉ được phát triển mạnh trong vài phân đoạn gần cuối. Ở hai hồi đầu, các cảnh quay chủ yếu mang tính hù dọa đơn thuần, chưa đủ nặng đô để “nắn gân” người xem.

Dù chỉ có kinh nghiệm thực hiện một số web drama và sitcom, đạo diễn Đinh Công Hiếu vẫn cho thấy sự tự tin trong lần chạm ngõ điện ảnh. Ở những cảnh kinh dị, anh áp dụng kỹ thuật tốt với phần âm thanh rùng rợn, chuyển cảnh bất ngờ.

Đáng tiếc, ê-kíp thiếu sáng tạo trong thủ pháp gây sợ. Giống Người lắng nghe, tác phẩm đi vào lối mòn của phim kinh dị Việt khi lạm dụng jump scare khiến khán giả giật mình. Sau đó, nhà làm phim luôn dùng giấc mơ để giải thích mọi thứ.

Khi tần suất jump scare tăng lên, hướng đi trở nên cũ kỹ. Người xem có thể dễ dàng đoán được mô-típ và bắt đầu cảm thấy nhàm chán.

Bi kịch hóa mọi tình huống

Bên cạnh cốt truyện quen thuộc, kịch bản ít nhiều làm giảm chất lượng phim. Với mong muốn giữ bí mật đến phút chót, ê-kíp cố gắng hạn chế tiết lộ về Phương Anh một cách tối đa. Điều đó khiến số phận nữ chính khó nhận được sự cảm thông.

Người xem chỉ biết cô là một bác sĩ trẻ tài năng, được nhiều người tôn trọng, có chồng đẹp trai và giàu có. Ám ảnh về những giấc mơ là điều duy nhất ngăn cản cuộc sống Phương Anh trở nên hoàn hảo.

Nỗi sợ được khai thác thông qua góc nhìn của nhân vật chính Phương Anh. Cô luôn cảm giác có ai đó theo dõi mình bất kể là mơ hay thật.

Để xây dựng thế giới của nữ bác sĩ, biên kịch liên tục cài cắm các nhân vật phụ, từ chồng Thiên Minh (Hiếu Nguyễn), đồng nghiệp là y tá Vy (Oanh Kiều), đến bạn thân Thái (Quách Ngọc Tuyên). Một cách tình cờ, bộ tứ lại quen biết nhau từ trước tạo thành mối quan hệ rối rắm.

Chưa kể, một số nhân vật được đưa vào với mục đích tăng sự nghi vấn của khán giả, khiến chân dung hung thủ trở nên khó đoán hơn. Chẳng hạn như bác sĩ Khoa (Steven Nguyễn), bác sĩ Quang Dũng (Ngọc Thuận), giám đốc bệnh viện (Hoàng Phúc), hay ông Trọng (Châu Thế Tâm) – cha một bệnh nhân.

Tuy nhiên, các nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua mà không được xây dựng tâm lý, số phận rõ ràng. Điều đó khiến phim như một tác phẩm truyền hình được rút gọn trong 87 phút.

Kịch bản thường xuyên bi kịch hóa các tình huống. Trong phim, có ít nhất hai lần Phương Anh to tiếng, chất vấn Thiên Minh. Cô cho rằng anh là người luôn nghĩ xấu về vợ. Thậm chí có lúc, nữ bác sĩ trợn mắt nhìn chồng như muốn ăn tươi nuốt sống. Sau đó, các nhân vật quát nhau với âm lượng to hơn cả tiếng thét.

Qua góc nhìn của Phương Anh, ai cũng có thể là sát nhân, ai cũng có thể hãm hại cô bất kể ngày đêm. Đỉnh điểm là ở một phân đoạn, Phương Anh bỗng vùng lên đánh một nhân viên trong nhà hàng. Khi sự việc kết thúc, cô không nhận được sự giúp đỡ hay cảm thông từ bất kỳ ai. Đổi lại mọi người đứng im, vây quanh và nhìn bác sĩ chẳng khác người điên.

Nữ chính diễn tốt nhưng "twist " dở

Sự quá tay của biên kịch còn thể hiện trong việc tham lam twist. Phim xây dựng không khí mơ hồ, khó đoán từ đầu, đến gần cuối lại xoay 180 độ khi bất ngờ tiết lộ chân tướng kẻ thủ ác. Sự lỏng lẻo trong cách sắp đặt khiến kết phim gây hụt hẫng nhiều hơn bất ngờ.

Sau khi sát nhân lộ diện, chuyện phim vẫn chưa kết thúc. Biên kịch tiếp tục lồng ghép twist để làm khán giả ngạc nhiên. Cuối cùng, câu chuyện được giải quyết một cách đơn giản đến mức ngớ ngẩn.

Kịch bản lồng ghép nhiều nhân vật phụ nhưng không khai thác sâu.

Bên cạnh đó, các phân đoạn hài được xử lý chưa tốt, hoàn toàn khiến câu chuyện trật nhịp và mất đi cảm giác căng thẳng. Đơn cử là nhân vật của Quách Ngọc Tuyên hay Steven Nguyễn. Cả hai đều có những lời thoại, hành động không hợp lý, như thể vừa bước ra từ thế giới web drama.

Dù kịch bản yếu, Vô diện sát nhân vẫn có một số điểm sáng, điển hình như diễn xuất của dàn diễn viên thực lực giúp câu chuyện trở nên đáng tin. Đặc biệt, Phương Anh Đào là nhân tố cứu phim đến tận những giây cuối cùng.

Đây không phải lần đầu nữ diễn viên sinh năm 1992 vào vai nạn nhân. Trước đó, cô từng giữ vị trí tương tự trong phim hình sự Bằng chứng vô hình (2020) với nhân vật bị mù. Thách thức đặt ra với Phương Anh Đào là phải thể hiện tâm lý hỗn loạn của một người có dấu hiệu tâm thần. Bên cạnh đó, cô còn phải lăn xả trong những cảnh hành động, nhất là khi nhân vật bị rượt đuổi hay đối đầu với cái ác.

Dù đóng tâm lý hay hành động, nữ diễn viên đều tạo được sự thu hút. Tuy nhiên, đôi lúc cô cũng phải gồng mình theo kịch bản với những lời thoại, hành động bị làm quá để tạo kịch tính.

Ngoài Phương Anh Đào, dàn diễn viên phụ chỉ ở mức tròn vai. Hiếu Nguyễn, Quách Ngọc Tuyên hay Oanh Kiều đều có đất diễn ít ỏi. Các nhân vật cũng là dạng vai quen thuộc của diễn viên nên họ chưa thực sự để lại nhiều ấn tượng.

Tạm bỏ qua loạt điểm trừ, đạo diễn Đinh Công Hiếu thực sự làm chủ được các cảnh đâm chém, mang đến không khí rùng rợn của dòng phim slasher. Tuy nhiên, bối cảnh căn nhà còn tương đối hẹp và đơn giản khiến phân đoạn diễn ra ngắn ngủi, để lại nhiều tiếc nuối.

Thực tế Vô diện sát nhân là dự án được tiết lộ từ lâu. Theo nhà sản xuất, phim khởi quay từ năm 2019 nhưng bị dời lịch chiếu đến tận năm nay. Điều đó ít nhiều khiến câu chuyện trở nên cũ kỹ, lỗi thời.

Lẽ ra tác phẩm có thể đạt chất lượng tốt hơn nếu được đầu tư một kịch bản chắc tay, ít lỗi.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vo-dien-sat-nhan-cua-phuong-anh-dao-kich-ban-tham-lam-ngap-loi-post1349487.html